Không dám nuôi bò vì sợ phạm húy
Về làng Võng La (xã Võng Lan, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội) cách đây 40 năm, chẳng ai thấy bóng dáng một con bò nào vì bò chỉ mới xuất hiện ở vùng đất này chừng ấy năm, mà cũng phải tìm đỏ mắt mới thấy. Chuyện kỳ lạ này bắt nguồn từ một truyền thuyết của làng được người dân truyền lại từ đời này qua đời khác.
Cụ Nguyễn Thị Pho (74 tuổi, trú tại thôn Võng La, là cán bộ hội phụ nữ thôn về hưu) kể: Theo sử làng, từ hàng nghìn năm trước, có 3 vị tướng dẫn quân đi đánh giặc ngang qua vùng đất Võng La này. Ba vị tướng bị trúng kế, trong khi lương thực đã cạn kiệt, sức khỏe quân lính giảm sút trầm trọng và có nguy cơ chết vì đói khát. Lúc này, 3 ông thực sự rơi vào bế tắc, cùng ngửa mặt lên trời khấn vái. Giữa lúc đó, trong gò đất bỗng xuất hiện một con bò sữa. Ba ông vắt sữa uống, uống xong thấy hết khát lại tăng thêm sức lực. Tiếp sau đó, cả đàn bò kéo ra rất đông, đủ sữa cho toàn bộ binh sĩ tăng thêm sức khỏe. Hăng hái tinh thần, 3 ông dẫn quân phá vây, đánh tan hàng vạn quân giặc, thu về được hết khí giới, lương thực của giặc.
Thắng trận giòn giã, 3 ông được vua thăng tước. Biết ơn đàn bò thần xuất hiện tại làng Võng La khi xưa, 3 ông tìm về làng và ban cho người làng không biết bao nhiêu bổng lộc, giúp người dân vượt qua cơn đói khát và có sức khỏe, vì vậy mà kinh tế của làng khôi phục trở lại. Biết là được “bò trời” giúp, 3 ông phát thệ rằng: Nhờ đàn “bò thần” mà các ông mới đánh thắng được quân giặc để người làng có được ngày hôm nay. Nhằm tỏ lòng biết ơn với đàn “bò thần”, người dân còn xây miếu thờ “thần bò”, không ăn thịt bò, không cúng giỗ, lễ bằng thịt bò. Từ đó, người làng Võng La nghe theo lời phát thệ, trong làng không có bóng dáng một con bò nào, không nuôi bò, không ăn thịt bò hay nấu món thịt bò để cúng giỗ chạp và cũng tránh nhắc đến từ “bò” vì sợ phạm húy. Sự việc ấy đã thành lệ làng mà đời đời con cháu Võng La tuân theo.
Bà Pho kể tiếp, ba vị phúc thần ấy húy là Linh Công, Minh Công và Cung Công - là những vị thần nằm trong hệ thống huyền thoại về những anh hùng khai sáng thời dựng nước. Với công lao ấy, các vị được dân làng tôn làm thành hoàng, có sắc phong của triều đình. Trong những năm kháng chiến, đình làng Võng La bị tàn phá, người dân vẫn còn giữ được một số di vật có giá trị về nghệ thuật điêu khắc cổ, giá trị văn học, sử học như: Án gian thờ, ngai thờ bài vị, hạc gỗ, cỗ kiệu bát cống, các di vật đồ đồng, các hoành phi, câu đối, ngọc phả. Hiện nay, lãnh đạo địa phương và người dân đang bàn kế hoạch xây lại đình mới để đưa những di vật này về bảo tồn và thờ phụng.
Từ đó, người làng Võng La chỉ nuôi trâu lấy sức kéo và lấy thịt. Tuy nhiên, vào một ngày năm 1975, người dân nơi đây bất ngờ khi thấy một con bò đen xuất hiện trong làng. Hỏi ra mới biết đó là bò nhà ông Trần Văn Cường, có vợ là Thảo, mua về để nuôi lấy sức kéo và nhân giống. Sự việc chấn động khiến người dân xôn xao, bàn tán.
Bò xuất hiện cách đây 40 năm
Nói về việc trong làng xuất hiện con bò, bà Pho kể tiếp: “Đúng là sau bao nhiêu năm mới thấy bóng bò trong làng. Nhà ông Cường là anh em họ hàng với tôi nên tôi nhớ rõ. Nhà ông ấy đông con, những 5 đứa, nên kinh tế chật vật lắm. Để nuôi các con ăn học trưởng thành, ông ấy nghĩ ra cách nuôi bò, vừa lấy sức kéo vừa nhân giống, bò mẹ đẻ bò con. Ngày ông ấy mới đưa bò về làng, cũng nhiều người nói này nói kia lắm nhưng ông ấy vẫn quyết nuôi bò cho bằng được”.
Đem câu chuyện là hộ đầu tiên nuôi bò trong thôn đến gặp bà Thảo - vợ ông Cường, chúng tôi được bà kể chi tiết về việc này. “Đúng là ở đây đất lề quê thói nên khi chồng tôi đem bò về làng, ai cũng phản đối, khuyên gia đình tôi đừng phạm phải lệ làng, đem trả lại bò để sau khỏi chuốc tai họa này kia nhưng chồng tôi đã quyết thì không ai ngăn được. Thế nhưng, đến nay thì không biết là nhà tôi mang tội hay mang công đây…”, bà Thảo nói lấp lửng.
Khi các cụ trong làng góp ý, ông Cường nói rằng theo lệ làng cũng như lời nguyền của 3 vị thánh thì người dân chỉ không ăn thịt bò, không cũng giỗ chạp bằng thịt bò chứ không nói là không được nuôi bò nên ông vẫn quyết định nuôi. Tuy nhiên, ông Cường cũng nói với các cụ bô lão trong làng rằng chỉ nuôi bò lấy sức kéo, nhân giống rồi bán chứ không thịt và không ăn thịt bò. Năm thứ nhất, năm thứ hai, rồi năm thứ ba…, con bò của ông đã cho ra đời những chú bê con. Gia đình bán bê được món tiền kha khá. Phấn khởi, ông Cường càng hăng hái chăm sóc bò.
Cứ thế, từ một con nhân lên thành vài con. Chuồng bò bắt đầu đông đúc. Đàn bò của ông Cường đã đem lại cơm, gạo, áo, tiền, giúp ông nuôi dạy những người con ăn học đàng hoàng. Trước thành quả ấy, dân làng lũ lượt qua nhà hỏi ông bí quyết nuôi bò. Nghe ông Cường phân tích bùi tai, một số người bắt đầu xin địa chỉ, kinh nghiệm của ông Cường để đi mua bò. Từ đó, bò bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong làng Võng La.
Tuy nhiên, bà Pho còn tiết lộ một sự việc nữa, đó là ông Cường không phải người đầu tiên nuôi bò mà trước đó khoảng 15 năm bò đã từng được nuôi ở làng Võng La này: “Vào khoảng năm 1960, ông Phan Thanh Xuân (khi ấy là lão thành cách mạng, quê gốc ở Võng La, làm Trưởng ty Lao động tỉnh Bắc Giang) về làng đã đứng ra nhận mua đàn bò cho tập thể để lấy sức kéo. Tuy nhiên, ngày ấy còn làm ăn bao cấp, kiểu “cha chung không ai khóc” nên đàn bò gầy nhom, chẳng có sức cày kéo rồi dần dần chết hết. Nguyên nhân bò chết là thế nhưng người dân lại cho rằng làng đã phạm phải “thần bò” nên bị trừng phạt, những con bò đó mới chết. Từ đó, người dân lại càng tin vào “thần bò” linh thiêng. Cho đến ngày ông Cường đưa bò đen về làng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, người dân mới phần nào thay đổi suy nghĩ”.
Vừa nói chuyện với chúng tôi, bà Pho vừa chỉ vào một người đàn ông đang đánh bóng chuyền trong nhà văn hóa xã, nói: “Hiện giờ trong làng cũng có không ít hộ nuôi bò và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ví dụ như người đang đánh bóng chuyền kia là ông Hoàn Mịch, con trai ông ấy là anh Hùng – người không chỉ nuôi bò mà còn trồng cả cỏ voi làm thức ăn cho bò. Và còn một số hộ tiêu biểu khác nữa, mỗi hộ 3 - 4 con, có lúc lên đến 7 - 8 con.
Hỏi chuyện một số người trẻ trong làng, họ cho biết cũng nghe thế hệ trước kể lại truyền thuyết của làng là cấm ăn thịt bò, cúng giỗ bằng thịt bò. Tuy nhiên, khi thấy nuôi bò đem lại hiệu quả cao, tranh thủ thời gian rảnh rỗi cắt cỏ chăn bò ăn thì có thể có được khoản thu nhập tầm 28 – 30 triệu đồng/năm, nên nhiều người đã tham gia nuôi bò để tăng thu nhập gia đình. Nghe đến đây, chúng tôi mới hiểu câu nói lấp lửng của bà Thảo rằng chồng bà đưa bò về làng chẳng thể nói là có tội.
Hàng năm, vào những dịp như hội làng, giỗ ba vị thánh hay cúng giỗ trong gia đình, người dân nơi đây vẫn kiêng cúng thịt bò để tỏ lòng biết ơn những người có công, còn việc nuôi bò giờ đã “thông thoáng” hơn và không bị coi là phạm húy nữa.