Nếu GS Huỳnh đuổi được mưa, cần xem lại Khổng Minh cầu gió Đông

Hoàng Đan |

"Giả sử thông tin ông Huỳnh đưa ra đúng thì ta có thể xem lại truyện kể về Khổng Minh cầu gió Đông để đánh trận Xích Bích", GS Tân nói.

Bài 1: Giáo sư bất ngờ tuyên bố đã "đuổi mưa" cho ngày 2/9 ở Hà Nội
Bài 2: "Dị nhân đuổi mưa" nói gì về tuyên bố của GS "đuổi mưa" dịp 2/9?
Bài 3: TS Vũ Thế Khanh có thể khiến Giáo sư 'đuổi mưa'... "tắt điện"?

"Tôi không tin"

Những tuyên bố "đuổi mưa" cho dịp lễ Quốc khánh 2/9 ở Hà Nội hay làm "cơn mưa vàng" ở Ninh Thuận hồi tháng 6 vừa qua của võ sư - GS Lương Ngọc Huỳnh đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Không ít người đã đặt câu hỏi nghi vấn về những tuyên bố, khả năng, tính khoa học của phương pháp mà võ sư Huỳnh đưa ra.

Để làm rõ hơn về những thông tin mà vị võ sư này đưa ra, chúng tôi đã có cuộc trao đổi thêm với một số chuyên gia đầu ngành về khí tượng thủy văn ở nước ta.

Trao đổi với chúng tôi, GS.TS Phan Văn Tân (Chủ nhiệm Bộ môn Khí tượng, Khoa Khí tượng thủy văn và hải dương học, trường ĐHKHTN Hà Nội) đã cười khi nghe những thông tin tuyên bố của ông Huỳnh đưa ra về việc "đuổi mưa" cho ngày 2/9.

Theo GS Tân, thời tiết là hiện tượng vật lý tức thời của khí quyển, có nghĩa là giờ đang mưa nhưng lát có thể nắng.

Trong các bản tin thời tiết thì có thể có độ chi tiết rất cao, thậm chí là chỉ dự báo cho một vùng để đua thuyền, một sân bay, sân vận động... và về thời gian thì có thể nói 30 phút một lần.

Võ sư, GS.VS Lương Ngọc Huỳnh.
Võ sư, GS.VS Lương Ngọc Huỳnh.

Nhưng khi đưa ra thông tin đại chúng thì bản tin thô hơn rất nhiều. Chẳng hạn chỉ là ngày hôm nay có mưa hay không, ngày mai nắng hay không, phạm vi chỉ trong 24 giờ hoặc chi tiết hơn là đêm nay có mưa hay không...

"Tuy nhiên, tất cả thông tin đó có thể nói được trước, độ chính xác tương đối cao là từ 3 - 5 ngày, đến 10 ngày thì độ chính xác giảm đi rất nhiều, chỉ còn 20 - 30%. Đến 14 - 15 ngày thì độ chính xác gần như bằng 0. Sau 14 - 15 ngày thì không nói được nữa.

Các điều kiện thời tiết được hình thành trên cơ sở hình thế thời tiết và hình thế này được đặc trưng bởi các quá trình khác nhau. Ví dụ như một đám mây đang lớn nhưng vài tiếng sau có thể biến đi, hình thành một cái khác.

Tuổi thọ của đám mây rất ngắn, chỉ vài ba tiếng, cùng lắm đến 12 tiếng, nhưng có những hệ thống có thể tồn tại lâu hơn. Tuy vậy, bản chất của các hệ thống này cũng không tồn tại quá 2 tuần.

Điều này cũng nói lên rằng, dù con người có giỏi đến mấy thì cũng không thể nói được thời tiết trước 2 tuần", GS Tân nói.

GS Tân cho biết thêm, ông không theo dõi bản tin thời tiết nói về ngày 2/9 như thế nào, nhưng ít nhất vào ngày 2/9, lễ diễu binh mừng Quốc khánh vẫn diễn ra rất tốt đẹp, trời không mưa.

"Nếu như đã có dự báo mưa thì người ta đã chuẩn bị sẵn ô dù, nhưng thực tế cả trên khán đài và dưới đều không có. Liệu thông tin có phải từ ông Huỳnh này đưa ra hay không (?).

Giả sử thông tin ông Huỳnh đưa ra đúng thì ta có thể xem lại truyện kể về Khổng Minh cầu gió Đông để đánh trận Xích Bích.

Ở đây, có thể là kinh nghiệm và thực tế, một số trường hợp dựa vào kinh nghiệm hay bị bệnh kinh niên về phong thấp đều đưa ra dự báo thời tiết khá chuẩn.

Cá nhân tôi cho rằng, ở đây việc làm của ông Huỳnh không phải cầu mưa, cầu gió gì cả và nếu có thì chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên", GS Tân nói.

GS.TS Phan Văn Tân
GS.TS Phan Văn Tân

Đồng thời, GS Tân thông tin, ông không phủ nhận kiến thức của ông Huỳnh về phong thủy và kinh dịch.

Nhưng ông khẳng định, dù ông Huỳnh có kiến thức giỏi bằng mấy thì cũng không thể điều khiển được hệ thống khí tượng để chỗ này mưa, chỗ kia không mưa.

Về mặt khoa học thì không cho phép điều đó vì mưa là do hơi nước ở bên dưới bốc lên và trong khí quyển có hơi nước, nhưng hơi nước mà không ngưng kết thì cũng không thể tạo thành các giọt nước.

Khi ngưng kết tạo thành các giọt nước rồi nếu nhỏ li ti thì cũng không thể gây mưa được. Chỉ có những giọt nước kết hợp với nhau đủ lớn, đủ nặng để vượt quá trọng lực thì mới rơi xuống tạo thành giọt mưa.

"Tất cả quá trình đó là quá trình vật lý, xảy ra trong khí quyển. Việc một người ở dưới này mà điều khiển, chi phối được cả hệ thống thì tôi không tin. Còn tôi không phủ nhận những thứ tôi không hiểu", GS Tân nhấn mạnh.


Đồ hình mô phỏng việc đuổi mưa cho ngày 2/9 ở Hà Nội của GS.VS Lương Ngọc Huỳnh. Ảnh được ông chụp và đưa lên facebook vào lúc hơn 1 giờ sáng 1/9.

Đồ hình mô phỏng việc "đuổi mưa" cho ngày 2/9 ở Hà Nội của GS.VS Lương Ngọc Huỳnh. Ảnh được ông chụp và đưa lên facebook vào lúc hơn 1 giờ sáng 1/9.

GS Tân cũng phân tích thêm, đây là hệ thống khí quyển, quy mô lớn, tồn tại khách quan ngoài ý thức con người, vì vậy, "một con người không thể điều khiển được".

"Nếu ông Huỳnh tuyên bố có thể ngăn mưa, "đuổi mưa", thì có dám làm thí nghiệm với tôi không?", ông nói.

Không có căn cứ khoa học

Về thông tin ông Huỳnh tuyên bố đã điều chỉnh hướng đi của một số cơn bão để tránh vào Việt Nam, theo GS Tân, đối với một cơn bão thì ẩn nhiệt là vô cùng lớn. Vì lượng hơi nước bốc lên từ biển là rất lớn nên chứa một lượng hơi nước khổng lồ.

Theo đó, nếu ngưng tụ lại sẽ giải phóng lượng nhiệt lớn đến mức có thể vài ba chục quả bom nguyên tử ném xuống nước Nhật chưa thể so sánh được.

"Cường độ, năng lượng cơn bão lớn đến thế thì năng lượng nào có thể chống được. Còn nói thực tế, việc ông Huỳnh làm này mang tính duy tâm, thần thánh hóa những hiện tượng vật lý mà không thể thần thánh hóa được", GS Tân nhấn mạnh.

Trước đó, ngay khi nghe thông tin về tuyên bố "đuổi mưa" của ông Huỳnh, GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ, Trung tâm KHCN Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho biết, sau trường hợp của "dị nhân đuổi mưa" Nguyễn Vũ Tuấn Anh, ông không còn muốn nêu ý kiến.

"Trong dự báo thì bao giờ cũng có nhị phân, tức là đúng hoặc sai hay là zê - rô, hoặc là 1. Thế thì người bình thường nói 50% đã là trúng rồi, không cần phải dự báo. Anh có thể nói không mưa hoặc mưa thì đều được 50% rồi.

Cho nên, có thể ngẫu nhiên mà ông Huỳnh trúng 50% vào đó thôi chứ không có gì hết. Còn tôi cũng không muốn bàn vì các nhà khoa học đã biết hết cả rồi", GS Ngữ nói.

Cũng theo GS Ngữ, những tuyên bố "đuổi mưa" của ông Huỳnh cũng "không hề có căn cứ khoa học và chỉ mất công, mất thời gian".

Theo GS.TS Phan Văn Tân, sau trường hợp của "dị nhân đuổi mưa" Nguyễn Vũ Tuấn Anh, chính ông cũng đã được mời tham gia một hội đồng phản bác đề án của một "dị nhân" khác cũng liên quan đến "đuổi mưa".

GS Tân Kể: "Người này làm hẳn một đề án nêu ra rằng, chỗ này hạn hán là do chỗ kia mưa nhiều và tìm một nguồn năng lượng để điều mưa ở chỗ mưa nhiều sang chỗ hạn.

Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam khi đó đã phải thành lập một hội đồng, trong đó, tôi là chuyên gia khí tượng và tôi đã giải thích về cơ chế khí tượng thì không thể tin được.

Không thể nào điều mưa từ bên Ấn Độ hay nơi đâu đó sang Việt Nam hay vùng hạn nào được. Đó là điều không tưởng".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại