RỜI QUÊ TÌM “THIÊN ĐƯỜNG”
Đi du lịch sang Malaysia không khó, chỉ cần passport, tiền dằn túi khoảng 20 triệu đồng là có thể vi vu hưởng thụ. Nhưng đối với cô gái nghèo, thất nghiệp như Cúc (SN 1979, ngụ Tây Ninh) thì Malaysia chỉ là “thiên đường” trong mơ ước. Nhưng rồi Cúc vẫn qua tận Malaysia dù không có đồng xu dính túi. Cúc đi mang theo tâm nguyện là phải cật lực kiếm tiền, tiêu xài tiết kiệm, tránh xa ăn chơi đua đòi để kiếm một mớ tiền về trả nợ và làm vốn buôn bán.
Gái Việt qua Malaysia làm nghề khui bia.
Cúc là một trong số hơn 20 cô gái quê Tây Ninh và hàng trăm cô ở các tỉnh thành khác được rủ rê qua Malaysia làm việc. Cô nào đi cũng được hứa hẹn sẽ trở về trong huy hoàng, nhưng có mấy ai được như thế. Dù họ có “tơi tả” nơi xứ người nhưng chưa ai dám mở miệng than vãn. Người cũ sau thời gian rành đường đi nước bước lại trở thành “cò” đưa các cô gái khác qua làm việc. Các cô “cò” khi tiếp cận “con mồi”, họ chỉ vẽ một thiên đường kiếm tiền dễ dàng bên xứ người, nghe bùi tai, các cô gái tít mắt răm rắp làm theo. Một khi đã thành “cò” thì họ không phân biệt chị em, họ hàng thân thuộc, miễn sao rủ càng đông người càng tốt. Cứ thế, hiện nay có hàng trăm cô gái ở các tỉnh kéo nhau qua Malaysia theo kiểu chuyền tay như thế.
Những cô gái được tuyển chọn đi khui bia phải hội đủ hai tiêu chuẩn: biết giao tiếp bằng tiếng Hoa phổ thông hoặc tiếng Anh và phải có dáng đẹp một chút. Dù không có tiền, họ chỉ cần gật đầu đồng ý, ngay lập tức sẽ có người bỏ tiền ra lo tất cả chi phí làm thủ tục, vé máy bay, chỗ ăn nghỉ kể cả tiền “mua đường” bên Malaysia. Tiền “mua đường” khoảng 4 triệu đồng, tiền vé 5 triệu, tổng cộng mỗi cô khi qua được chỗ làm phải tốn ít nhất 10 triệu đồng. Xem như vừa bước chân qua Malaysia, các cô gái đã ký vào sổ nợ gần 20 triệu đồng (cộng thêm tiền lãi suất). Theo Cúc, cô nào rành tiếng, có ngoại hình đẹp thì chỉ trong vòng một tháng đã có thể trả hết nợ ban đầu, còn dư chút đỉnh để mua sắm. Cô nào một tuần mà chưa bắt nhịp được công việc thì xem như nợ càng chồng nợ.
Cúc may mắn có chút “vốn liếng” từ cuộc hôn nhân thất bại với người chồng Đài Loan. Hai năm sống vằn vặt trong cuộc hôn nhân không tình yêu, Cúc quyết định ôm con trốn về nước. Từ đó, cuộc sống của Cúc bắt đầu gặp nhiều trắc trở khi không có nghề nghiệp ổn định, lại còn phải nuôi con nhỏ và cha mẹ già yếu, bệnh tật. Cúc làm đủ mọi nghề từ việc phụ bán quán nước, phụ giúp việc nhà. Biết Cúc rất cần tiền nên một “cò” khui bia đã đến tận nhà rủ rê đi làm. Đang cần tiền, thế là Cúc gật đầu đồng ý.
“CÒ” KHUI BIA
“Cò” giúp đỡ Cúc đi khui bia chính là Diễm (quê Tây Ninh).
Diễm từng là một cô gái ngoan suốt ngày gắn bó với ruộng nương. Vì muốn nhanh chóng có tiền, cô đã nghe lời “cò” dụ dỗ qua Malaysia lao động. Nhưng không ngờ, Diễm đã bị lừa gả bán cho một người đàn ông Malaysia gần 50 tuổi, nhà ở tận trên núi heo hút. Diễm bị nhà chồng bắt đi làm ruộng cực khổ, lại còn bị đối xử tệ khi người chồng cứ sợ cô bỏ trốn. Một năm chịu đựng, Diễm mới biết đường gọi điện về Việt Nam cầu cứu. Mẹ Diễm là bà Năm phải tìm gặp người môi giới khóc lóc, năn nỉ thả Diễm về.Để chuộc Diễm, bà Năm phải đi vay 30 triệu đồng đưa cho “cò”. Được về quê hương, nhìn món nợ lãi mẹ, lãi con gần 50 triệu đồng, Diễm ngán ngẩm.
Một năm bên đất nước Malaysia dù Diễm chỉ bập bẹ được ít tiếng phổ thông nhưng đã trải qua đau khổ nên cô thừa sự lì lợm. Nghĩ đến cái nghèo, Diễm làm liều trở lại Malaysia kiếm việc làm. Lần này Diễm đi một mình và may mắn quen vài cô gái cùng quê cũng đi làm bên ấy. Qua sự quen biết này, Diễm được diện kiến một phụ nữ là trùm “cò” chuyên dẫn các cô gái sang Malaysia. Làm được 5 tháng, Diễm trở thành một “cò” trong đường dây của người phụ nữ nọ.
Phố xá Kuala Lumpur được ví như “thiên đường” của dân chơi.
Ngoài “cò” Diễm ở Tây Ninh thì “cò” Mi ở Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh cũng là một trong số “cò” có uy tín trong bầy “cò” dắt gái qua nước ngoài tìm việc. Mi cũng từng sang Singapore làm công việc khui bia. Để có thêm thu nhập, Mi cặp kè với nhiều đại gia và đã có tiền tậu miếng đất nho nhỏ ở Sài Gòn xây nhà cho mẹ.
Từ ngày có đại gia nuôi, Mi không còn phải đứng khui bia cho khách mà chuyển sang làm “cò” dắt gái. Thị trường Singapore đã nhàm chán, Mi chuyển sang làm “cò” cho thị trường Malaysia. Cứ độ bốn tuần, Mi lại bay về dắt theo vài cô gái bay cùng. Mi không bao giờ kén chọn gái, đa phần là những cô gái sành đời, những tiếp viên ở quán bar trong thành phố bị dạt ra và muốn tìm thị trường khác để... đổi đời. Khi qua bên ấy, Mi để cho họ tự kiếm tiền nhờ vào năng khiếu của mình, miễn sao tiền vay phải thanh toán sòng phẳng.
Đa số “cò” đều xuất thân từ kiếp... khui bia. Cái nghề dù dễ kiếm tiền nhưng có cô gái nào dám hãnh diện khoe công việc của mình. Họ giấu kỹ những giọt nước mắt tủi nhục sau nụ cười rạng rỡ để làm nền tiếp tục lôi kéo, rủ rê những cô gái khác. Một khi đã dày dạn kinh nghiệm, những cô này lại trở thành “cò” chuyên nghiệp và dần dà “cò” nhảy lên thành trùm “cò”.
Trùm “cò” được các cô gái nể nang gọi là “má”. “Má” thì hãnh diện gọi các “con” của mình là đào. Nổi bật nhất trong đường dây trùm “cò” có thể kể đến má Ng. (50 tuổi). Trong tay má Ng. hiện có hơn 200 đào (kể cả đào nam) là người Việt Nam đang khui bia ở Malaysia. Má Ng. quê gốc Tây Ninh, lấy chồng Malaysia gần 20 năm nay. Chồng má Ng. là cảnh sát ở quận Jalan Bali nên thế lực của bà ta rất mạnh.
Tuy ít khi về Việt Nam nhưng má Ng. quản lý nhiều đường dây tuyển gái qua làm việc bằng đường du lịch, kể cả bằng đường du học. Ai không có tiền, má Ng. lo tất, chỉ cần trả nợ, đóng lãi sòng phẳng. Ở Malaysia, má Ng. thuê gần 20 căn nhà chung cư ở khu phố Maluri Taman, Kuala Lumpur để làm nhà trọ nuôi đào. Mỗi căn chung cư có ít nhất 20 cô chen chúc sống. Mỗi tháng má Ng. thu tiền nhà, tiền ăn mỗi đào gần 5 triệu đồng/tháng (tương đương 700 ringgit Malaysia (MYR)). Má Ng. không trực tiếp đến thu mà có một lực lượng đệ tử làm công việc thu nợ. Ai quỵt nợ thì lập tức những tên ấy hiện nguyên hình là những tên “ma cô” khét tiếng hung hăng. Đào nào làm lâu năm và uy tín sẽ được má Ng. tin tưởng thăng chức giao nhiệm vụ quản lý đào.
“MÁ” Ở “ĐỘNG”...
Có một nguyên tắc, những đào từ Việt Nam mới qua không ai được diện kiến má Ng. Chỉ đến khi nào làm việc suôn sẻ được vài tuần và có hướng làm lâu dài thì má Ng. mới xuất hiện hỏi han, động viên. Cần tiền, chỉ cần nói má Ng. một tiếng thì sẽ được rót ngay. Vay 1 triệu đóng lãi 200 ngàn đồng/tháng, nhưng không được trễ quá ba ngày. Nếu trễ, lãi suất sẽ nhân lên gấp đôi, đào nào nhiều lần chây lì sẽ bị trục xuất về nước và vĩnh viễn không được làm việc bên Malaysia nữa.
Đào nào thiếu nợ nhiều quá mà khui bia ế thì má Ng. sẽ “gửi” sang “động” (động mại dâm) làm đến khi nào có tiền trả thì thôi. Nếu làm ở động trả được dứt nợ thì má Ng. cũng trục xuất về nước, xem như không còn liên quan. Má Ng. không hề ép các cô gái khi qua được Malaysia nhất thiết phải thuê nhà má ở. Nhưng hầu hết các cô gái đều ngầm biết rằng, nếu không ở trọ nhà má Ng. thì khó mà làm việc. Dù ở nhà má Ng. nhưng các đào được tự do đi tìm chỗ làm tùy thích, khi gặp sự cố thì má Ng. mới xuất hiện bảo lãnh. Vì thế, những ai là đào của má Ng. đều rất vững dạ khi “làm ăn” bên nước bạn.
Ngoài má Ng., thì đường dây khui bia của má Th. “lùn” cũng sở hữu gần 100 đào. Tuy má Th. “lùn” thế lực không mạnh bằng má Ng. nhưng đào của má Th. “lùn” hoạt động cũng cạnh tranh không kém. Th. “lùn” cũng từng xuất thân từ đào khui bia của má Ng. Sau thời gian làm việc, Th. “lùn” vớ được anh chồng Malaysia già hơn tuổi ba cô nhưng rất giàu có. Chồng của Th. “lùn” không cho phép cô đi khui bia mà bắt cô chuyển làm “cò” trở về Việt Nam tuyển đào sang cho chồng quản lý. Th. “lùn” cũng thuê cả dãy nhà chung cư để chứa đào.
Má cũng có nhiều dạng má. Theo các đào thì họ sợ nhất là các má ở động. Những má này khi tuyển gái cũng hứa hẹn đi làm việc đàng hoàng nhưng khi đưa qua Malaysia họ lại dụ dỗ đưa vào động mại dâm. Vì đã trót thiếu tiền vay nên các cô gái cắn răng chịu đựng phục vụ khách kiếm tiền trả nợ để được tự do. Nhưng một khi đã vào động thì ít cô nào thoát khỏi tay má. Họ làm đủ mọi cách để níu kéo, đẩy những cô gái lún sâu vào vũng bùn nhơ nhớp. Đã có nhiều cô gái mới chân ướt chân ráo đến Malaysia đã bị các má “động” sáp vào dụ dỗ, lôi kéo. Biết là các má “động” dụ dỗ đào của mình nhưng các má “khui bia” không hề can thiệp, họ để cho các đào tự quyết định, “khôn nhờ dại chịu”. Đào nào mới qua cũng bị dụ dỗ như thế.
Xoay xở cách nào thì số phận các đào cũng bị ràng buộc bởi các má. Vì đồng tiền, đào cũng đành nhắm mắt đưa chân. Các cô gái đều biết, dù các má luôn miệng hứa hẹn sẽ bảo vệ đào nhưng ai cũng thừa hiểu, đối với họ đồng tiền là quan trọng nhất, họ không hề biết đến đồng hương. Để tồn tại nơi xứ người, các đào phải thật sự khôn khéo và lì lợm. Dần, họ trở thành những cô gái sống theo kiểu buông thả và đầy toan tính.
(Còn tiếp)