Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bác sỹ, nhà thơ Vũ Quần Phương để nghe ông chia sẻ về những nỗi trăn trở về một năm cũ vừa khép lại. Mặc dù đã ở tuổi 73 nhưng ông vẫn luôn dõi theo những vấn đề tồn đọng của ngành y nói riêng, đời sống xã hội nói chung.
Trao đổi với chúng tôi tại nhà riêng, Nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà Văn Việt Nam, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa IX chỉ ra những điều mừng, điều lo lắng trong năm 2013. Mở đầu câu chuyện của mình, ông nói:
“So với các năm, xã hội đã có chuyển biến. Mừng vì những vị “tổng tư lệnh” ngành thấy được nhọ trên mặt mình và có làm, có trách nhiệm. Tuy nhiên tôi vẫn lo nhiều hơn…”.
Xã hội đang sa lầy
Là một người đã từng làm trong ngành y tế, nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ những sự kiện trong năm vừa qua gây bức xúc, cho thấy sự đi xuống của xã hội.
Đó là chuỗi sự kiện y tế thể hiện lương tâm, đạo đức của đội ngũ y bác sỹ. Vụ việc làm giả xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, hành vi giết người phi tang xác của GĐ Thẩm mĩ viện Cát tường, là sai sót tiêm vác xin cho trẻ…khiến nhiều người bức xúc về sự xuống cấp của đạo đức, lương tâm con người.
Ông giải thích, việc làm giả xét nghiệm tuy chưa gây tác hại tính mạng người bệnh nhưng về nguyên tắc không thể chấp nhận được. Còn vụ Cát Tường điều nguy hại hơn cả chính là hành động phi tang xác chết của bệnh nhân, tức là thủ tiêu vô tăm tích một nhân mạng.
Một điều đáng lo nữa chính là chất lượng chữa bệnh ở các tuyến dưới rất đáng lo, người dân đổ xô lên các tuyến trung ương, xảy ra tình trạng quá tải.
Sự kiện thứ 2 gây bức xúc chính là việc bảo mẫu hành hạ độc ác trẻ tại Trường Mầm non tư thục Phương Anh (Quận Thủ Đức, TP.HCM).
“Việc bảo mẫu hành hạ trẻ tại không còn là cá biệt. Người trẻ, có học mà ác thế! Đáng lo lắm. Lo cả về tổ chức xã hội, chất lượng chuyên môn và đạo lý làm người. Biện pháp ngăn chặn chưa rõ, chưa có biện pháp từ gốc. Việc này các bậc cha mẹ nuôi con nhỏ lo buồn lắm lắm”, nhà thơ Vũ Quần Phương nói.
Theo đánh giá của nhà thơ Vũ Quần Phương, không chỉ ngành y mà nhiều ngành cũng có những biểu hiện xuống cấp trầm trọng. Nhiệm vụ của người quản lý là tìm được nút ấn để điều chỉnh toàn bộ hệ thống.
“Ngày xưa dạy con người bằng nhân trị, nhưng khi xã hội phức tạp hơn mình phải dùng luật pháp để trị. Nhưng luật pháp của ta chưa nghiêm. Vậy ai làm pháp luật không nghiêm? Trong lĩnh vực này ngưới xé rào thường là các vị có quyền. Rào đã xé thì người sau cứ thế đi qua”, Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định.
Cách kén người tài của mình có vấn đề
Đi tìm nguyên nhân của những vấn đề xã hội tồn đọng, liên tiếp xảy ra trong năm qua, nhà thơ ngẫm nghĩ và chậm rãi:
“Thiếu xót của ngành nào cũng là hệ quả của một quá trình, tới ba bốn chục năm rồi. Đừng chỉ quy cho người đương nhiệm. Hiện nay thì có thể thấy nhiều tư lệnh ngành đương nhiệm không giải quyết nổi những khó khăn trong ngành mình. Lúng túng lắm!
Ngành nào trực tiếp đụng đến dân, thì dân thấy rõ và phản ứng, đòi hỏi như ngành giao thông, y tế, giáo dục... Những ngành khác, dân ít có điều kiện tiếp cận thì thỉnh thoảng lại bục ra một vụ, cũng gây hoang mang và nghi ngờ. Để giải quyết những bức xúc ấy phải tìm cho ra người có năng lực. Kén hiền tài luôn luôn là yêu cầu bức thiết của mọi thời. Nguyễn Trãi thuở kháng chiến luôn lo âu khan hiếm nhân tài. Bác Hồ ngày lập nhà nước cách mạng tìm mọi cách để phát hiện và thu dụng nhân tài…”.
Vừa rồi có rộ lên ý kiến phê phán ngành giáo dục nhắm không trúng đích trong đào tạo. Sản phẩm của đào tạo ít đáp ứng được yêu cầu xã hội. Nhiều cử nhân thất nghiệp...Theo nhà thơ, muốn cải tiến phải thay đổi cách kén nhân tài.
Ông cho rằng: “Đây không phải bài toán có thể giải quyết được một sớm một chiều. Ngành giáo dục đang lúng túng trong việc tìm đích đào tạo. Quả là nhiều sản phẩm không đạt yêu cầu, không dùng được. Để ngành giáo dục đào tạo đúng hướng thì việc kén người tài, dùng người tài của nhà nước cũng phải chính xác. Cầu sẽ kích thích cung. Nhà nước dùng người không thực tài thì học trò sẽ không thực học”.
Tín hiệu đáng mừng
Tuy nhiên, nhìn lại 1 năm 2013, nhà thơ Vũ Quần Phương bày tỏ rằng không có nghĩa là mình bi quan về sự phát triển của đất nước.
Ông chỉ ra rằng: “Năm 2013, nhiều tư lệnh ngành đã nhận ra vết “nhọ” trên mặt mình và đang tìm cách làm sạch lại. Xã hội cần cổ vũ họ, trân trọng với những thành tựu, dù còn nhỏ bé nhưng đã khác về chất. Có thể nói, vụ xử nghiêm tham nhũng Vinalines hay sự xấu hổ của người hôi bia ở Đồng Nai là những tín hiệu để hy vọng.
Bên cạnh đó, đám tang Đại tướng Võ nguyên Giáp đã thể hiện sức mạnh đạo lý của dân tộc, đạo lý của người dân đối với người có công với đất nước. Tôi cảm thấy phấn chấn về sức mạnh tiềm ẩn của nhân dân”.
Trân trọng cảm ơn chia sẻ của nhà thơ!