Ly kỳ một quả đồi "đẻ" trăm triệu mỗi ngày "biến mất" ở Phú Thọ

LN |

Cả một quả đồi ăm ắp tài nguyên bỗng bị đánh cắp theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, và tác giả của sự việc kỳ lạ này là những người không mang tên họ.

“Quả đồi bị đánh cắp”

Một trưa cuối tháng 5, giữa triền rừng núi nắng nóng quay quắt, tôi một thân một mình tìm đường vào “vùng đất lạ” nằm trên địa phận khu Nhang Quê, xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Quá trình tìm đường khá giản đơn, bởi trên thực tế, “quả đồi bị đánh cắp” nằm sát ngay “tỉnh lộ đau khổ” 316, lồ lộ giữa đất trời, được ngụy trang vụng về bởi những đụn đất đỏ au cao vọi, lại càng thêm nổi bật trên nền rừng thưa xanh thẳm.

Việc khai thác khoáng sản khiến cho quả đồi bị phát lộ giữa những vạt rừng xanh thẳm

Việc khai thác khoáng sản khiến cho quả đồi bị phát lộ giữa những vạt rừng xanh thẳm

Đưa tôi tiếp cận hiện trường là ông T., người địa phương, chủ một tiệm tạp hóa nằm cách khu vực bị khai thác lậu không xa.

Tuy vậy, tất cả những gì người đàn ông trung niên này có thể làm là đưa tôi đến thật gần rồi phóng xe đi. Trước đó, ông sợ sệt nói về nỗi sợ hãi mơ hồ, nếu những tố cáo tiêu cực bị phát lộ.

Tôi thận trọng mang theo lời khuyên nhủ rồi dò dẫm tiến sâu vào bên trong khu đào xới giữa cái nắng rừng hầm hập phả ra từ khắp bốn phương tám hướng.

Mặc dù mồ hôi vã ra như tắm, mắt mờ đi vì ánh nắng chói chang nhưng những gì tận thấy vẫn khiến tôi buốt lạnh sống lưng, hoảng sợ như thể có một lưỡi dao lạnh băng xuyên tận tâm can, đau nhói.

Quả đồi không những bị mất đi, mà còn bị đào sâu xuống hàng chục mét

Quả đồi không những bị mất đi, mà còn bị đào sâu xuống hàng chục mét

Trước mắt tôi, những vết bánh xe qua lại, vết đào bới, máy móc… đều còn rất mới. Tất cả dấu vết của một đại công trường khai thác khổng lồ như chỉ vừa được vội vã ngưng lại trước thời điểm tôi viếng thăm không lâu.

Cả một quả đồi bạt ngàn bị tàn phá và đào xới không thương tiếc. Không một bóng xanh nào còn tồn tại. Trên nền đất đỏ, lác đác những vệt cao lanh trắng xóa con vương vãi khắp nơi.

Những vết đào xới còn rất mới...

Những vết đào xới còn rất mới...

“Những kẻ không mang tên họ” – nói như cách người dân địa phương, đã không chỉ chặt sạch cây xanh, san bằng quả đồi mà còn múc sâu xuống dưới hàng chục mét, chạm đến cả mạch nước ngầm.

Mạch nước đùng đục rỉ ra, trồi dần lên trên lớp cao lanh trắng, nhức nhối như một vết thương không thể ngưng chảy máu, im lìm giữa khoảng không đặc quánh tĩnh mịch.

Những vết bánh xe còn hằn nguyên trên hiện trường

Những vết bánh xe còn hằn nguyên trên hiện trường

“Quả đồi bị đánh cắp” đã hiện nguyên hình dưới chao chát nắng hè. Và tất nhiên, chẳng còn gì ngoài một màu au đỏ nóng nực.

Ai là “những người không mang tên họ”?

Việc tận mắt chứng kiến một quả đồi bị tàn phá tan hoang đến mức gần như biến mất đã khiến tôi thêm tin tưởng vào những phản ánh của người dân địa phương là có cở sở.

Trước khi tiến sâu vào bên trong khu vực khai thác, tôi cũng đã tận tai nghe những tiếng than vãn buồn bã, về sự bất lực trong việc bảo vệ chính những cánh rừng quê hương.

Cả một quả đồi xanh ngát bị đánh cắp mà không ai phải chịu trách nhiệm?

Cả một quả đồi xanh ngát bị đánh cắp mà không ai phải chịu trách nhiệm?

“Tất nhiên là chúng tôi muốn bảo vệ rừng. Nhưng đất ấy đã được giao cho một người địa phương theo diện bảo vệ, canh tác 50 năm. Dưới đất ấy có cao lanh, nhiều lắm, nên họ để cho người ta vào làm càn.

Đã thế, chính quyền địa phương chẳng ai can thiệp vào việc sai quấy này cả”, anh K. một người dân địa phương phản ánh bằng giọng bức xúc.

Cũng theo lời những người bản xứ, đáng lẽ ra, họ vẫn sẽ vẫn cố chịu đựng, nếu việc khai thác lậu khoáng sản không phạm vào một sai lầm hết sức nghiêm trọng: Đào quá sâu xuống đất làm mất mạch nước ngầm của hàng chục hộ dân sống lân cận.

Việc đào bới quá sâu đã chạm cả vào mạch nước ngầm, khiến hàng chục hộ dân khốn đốn vì thiếu nước

Việc đào bới quá sâu đã chạm cả vào mạch nước ngầm, khiến hàng chục hộ dân khốn đốn vì thiếu nước

“Cả một quả đồi đã bị biến mất như thế. Chúng tôi cũng không biết ai là người khai thác, nên truyền tai nhau rằng những kẻ cắp là “những người không mang tên họ”. Chúng lầm lũi đưa máy móc vào phá hết tất cả, rồi múc đất cao lanh lên bán.

Chẳng ai có thể can ngăn. Mỗi ngày có nhiều chuyến xe trở khoáng sản chạy qua ngay trước cửa nhà khiến cung đường này lại càng bụi bặm”, anh K. cho biết thêm.

Theo tính toán của người dân địa phương, đất cao lanh ở đây rất tốt dùng để làm men sứ, bán cho các đầu nậu "vứt đi" cũng được từ 200.000 – 400.000 đồng/khối.

Việc "đánh cắp" cả quả đồi đầy khoảng sản đắt đỏ này có thể làm lợi cho “những kẻ không mang tên họ” hàng trăm triệu đồng mỗi ngày.

Thế nhưng một sự phi lý đến cùng cực, tưởng chừng "không thể tin nổi" vẫn ngang nhiên diễn ra giữa ban ngày ban mặt mà không hề gặp bất cứ khó khăn nào.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Thạch Khoán Đinh Thái Học tỏ ra khá ngạc nhiên khi nghe những gì chúng tôi phản ánh.

Ông Chủ tịch UBND xã Thạch Khoán thừa nhận có nhiều vụ đánh cắp tài nguyên xảy ra trên địa bàn

Chủ tịch UBND xã Thạch Khoán thừa nhận có nhiều vụ đánh cắp tài nguyên xảy ra trên địa bàn

Cùng 1 cán bộ địa chính theo chân chúng tôi đến tận hiện trường vụ đào xới, ông Học trầm ngâm nhìn quả đồi bị đào trũng sâu xuống dưới nền đất.

Tại đây, ông chỉ đạo cấp dưới tìm hiểu rõ thông tin chủ nhân của quả đồi rồi đồng thời thừa nhận những dấu vết đào bới này này còn rất mới.

Vị chủ tịch xã cũng cho hay, việc đào xới tại khu vực này đã xảy ra từ lâu. Những kẻ cắp cứ mỗi lần đào trộm 1 ít, rồi lại 1 ít nữa, nên chính quyền địa phương không thể xử lý được (?!).

Ông Học cùng 1 cán bộ địa chính theo chân PV đến tận hiện trường vụ quả đồi bị đánh cắp

Ông Học (thứ 2 từ trái sang) cùng 1 cán bộ địa chính theo chân PV đến tận hiện trường vụ "quả đồi bị đánh cắp"

Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền xã Thạch Khoán cũng thông tin rằng, ngoài địa điểm trên, xã Thạch Khoán cũng còn một số điểm nóng khác.

Cũng trao đổi về sự việc lạ lùng này, ông Nguyễn Hữu Tám (trưởng phòng TN-MT huyện Thanh Sơn) lại tỏ ra khá bức xúc. Ông đổ lỗi cho chính quyền xã Thạch Khoán không làm tròn trách nhiệm trong việc bảo vệ tài nguyên trên địa phương.

Ông Tám khẳng định, ông là người có tâm với nghề, và rất nỗ lực trong việc bảo vệ tài nguyên nhưng vì cấp xã đã buông lỏng trách nhiệm, không báo cáo lên thì ông không thể biết được về tình trạng này. Do đó không thể làm gì hơn được.

Ông Nguyễn Hữu Tám tỏ ra bực mình với thông tin được PV phản ánh

Ông Nguyễn Hữu Tám lật giở quy định của Chủ tịch tỉnh Phú Thọ khi được hỏi về trách nhiệm của cá nhân ông

Để chứng minh cho lập luận của mình, ông Tám ngay lập tức kết nối điện thoại đến Chủ tịch xã Thạch Khoán để khiển trách vị Chủ tịch xã đã quá thờ ơ trước nhiệm vụ chung của địa phương.

Khi được hỏi trách nhiệm của mình, vị trưởng phòng TN-MT huyện Thanh Sơn không trả lời ngay mà mang đến một văn bản ký bởi của Chủ tịch tỉnh Phú Thọ, lật giở từng trang rồi cho biết: "Cái này là trách nhiệm chung của UBND huyện".

Ông cũng nói thêm, do phía chính quyền xã không báo cáo kịp thời nếu được thông tin ông sẽ xuống hiện trường kiểm tra ngay lập tức.

Đồng thời, vị trưởng phòng TN-MT huyện cũng khẳng định sẽ xử lý quyết liệt tình trạng này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại