Thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015 vào chiều 31-10, nhiều đại biểu đã quan tâm đề cập đến vấn đề tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức trong năm 2015.
Theo ông Tùng, đối với khu vực hưởng lương từ ngân sách đã có lộ trình tăng lương, nếu bây giờ bảo khó khăn không thực hiện thì những người lao động hưởng lương thấp làm sao đủ sống? Trong khi đó, lương thấp thì cán bộ, công chức lại gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, vui vẻ nhận cái phong bì "bôi trơn". Như vậy nguy cơ còn lớn hơn nữa.
“Cho nên năm 2015, phải thật sự tiết kiệm chi tiêu ngân sách, giảm tối đa các khoản chi tiêu không cần thiết để tăng lương cho cán bộ, công chức theo lộ trình” - ông Tùng nói.
Cũng đề nghị cần tăng lương cho cán bộ, công chức theo lộ trình, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng đó là trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ. Nếu không tăng lương sẽ tạo tâm lý nặng nề trong cán bộ, công chức, người lao động. Hơn nữa, sẽ có ý kiến cho rằng Quốc hội và Chính phủ chưa coi trọng nguồn nhân lực vì khi ngân sách thiếu thì các khoản chi khác vẫn đảm bảo, riêng khoản tăng lương bị cắt.
Bày tỏ quan điểm khác, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) nhất trí với đề xuất của Chính phủ không nên tăng lương và đề nghị Chính phủ phải giải thích rõ.
"Mấy năm vừa qua ta đã tăng lương nhanh. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, chúng ta có 63 triệu người trong độ tuổi lao động, nếu bây giờ tăng lương thì ta chỉ quan tâm đến khoảng 3 triệu người hay sao. Nghĩa là chỉ quan tâm đến cán bộ, công chức? Vừa qua thảo luận nội dung về bảo hiểm xã hội, cũng có ý kiến nói phải bảo vệ công chức, cán bộ. Nhưng ai sẽ bảo vệ người dân, bảo vệ doanh nghiệp tư nhân?", ông Tiên nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết về vấn đề nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu phương án giải quyết, sớm báo cáo Quốc hội.