Nhiều quy định chưa từng có trong tiền lệ của nền Khoa học công nghệ Việt Nam sẽ được áp dụng ở Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam- Hàn Quốc (gọi tắt là V-KIST) như lương viện trưởng 120 triệu đồng, người thân của nhà khoa học được hưởng trợ cấp…
Lương Viện trưởng có thể lên tới 120 triệu đồng/tháng
Ý tưởng xây dựng một viện nghiên cứu cao cấp ở Việt Nam với cơ chế đặc thù có từ cách đây hơn hai năm song gần đây Bộ KH&CN mới hoàn thành dự thảo chi tiết về dự án này.
Theo dự thảo, đặc thù của V-KIST là nghiên cứu ứng dụng, đa ngành, hoạt động theo cơ chế đặt hàng. Mục tiêu của V- KIST là sáng tạo ra các công nghệ nội địa thay thế công nghệ nhập khẩu để phục vụ cho các ngành công nghiệp và kinh tế then chốt của đất nước. Đơn vị này sẽ sử dụng đội ngũ cán bộ đẳng cấp quốc tế với hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế.
Điểm khác so với hệ thống các viện nghiên cứu hiện nay ở Việt Nam là V-KIST hoạt động theo cơ chế tài chính riêng, chế độ nhân sự riêng.
Cơ quan cao nhất của V-KIST là hội đồng điều hành gồm 11 thành viên trong đó có bốn đại diện của bốn bộ, ngành là Bộ trưởng KH&CN, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, bốn thành viên từ khu vực hàn lâm và ba đại diện khu vực doanh nghiệp.
Theo lý giải của Bộ KH&CN, đơn vị xây dựng dự thảo, tỷ lệ giữa các khu vực bộ, ngành, nhà khoa học và doanh nghiệp là 4:4:3 sẽ đảm bảo cho các quyết sách của Viện không bị đại diện các bộ, ngành can thiệp.
Nhằm thu hút và xây dựng đội ngũ các nhà khoa học đẳng cấp quốc tế, V-KIST có chế độ ưu đãi đặc biệt về tiền lương, điều kiện làm việc. Viện trưởng của V-KIST được trả lương 6.000 USD một tháng (khoảng 120 triệu đồng), trưởng phòng nghiên cứu là 4.000 USD (khoảng 80 triệu đồng), nghiên cứu viên được trả ít nhất 1.000 USD, nhân viên hành chính là 500 USD.
Dự kiến trong năm đầu hoạt động, V-KIST sẽ chi hơn 1,77 triệu USD (khoảng 37,2 tỷ đồng) cho 120 cán bộ, nhân viên. So với mức lương ở các viện nghiên cứu hiện nay (khoảng 10 triệu đồng/tháng) con số này lớn hơn rất nhiều lần.
Ngoài những ưu đãi trên, cán bộ, nhân viên làm việc tại V-KIST còn được bố trí phương tiện đi lại, nhà công vụ. Vợ, chồng hay người thân còn được hưởng trợ cấp…
Mở đường cho hệ thống viện nghiên cứu đặc biệt ở Việt Nam
Nói về các ưu đãi cho V-KIST, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết: “Ở Việt Nam chưa có tiền lệ một quy định hay những điều luật với sự ưu đãi đặc biệt cho một tổ chức KH&CN, nhưng nếu chúng ta không tạo ra tiền lệ, không có cơ chế ưu đãi đặc biệt thì không thể vượt qua khuôn khổ của một tổ chức KH&CN bình thường”.
Bên cạnh dự thảo đề án V-KIST, Bộ KH&CN đang xây dựng dự thảo Nghị quyết về cơ chế ưu đãi đối với cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ đặc biệt mà V-KIST là cơ sở đầu tiên. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, nếu dự thảo được thông qua, đây sẽ là văn bản pháp luật không chỉ dành riêng cho một đơn vị sự nghiệp, một đối tượng cụ thể mà là hệ thống cơ chế chính sách dành cho một loại hình tổ chức KH&CN mới ở Việt Nam.
Đánh giá về chủ trương trên, các nhà khoa học đều cho rằng đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh trì trệ của nền KH&CN Việt Nam.
GS.TS Lê Trần Bình, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học cho hay, dự án V-KIST tập trung tháo gỡ được những vướng mắc về cơ chế quản lý, tính tự chủ trong nghiên cứu và quyền lợi của nhà khoa học.
Tuy nhiên, theo ông vấn đề quan trọng nhất của một viện nghiên cứu nằm ở trình độ chuyên gia. Ông băn khoăn về việc tìm ra người tài để V-KIST thực hiện nhiệm vụ. “Nếu lấy nhân lực đang có trong nước thì số lượng và đặc biệt là chất lượng sẽ rất hạn chế. Nếu tuyển dụng nhà khoa học ở ngoài nước thì chủ yếu là những người trẻ, cần có thêm thời gian”, GS Bình nói.
GS.TS Trần Xuân Hoài, nguyên Viện trưởng Viện Vật lí ứng dụng và thiết bị khoa học cho hay, hệ thống viện nghiên cứu ở Việt Nam bây giờ là một hệ thống cồng kềnh, người đông, danh vị nhiều, hiệu quả rất thấp. Những điều này ai cũng biết nhưng bất lực, không cải tạo được, không thanh lọc đội ngũ được, không tái cấu trúc được...
Giải pháp duy nhất bây giờ là cái cũ tạm để đấy, tìm một cách làm mới, xây dựng một vài viện nghiên cứu đặc biệt, quy mô nhỏ nhưng thiết thực, giải quyết được những nút thắt cơ bản của nền KH&CN.
Để V-KIST hiệu quả, theo GS Hoài cần tập trung mọi điều kiện để nhà khoa học không bị phân tâm, đam mê sáng tạo. Ít nhất, 50-60% kinh phí hoạt động của viện nghiên cứu phải dành cho người làm khoa học.
Theo dự thảo, bên cạnh những ưu đãi về chế độ đãi ngộ, V-KIST còn được hưởng một cơ chế tài chính riêng. Đơn vị này sẽ được tự chủ chi tiêu tài chính và quản lý tài sản có nguồn gốc. Viện sẽ được tự quyết trong vấn đề trả lương cho cán bộ, nhân viên, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị. Ngoài ra còn được miễn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và nhiều ưu đãi khác.
Theo lộ trình đặt ra, năm 2015 thành lập viện V-KIST, năm 2017 hoàn tất giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 và khai trương trụ sở viện tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ngân sách thành lập V-KIST khoảng 70 triệu USD gồm 35 triệu USD vốn ODA không hoàn lại của Hàn Quốc và 730 tỷ đồng đối ứng từ Chính phủ Việt Nam.