Nâng cao tính tư tưởng, tính chiến đấu của báo chí

TS. Nguyễn Xuân Thông |

(Soha.vn) - Báo chí nước ta thời gian qua đã có sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều mặt, có những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, nước ta có 800 cơ quan báo chí, trong đó báo in có 634 (gồm 174 báo và 459 tạp chí), một hãng thông tấn quốc gia, có 67 đài phát thanh - truyền hình (cả Trung ương và địa phương). Sóng phát thanh phủ kín 97,5% diện tích lãnh thổ và có trên 85% dân số cả nước xem truyền hình Việt Nam.

Trong xu thế mới, báo chí điện tử đang có tốc độ phát triển nhanh với hàng chục báo và hàng ngàn trang Web có nội dung cung cấp thông tin.

Đội ngũ những người làm báo nước ta cũng rất đông đảo, với hơn 2 vạn người được cấp thẻ, đang có mặt ở nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc. 

Chưa bao giờ báo chí nước ta lại hùng hậu và rộng khắp về quy mô, sâu sắc, phong phú về tính chất, mạnh mẽ về tốc độ phát triển, đa dạng về hình thức như hiện nay. Với vai trò là người tuyên truyền, cổ động, giáo dục, tổ chức và tập hợp quần chúng; là công cụ của Đảng, Nhà nước và tiếng nói của nhân dân, trong mấy chục năm phát triển cũng như trong thời kỳ đổi mới và hội nhập của đất nước, báo chí đã có những đóng góp cụ thể, thiết thực, to lớn. Điều này đã được thực tế chứng minh và được các Nghị quyết của Đảng khẳng định, như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), Nghị quyết trung ương 5 (khóa X).

Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới, báo chí là công cụ quan trọng cần nhận thức đầy đủ và tiếp tục thực hiện có hiệu quả.

Truyền hình tác nghiệp. (Ảnh: VTV)
Truyền hình tác nghiệp. (Ảnh: VTV)

1. Góp phần làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch xuyên tạc và phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Sau khi chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, Việt Nam là một trong những trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch, với những âm mưu, thủ đoạn vừa trắng trợn, xảo quyệt, vừa nham hiểm, tinh vi, trong đó trọng tâm là phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Mục đích của chúng là nhằm xóa bỏ con đường xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta lựa chọn, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, công cuộc đổi mới, thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" đối với cách mạng nước ta.

Chúng cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã lỗi thời và không phù hợp với Việt Nam. Việc Đảng ta lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng là sai lầm, dẫn đến sự lạc hậu, đói nghèo. Giờ đây, nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, nhưng Đảng cộng sản Việt Nam vẫn "ôm lấy" học thuyết Mác - Lê-nin sẽ đưa dân tộc Việt Nam đi vào ngõ cụt!...

Chúng xuyên tạc một cách vô căn cứ rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam "sáng tác ra tư tưởng Hồ Chí Minh". Khi những luận điệu ấy bị phản bác và không lừa dối được ai, chúng quay sang thừa nhận có tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng lại cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, là sự vay mượn tư tưởng của Khổng Tử, Giêsu, Tôn Dật Tiên...

Với chức năng, nhiệm vụ và lợi thế của mình, báo chí nước ta đã vào cuộc, đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn nói trên.

Nhiều cơ quan báo chí, nhiều bài báo thuộc các loại hình khác nhau, trong thời gian qua đã nêu một cách thuyết phục, có cơ sở lý luận và thực tiễn, khẳng định rõ sự đúng đắn, tính cách mạng và khoa học sâu sắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; chỉ ra sự thất bại của Đảng Cộng sản ở một số nước trong những năm cuối thế kỷ XX, là do sai lầm của những mô hình cụ thể, không vận dụng đúng đắn, sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Những bài viết trên các báo, tạp chí trong những năm qua đã giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, củng cố niềm tin vào nền tảng tư tưởng, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta, đồng thời đã đưa đến cho bạn đọc những ý kiến của các học giả ở các nước, khẳng định một cách khách quan đối với giá trị, sức sống và tính đúng đắn của học thuyết Mác - Lê-nin trong tiến trình phát triển của nhân loại như: "Nhân loại sẽ không có tương lai, nếu không có Mác và di sản của Mác. Mác và chủ nghĩa Mác đã làm nên lịch sử của thế kỷ XX và chúng ta không thể không kế thừa di sản mà Mác để lại. Thế kỷ XXI vẫn là thế kỷ của Mác". "Nhiều người trên thế giới đang quay trở về với những tư tưởng của Mác, tìm thấy trong đó nguồn sáng cho quan điểm về tương lai"...

Báo chí thường xuyên có những bài về tư tưởng Hồ Chí Minh với những phân tích có cơ sở, có tính thuyết phục nói lên nguồn gốc, sự ra đời, quá trình phát triển, nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh và khẳng định rõ tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống những luận điểm tư tưởng đúng đắn, sâu sắc về cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Các bài viết về tư tưởng Hồ Chí Minh đăng trên các báo giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta thấy được giá trị, ý nghĩa của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như âm mưu nham hiểm, sai trái của kẻ địch, qua đó thêm tự hào, vững tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Các nhà báo đang tác nghiệp tại sự kiện đón Nick Vujicic ở sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Tấn Thạnh/ Người Lao Động)
Các nhà báo đang tác nghiệp tại sự kiện đón Nick Vujicic ở sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Tấn Thạnh/ Người Lao Động)

2. Làm rõ sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta đối với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Giá trị lịch sử, tính cách mạng, khoa học và sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là trang bị một thế giới quan, phương pháp luận cách mạng, để từ đó vận dụng một cách phù hợp và sáng tạo vào thực tiễn trong mỗi thời kỳ, cũng như đối với những yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng cụ thể ở mỗi giai đoạn. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là "nhất thành bất biến", cứng nhắc, giáo điều mà là "kim chỉ nam" cho hành động cách mạng.

Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng luôn trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần bổ sung, làm phong phú thêm nền tảng tư tưởng ấy, nên đã đưa cách mạng nước ta giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Điều này đã thể hiện ở các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và thực tiễn cách mạng suốt mấy chục năm qua, cũng như trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay của Việt Nam do Đảng lãnh đạo. Điều này cũng đã được báo chí nước ta, bao gồm cả báo viết, báo hình, báo nói và báo điện tử, báo Trung ương, báo ngành, báo địa phương phân tích và làm sáng tỏ; từ mục tiêu, nhiệm vụ đến đối tượng, phương pháp đấu tranh, động lực cách mạng cũng như đường lối phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại.

Có thể nói, qua báo chí mọi người càng hiểu và nhận thức đầy đủ, đúng đắn hơn nền tảng tư tưởng Đảng ta khẳng định từ trước đến nay, được Đảng ta vận dụng trong thực tiễn sáng tạo đúng đắn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng, mục tiêu cụ thể, thực sự là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ.

Các phóng viên, nhà báo đang tác nghiệp. (Ảnh: Hà Nội Mới)
Các phóng viên, nhà báo đang tác nghiệp. (Ảnh: Hà Nội Mới)

3. Góp phần vào công tác tư tưởng của Đảng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tình hình, nhiệm vụ, yêu cầu của cách mạng trong tình hình mới

Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX (năm 2002) của Đảng khi đề cập tới tình hình tư tưởng trong Đảng và trong nhân dân ta hiện nay đã nhận định: Nhìn chung, mặt tích cực và tiêu cực đan xen nhau, trong đó mặt tích cực là cơ bản và đang quyết định chiều hướng phát triển của xã hội, là nhân tố quan trọng tạo nên thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước. Tuy vậy, mặt tiêu cực có lúc, có nơi cũng rất nghiêm trọng, thực sự là nguy cơ tiềm ẩn, liên quan đến sự mất còn của Đảng, của chế độ.

Nghị quyết Trung ương 5, khóa X (năm 2007) sau khi nêu lên những kết quả nổi bật về tình hình tư tưởng nước ta đã nêu rõ: "Một số mặt tiêu cực về tư tưởng đang có biểu hiện phức tạp và nghiêm trọng hơn, tiềm ẩn các nguy cơ trực tiếp gây mất ổn định chính trị".

Là công cụ tư tưởng sắc bén của Đảng, diễn đàn tin cậy của các tầng lớp nhân dân, báo chí có nhiệm vụ góp phần vào công tác tư tưởng của Đảng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát huy mặt tích cực, ngăn chặn, đẩy lùi các yếu tố tiêu cực trong xã hội, củng cố niềm tin vào nền tảng tư tưởng, sự lãnh đạo của Đảng và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Với những kết quả đạt được, báo chí đã góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước và kết quả công tác tư tưởng của Đảng như: Khẳng định và bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, giữ gìn, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội; Đấu tranh chống lại các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, vu cáo Đảng, Nhà nước ta trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng; Kịp thời biểu dương các phong trào thi đua yêu nước, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân; Và, mới đây là kịp thời làm rõ những việc làm sai trái của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như những hành động ngang ngược của phía Trung Quốc trong việc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam và luật pháp quốc tế...

Tuy nhiên, trong hoạt động báo chí vừa qua cũng có những yếu kém, khuyết điểm: Một số cơ quan thiếu nhạy bén chính trị, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích, thương mại hóa báo chí, chưa chi phối, làm chủ thông tin và định hướng dư luận xã hội, chất lượng và hiệu quả tuyên truyền không cao...

Để tiếp tục phát huy vai trò và tính tư tưởng, tính chiến đấu của báo chí thời gian tới, theo chúng tôi có những vấn đề cần quan tâm:

Một là, cần nghiêm túc nhìn nhận, kịp thời có các giải pháp sớm khắc phục những yếu kém, khuyết điểm nói trên, để báo chí thực sự là công cụ tư tưởng sắc bén của Đảng, đấu tranh với những thế lực thù địch một cách kịp thời, có hiệu quả.

Hai là, báo chí phải bám sát nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước ta. Cơ quan báo chí và người làm báo phải xác định rõ, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Vừa qua, chúng tôi thấy có một số cơ quan báo chí chưa thực sự quan tâm đúng mức vấn đề này.

Ba là, sử dụng và phát huy sức mạng tổng hợp của các phương tiện thông tin đại chúng, bằng nhiều hình thức khác nhau và có sự chỉ đạo tập trung của cơ quan quản lý, tránh sự trùng lặp, thiếu thống nhất, và sự sắc bén cũng như tính thuyết phục.

Bốn là, đặc biệt coi trọng việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng những người quản lý và làm báo trong cơ chế thị trường hiện nay để có những nhà báo giỏi, những tác phẩm báo chí có giá trị cao, có ảnh hưởng và tác động lớn trong xã hội.

Năm là, kịp thời phát hiện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng cũng như sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta để chủ động đấu tranh với những hình thức, phương pháp có hiệu quả, làm thất bại âm mưu của chúng ngay từ đầu. Từ đó nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, công cuộc đổi mới và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại