Mong tân Thủ tướng làm hai vấn đề rất cấp bách

Hoàng Đan |

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) mong muốn, tân Thủ tướng sẽ đấu tranh mạnh mẽ chống giặc nội xâm và ngoại xâm.

Cần phải có sự đổi mới, đột phá mạnh mẽ

Theo chương trình, sáng nay 6/4, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm chức danh Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời, Chủ tịch nước cũng sẽ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ.

Sau đó, các đại biểu sẽ trở về thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, sáng 7/4, Quốc hội sẽ tiến hành bầu tân Thủ tướng.

Nêu ý kiến của mình, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, nhiệm kỳ của tân thủ tướng sẽ còn những nặng nề, bởi không chỉ vượt qua những thách thức của hiện tại, mà phải khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại.

Theo ông Quốc, thời gian là sự vận chuyển không ngừng, ta kế thừa tích cực thành quả nhưng vẫn phải nghiêm túc học bài học không thành công, trong đó có thay đổi cơ chế và con người.

Như nhiều kỳ vọng của ĐBQH, ta đứng trước 2 thứ giặc nội xâm và ngoại xâm nên chỉ khi nào giải quyết tốt ta mới phát triển bền vững được.

"Tân Thủ tướng có vai trò rất lớn trong chỉ đạo, điều hành các vấn đề kinh tế, xã hội, do đó yêu cầu, đòi hỏi rất cao. Tân Thủ tướng cần phải có sự đổi mới, đột phá mạnh mẽ, gắn với thực tiễn để điều hành", ông Quốc nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các nữ ĐBQH.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các nữ ĐBQH.

Nói thêm về điều này, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cũng mong muốn, tân Thủ tướng sẽ đấu tranh mạnh mẽ chống giặc nội xâm và ngoại xâm.

Nội xâm chính là đấu tranh chống tham nhũng và ngoại xâm là bảo vệ thực sự vững chắc chủ quyền, lãnh thổ của chúng ta ở Biển Đông và đó chính là khát vọng, yêu cầu, mong đợi của nhân dân ta.

ĐBQH Lê Nam.
ĐBQH Lê Nam.

"Tân Thủ tướng phải làm thế nào để có được chuyển biến và kết quả cụ thể trong hai vấn đề rất cấp bách này.

Ngoài ra, thì không chỉ Thủ tướng mà các lãnh đạo khác của Đảng, Nhà nước cũng cần phải thực hiện tốt yêu cầu, mong đợi này của nhân dân", ông Nam nêu.

Siết chặt kỷ cương

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cũng đưa ra một thực tế, đó là gần đây có hiện tượng kỷ luật, kỷ cương lỏng lẻo. Rồi trong phát biểu của ông ở hội trường vừa qua có nhắc đến vấn đề khi mời gọi đầu tư có hiện tượng “trên rải thảm, dưới rải đinh”.

Điều này làm cho nhiều chính sách chủ trương tốt đẹp của Đảng, Nhà nước đã bị cấp dưới vô hiệu hóa giống như các barie cản đường với các nhà đầu tư như cắt điện, cắt nước, dựng rào, chắn cổng khiến các nhà đầu tư khốn đốn, còn doanh nhân nản lòng.

Ngay trong các lĩnh vực khác cũng thế, như về văn hóa, trên nói rằng phải chống lễ hội phản cảm, chống thương mại hóa lễ hội, nhưng ở các địa phương người ta vẫn thương mại hóa lễ hội, vẫn tạo dựng nên những lễ hội phản cảm.

Hay trong ngành giáo dục, đào tạo, trên xây dựng những luật rất tốt, về mặt quản lý Nhà nước đã siết chặt hơn nhưng nhiều cơ sở đào tạo vẫn chạy theo thành tích.

"Thậm chí có cơ sở buông lỏng quản lý về chất lượng nên có hiện tượng “bằng thật, kiến thức giả”, chứ tôi còn chưa nói đến “bằng giả, kiến thức giả” nữa.

Về lĩnh vực y tế, cơ quan quản lý đã quản lý chặt chẽ, nhưng đối với người thực hiện, cơ sở y tế thì đâu đó vẫn có vấn đề về y đức, trễ nải trong trách nhiệm khám, chữa bệnh để đến mức làm bệnh nhân tử vong.

Đó là do kỷ cương, kỷ luật trên bảo dưới không nghe. Cho nên tôi mong rằng, tân Thủ tướng phải siết chặt kỷ luật, lỷ cương ở rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kỷ luật, kỷ cương giữa cấp trên và cấp dưới phải mạnh hơn, rõ hơn", ĐBQH này bày tỏ.

ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng tỏ rõ sự tin tưởng và hy vọng vào các vị được giao trọng trách trong Chính phủ, đặc biệt là chức danh Thủ tướng.

"Tôi rất kỳ vọng, nhưng phải làm sao tiếp tục phát huy được những kết quả của nhiệm kỳ trước, đặc biệt phải khắc phục ngay những tồn tại mà Chính phủ cũ đã mắc phải như trong Báo cáo của Chính phủ đã nêu về 8 nhóm vấn đề còn tồn tại.

Trước hết, xem xét lại nợ công. Thứ hai là thu chi ngân sách, nếu thu không đủ chi mà cứ đi vay thì rất nguy hiểm. Thứ ba là xem lại một số chính sách về an sinh xã hội, đặc biệt là chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Phải vì quyền lợi của người dân, đảm bảo đời sống nhân dân ngày được nâng cao”, ông Vinh nêu.

Ngoài ra, theo ông Vinh, hiện nay người dân nói là cải tiến rồi, cơ chế một cửa nhưng nhiều ngách. Làm sao để bộ máy đỡ cồng kềnh, cán bộ công chức có đồng lương đủ sống thì đỡ phiền nhiễu đi.

"Bây giờ ông nào cũng kêu lương thấp nhưng trên thực tế tại sao một số người giàu như thế? Lấy ở đâu ra? Lương chỉ có thế mà sao nhà lầu, xe con, con cái du học nước nọ nước kia thì lấy ở đâu?

Tôi mong rằng, Thủ tướng mới sẽ kiên quyết làm rõ, chống tình trạng này", Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng nói.

Trước đó, Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ Đảng đã giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ để Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại