Một lần "đau tim" ở quán cơm "máy chém" gần bến xe Giáp Bát

Hải Nguyên - Minh Ngọc |

(Soha.vn) - Mỗi khách vào quán "cơm - phở bình dân" gần bến xe Giáp Bát đều nhận được nụ cười cảm thông của cánh xe ôm.

>>>Kinh hoàng "máy chém" tại quán cơm bình dân ở bến xe Giáp Bát

Để được trải nghiệm thêm những cảm xúc mạnh ở quán cơm "máy chém" nơi bến xe Giáp Bát, ngày 13/6/2014, nhân tiện đi đón mẹ từ quê lên Hà Nội khám bệnh, mẹ con tôi đã trở thành vị “thượng đế” bất đắc dĩ của quán cơm.

Vẫn hai suất cơm với những thức ăn tương tự như của anh chàng sinh viên năm thứ nhất trường Học viện Thanh thiếu niên mà chúng tôi đã bắt gặp trong buổi hôm trước, chỉ khác chăng là miếng thịt lợn được thay thế bởi 1 miếng thịt gà. Chính sự thay đổi ấy mà giá suất cơm của tôi đã được đẩy lên đến 70 nghìn đồng. Một bát canh lèo tèo mỗi miếng cá nhỏ gọi thêm cũng bị "chém đẹp" với giá 60 nghìn đồng, cộng thêm 5 nghìn đồng/cốc trà đá loãng tuệch.

Máy chém Minh Chuyên nằm ở tkhu vực bến xe Giáp Bát

"Máy chém" Minh Chuyên nằm ở khu vực bến xe Giáp Bát.

Trước khi bước ra bàn thanh toán, ngó xung quanh tôi chỉ thấy một sự nhếch nhác của quán ăn “bình dân” nức tiếng nơi bến xe Giáp Bát. Bếp ga, nồi cơm được đặt trong không gian chật hẹp của quán. Phía bên trong nhà vệ sinh là những bát, đĩa, thìa, đũa… vứt ngổn ngang.

Dù đã chuẩn bị tinh thần là sẽ bị “cắt cổ” nhưng tôi không khỏi giật mình bởi cái giá trên trời rơi xuống: 210 nghìn đồng cho 2 suất cơm, 1 bát canh, 2 cốc trà đá. Không nhẫn nhịn như lần trước, tôi lên tiếng thắc mắc về mức giá quá cao thì nhận được cái nhìn thiếu thiện cảm của bà chủ quán. “Chẳng có gì là cao cả!”, sau câu nói cụt ngủn, bà chủ quán Minh Chuyên hất tay ra hiệu cho mẹ con tôi đứng sang một góc vắng người hơn để câu chuyện không bị các thực khách khác chú ý. 

Là một người phụ nữ từ quê lên Hà Nội khám bệnh, chi phí cho mỗi bữa cơm cả gia đình cũng chỉ bằng số tiền cho 1 suất cơm ở đây, mẹ tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng. Đáp lại thắc mắc của mẹ tôi khi nghĩ chỉ 35 nghìn/suất cơm là cái bĩu môi và tiếng “hứ” đầy chua chát: “Đấy là tưởng thôi”. 

Sau khi mang đồ ăn vào cho các thực khách ở phía trong, thấy chúng tôi tiếp tục xin bớt, bà chủ bước tới và ra “ân huệ” miễn phí cho chúng tôi hai cốc trà đá với số tiền là 10 nghìn đồng. Tổng chi giờ chỉ còn 200 nghìn đồng.

Nhìn lại số tiền lẻ trong ví, tôi ái ngại xin thêm chút “ân huệ” từ bà chủ quán “từ bi”. Lúc này, sự bực bội trong người phụ nữ ấy đã được đẩy tới đỉnh điểm. “Không phải mặc cả, ở đây không bán mặc cả”, giọng chanh chua, bà chủ quán quắc mắt nhìn chúng tôi đầy bực tức.

Lúc này dường như không còn để ý là trong quán đang có khách ăn cơm và bên cạnh chúng tôi là một vị khách khác cũng đang chờ tính tiền, bà chủ gắt lên với hai mẹ con tôi: “Còn bao nhiêu tiền?”.

Rồi bà ta tiếp tục “ban ơn” khi nhớ ra khách hàng hiện tại không phải chỉ có hai mẹ con tôi, tuy nhiên giọng vẫn đầy hằn học: “Cho thì chỉ cho 50 nghìn là nhiều lắm rồi, không lấy đồng lãi nào”.

Nhặt từng đồng tiền lẻ trong ví, cộng thêm 20 nghìn mẹ tôi còn lại trong túi, chúng tôi đưa hết cho người phụ nữ ấy. Vẫn với giọng hằn học, bà chủ quán hất hàm: “Đếm cho đàng hoàng, còn được bao nhiêu tiền?”.

Thấy chúng tôi phải đếm đi đếm lại từng đồng tiền lẻ còn sót lại trong ví để trả cho suất cơm của mình, nhiều người cám cảnh, lắc đầu đầy thương cảm. Nhưng không ai dám bước ra lên tiếng bênh vực trước ánh mắt giận dữ của bà chủ quán.

Để xoa dịu tình hình, mẹ tôi nói thêm vào: “Chị thông cảm, cháu đưa tôi đi chụp chiếu mất nhiều tiền quá. Hôm nào lấy kết quả sẽ mang tiền ra trả thêm cho chị”. Đáp lại thiện ý ấy của mẹ tôi là lời nói lạnh tanh: “Tôi không cần lấy tiền ấy của bà. Tôi ngóng bà có mà…”.

Nói rồi, bà chủ quán lấy hết số tiền tôi vừa đưa, lẻ chẵn có đủ và không cần đếm lại.

Mặc dù khách phải đếm từng đồng tiền lẻ để trả cho suất cơm 70 nghìn, nhưng bà chủ quán vẫn không để tâm điều ấy. Điều mà người phụ nữ này phải làm lúc này là thu đủ số tiền mình vừa đưa ra

Bà chủ quán bày tỏ sự tức giận khi thực khách không có đủ tiền để trả cho suất cơm giá "cắt cổ" của mình.

Trước khi rời khỏi quán, tôi vẫn kịp nhìn thấy ánh mắt của hai người đàn ông đang ăn cơm đầy lo lắng. Ngay sau chúng tôi, một thực khách khác cũng ngỡ ngàng thắc mắc trước mức giá 50 nghìn đồng cho bát phở chỉ lèo tèo vài ba miếng thịt bò thái mỏng, cũng như câu trả lời vẫn lạnh lùng và không có chút thiện cảm của người chủ quán: “Anh thông cảm, bọn em thuê nhà ở đây cái gì cũng đắt”.

Mỗi hành khách bước vào hay bước ra khỏi quán Minh Chuyên đều nhận về là nụ cười đầy cảm thông của cánh xe ôm. Thấy mẹ con tôi tần ngần dắt xe đi, có người còn động viên, an ủi: “Như thế là còn ít đấy”.

Mỗi ngày, ở bến xe Giáp Bát có biết bao chuyến xe đường dài ra vào bến, hàng trăm thực khách sẽ vô tình đưa cổ vào cái “máy chém” có tên Minh Chuyên. Chỉ ngồi quan sát khoảng 1 tiếng đồng hồ ở một quán nước gần đó, chúng tôi đếm vội cũng có khoảng 20 “thượng đế” bước vào quán ăn này để nhận về cho mình những nỗi kinh hoàng, sự ngỡ ngàng khi thanh toán.

Clip chúng tôi ghi lại ở quán cơm phở bình dân nằm cạnh bến xe Giáp Bát:

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại