Mệnh lệnh “thần” của Đại tướng và quyết tâm bắt sống TT Dương Văn Minh

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - Chính mệnh lệnh “táo bạo, táo bạo hơn nữa” đã “thúc giục” ông bắt Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng luôn để chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt dù khi đó ông mới chỉ là một Trung đoàn phó.

Chúng tôi đến thăm ông trong một ngày giữa thu khi ông mới trở về nhà sau một chuyến đi dài. Là vị tướng đã về hưu nhưng ông vẫn ít ở nhà như ngày còn trong quân ngũ. Ông luôn trăn trở trước sự hy sinh, mất mát của những người đồng chí của mình. Ông đã và đang cùng với những đồng ngũ đi tìm mộ liệt sỹ, thăm chiến trường xưa… 

Hiện ông đang cùng với những người bạn của mình xây dựng đài tưởng niệm ở Thượng Đức – nơi có nhiều đồng đội đã ngã xuống. Ông chính là Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyên Tư lệnh quân khu I, người đã bắt sống Dương Văn Minh ngày 30/4/1975.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư lệnh Quân khu I (Ảnh: Tuấn Nam)
Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư lệnh Quân khu I (Ảnh: Tuấn Nam)

Khi được biết về ý định của chúng tôi về bài viết liên quan đến những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân ngày sinh nhật của Người, ngày 25/8, ông không khỏi bồi hồi nhớ về mệnh lệnh của vị Tổng tư lệnh trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm xưa.

Qua lời kể của ông, chúng tôi biết, dù sau bao nhiêu năm nhưng bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm xưa: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên và chiến sĩ” vẫn luôn trong trái tim ông.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ nói: “Có nhiều mệnh lệnh từ Tổng Tư lệnh được truyền đi với nhiều hình thức khác nhau. Năm 1975, ở chiến trường, người chiến sỹ nào cũng nhận được mệnh lệnh như thế. Tuy nhiên, bức điện do Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cho toàn quân năm 1975 đã đi vào lịch sử.

Nghe điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bản thân là Trung đoàn phó chỉ huy các lực lượng đi đầu để đánh trong hành tiến thì thấy khác hẳn các mệnh lệnh khác. Mệnh lệnh của Đại tướng lần này như có một sự thúc giục làm cho mình thấy tin tưởng vào chiến thắng, khiến cho mỗi người chiến sỹ nhận được lệnh thấy rạo rực để tham gia trận chiến.

Khi nhận lệnh, tôi luôn giữ bức điện đó trong quá trình chiến đấu. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi luôn tâm niệm là thần tốc và quyết liệt hơn. Vì mệnh lệnh đó mà tôi quyết liệt hơn trong việc bắt giữ Dương Văn Mình và nội các của ông ta".

Bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu)
Bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu)

Tướng Thệ phân tích bức điện của Đại tướng: “Đại tướng không ra lệnh là nhanh hơn, nhanh hơn nữa mà lại ra lệnh thần tốc, thần tốc hơn nữa là có ý riêng. Nhanh ở đây phải như “thần” và táo bạo hơn nữa, làm những việc trước đây chưa làm được. Là người chỉ huy cấp chiến thuật, tôi hiểu rằng  mình phải làm những việc tích cực hơn, quyết liệt hơn. Trong các trận đánh, trước kia mình chưa quyết liệt thì trong những trận sau, mình phải quyết liệt hơn.

Là trung đoàn phó, là người chỉ huy lực lượng bộ binh của Trung đoàn 66 nằm trong bình đoàn thọc sâu của quân đoàn 2, theo công điện này, mình là người đi đầu mà không thực hiện được sự thần tốc cả một đội hình phía sau cũng sẽ bị chậm theo”.

Về chữ táo bạo, táo bạo hơn nữa, trung tướng Phạm Xuân Thệ chia sẻ: “Nếu nhanh rồi mà không táo bạo thì không giải quyết được. Cụ thể là khi thấy được mục tiêu, nếu chần chừ mà chùn lại thì cũng không giải quyết được gì. Và đã táo bạo rồi thì phải chỉ huy như thế nào để có thắng lợi. Thắng lợi là phải tiêu diệt được địch và bộ đội của mình thương vong ít nhất”.

Nói về suy nghĩ của mình khi bắt Dương Văn Minh cùng nội các ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng, tướng Thệ cho hay: Chính mệnh lệnh “táo bạo, táo bạo hơn nữa” đã “thúc giục” ông bắt Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng luôn để chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt dù khi đó ông mới chỉ là một Trung đoàn phó.

Sau khi lập chiến công trong ngày 30/4/1975, Trung tướng Phạm Xuân Thệ  đã được phân công lên Tây Nguyên để tiêu diệt lực lượng Fulro và lực lượng tàn quân Nguỵ nên đã không có dịp để gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm Quân đoàn 2 ở Thủ Đức. Ông kể chuyện này với sự nuối tiếc vì đã không được gặp người “Anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam mà ông gọi đó là sự thiệt thòi.

Nói về những lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Phạm Xuân Thệ cho biết: “Lần đầu tiên tôi được gặp Đại tướng là năm 1972.  Sau khi sư đoàn 304 giải phóng Quảng Trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm Sư đoàn. Tuy không được trò chuyện trực tiếp với Đại tướng nhưng tôi nhớ rất kỹ những lời phân tích tình hình chiến tranh của Đại tướng. Đại tướng đã động viên, khích lệ, chỉ bảo rất cụ thể từng bước để giải phóng dân tộc, khiến anh em chiến sĩ đều vững tin chiến đấu cho ngày toàn thắng”.

“Còn lần thứ hai, tôi gặp Đại tướng là năm 1996 ở Tam Đảo khi đã là Tư lệnh Quân đoàn 2. Hồi đó, Đại tướng cùng phu nhân đi nghỉ dưỡng tại Tam Đảo và tôi đã có dịp được trò chuyện trực tiếp và ngồi ăn cơm cùng với Đại tướng và phu nhân. Trong bữa cơm thân mật như gia đình ấy, Đại tướng vẫn hỏi về tình hình đơn vị, chỉ huy ra sao”, Trung tướng Phạm Xuân Thệ xúc động nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại