Luật sửa đổi là nền tảng pháp lý vững chắc để báo chí phát triển

Vương Tuấn Anh |

Sau thời gian nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan báo chí, các cơ quan, tổ chức và chuyên gia, Luật Báo chí (sửa đổi) được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ mười một Quốc hội khóa XIII.

Đây sẽ là hành lang pháp lý để báo chí phát triển và nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về báo chí.

Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, việc xây dựng các nội dung trong Luật Báo chí là nỗ lực hết sức cần thiết nhằm đáp ứng sự phát triển nền dân chủ, quyền tự do của công dân rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về những vấn đề diễn ra trong thực tiễn chưa được đưa vào luật, đặc việc là việc quản lý các thông tin trên mạng xã hội.

Xung quanh vấn đề này, PV có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) - Trương Minh Tuấn.

Nhiều quy định mới được đưa vào luật

- Thưa ông, ông có thể nhận xét khái quát về những điểm mới của Luật Báo chí sửa đổi lần này?

- Có thể nói, điểm mới thứ nhất là Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung) triển khai nội dung quan trọng được quy định tại điều 14, điều 25 của Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí.

Đây là một nội dung được thảo luận nhiều nhất vì tự do báo chí, tự do ngôn luận thực tế là một phương diện thể hiện dân chủ ở nước ta, nhưng lại là một quyền có giới hạn đối với luật pháp tất cả các quốc gia trên thế giới.

Việc giới hạn đó theo “nguyên tắc gây hại”, “nguyên tắc xúc phạm” hoặc xung đột với các quyền khác.

Thứ hai, Luật Báo chí dành một phần rất thỏa đáng để bao quát một cách hệ thống những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí.

Quy định này nhằm hạn chế một cách kiên quyết những hành vi lạm quyền của báo chí cả thế giới là “xâm phạm bí mật đời tư” trong thực tiễn phát triển báo chí ở nước ta.

Thứ ba, Luật Báo chí tạo khung pháp lý rộng rãi và nghiêm khắc, đồng thời bảo hộ mạnh mẽ bằng các định chế cần và đủ cho cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp một cách tự do theo khuôn khổ các quy định từ việc cung cấp thông tin cho báo chí, tới quyền và nghĩa vụ bảo mật nguồn tin của cơ quan báo chí và nhà báo.

Thứ tư là bảo đảm và mở rộng sự liên kết nhiều chiều và sâu sắc trong hoạt động báo chí.

Điểm nổi bật cần nhấn mạnh là, sự liên kết này bảo đảm đối tượng người đọc được quyền hưởng lợi về nội dung và các cơ quan báo chí được quyền hưởng lợi về kinh tế trên thực tế, mà trước đây việc liên kết này chỉ thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật.

- Để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Luật Báo chí (sửa đổi) quy định như thế nào về vấn đề quyền tự do tự do ngôn luận, tự do báo chí?

- Triển khai thi hành Hiến pháp 2013, dự thảo Luật Báo chí đã thể hiện nội dung này ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, dự thảo Luật đã dành Chương II với 4 điều quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.

Trong đó quy định công dân có quyền: Sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và thành viên của các cơ quan, tổ chức đó.

Cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân phù hợp với tôn chỉ, mục đích và không vi phạm nội dung cấm quy định tại Điều 9; trong trường hợp không đăng, phát sóng phải trả lời và nêu rõ lý do khi có yêu cầu.

Hai là, về đối tượng thành lập cơ quan báo chí. Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) giữ nguyên các đối tượng thành lập cơ quan báo chí theo luật hiện hành và đã bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học như:

Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên.

Quy định này cho phép các cơ sở giáo dục, tổ chức khoa học và công nghệ thuộc loại hình tư thục, có đầu tư của nước ngoài được phép ra tạp chí khoa học.

Ba là, dự thảo luật đã bổ sung quy định về liên kết trong hoạt động báo chí.

Với quy định tại Chương II và nội dung thể hiện trong dự thảo Luật, công dân được tham gia vào các công đoạn của hoạt động báo chí, bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.

- Luật Báo chí (sửa đổi) có những quy định gì để xử lý và hạn chế những sai phạm về nội dung thông tin trên báo chí?

- Quy định về những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí tại Điều 9 dự thảo Luật đã được cân nhắc, kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Báo chí hiện hành, đã xin ý kiến các cơ quan báo chí, các chuyên gia rất nhiều lần trong quá trình soạn thảo luật và được sự đồng tình.

Mặt khác, những hành vi cấm đăng, phát thông tin quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 9 đã có sự tương thích với các quy định tại Bộ Luật hình sự năm 2015, các hành vi bị cấm khác đã tương thích với Bộ Luật dân sự và các luật khác, bảo đảm tính khả thi trong thực tế.

Về cải chính trên báo chí, so với Luật Báo chí hiện hành, dự thảo luật đã bổ sung một số quy định mới về cải chính nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị báo chí thông tin sai sự thật, như:

Đối với báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát.

Thông tin cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả phải đăng, phát tại trang 2 (đối với báo in), trang cuối (đối với tạp chí in), chuyên mục riêng tại trang chủ (đối với báo điện tử) với cùng một kiểu chữ, cỡ chữ mà báo chí đã đăng, phát thông tin; đăng, phát đúng chuyên mục, giờ phát sóng, số lần phát sóng (đối với báo nói, báo hình) mà báo chí đã đăng, phát thông tin...

Về xử lý vi phạm, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định mới như:

Cơ quan báo chí bị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm báo chí, phụ trương, sản xuất thêm kênh phát thanh, kênh truyền hình, chuyên trang của báo điện tử và cơ quan, tổ chức bị thu hồi giấy phép xuất bản đặc san, bản tin, trang thông tin điện tử tổng hợp khi đăng, phát thông tin vi phạm quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 Điều 9 gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Siết chặt quản lý thông tin trên mạng

- Có ý kiến cho rằng, những điều cấm trong Luật Báo chí còn mông lung. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

- Về khía cạnh pháp luật, để xử lý và hạn chế những sai phạm về nội dung thông tin trên báo chí, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã quy định cụ thể về hành lang pháp lý để báo chí, nhà báo hoạt động, những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí và quy định về việc xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí.

Với quy định như trong dự thảo Luật, cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và tuân thủ các quy định pháp luật sẽ hạn chế được những sai phạm về nội dung thông tin báo chí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại