Liên quan đến phiên tòa xét xử bầu Kiên, mở đầu phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đã công bố bản luận tội đối với các bị cáo.
Trên cơ sở phân tích lời khai của các bị cáo và những người liên quan tại phiên tòa cùng tài liệu vụ án, công tố viên đã đề nghị các mức án đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị đề nghị: 16 - 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 14 - 16 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, 4 - 5 về tội trốn thuế; 18 - 24 tháng tù về tội Kinh doanh trái phép. Tổng hình phạt bị đề nghị là 30 năm tù.
Trao đổi với chúng tôi xung quanh mức án mà công tố viên đề nghị đối với bầu Kiên, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật Chính pháp và cộng sự (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, nếu qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, đánh giá đúng các tình tiết, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và qua diễn biến tại phiên tòa mà Hội đồng xét xử kết tội ông Kiên thì mức án đề xuất, kiến nghị của đại diện Viện kiểm sát nêu trên là phù hợp với luật định.
"Theo dõi diễn biến vụ án qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy các luật sư và các bị cáo không đồng tình với bản cáo trạng và lời luận tội của đại diện viện kiểm sát Hà Nội, đặc biệt là bị cáo Kiên và các luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên đã phủ định mọi cáo buộc.
Theo quan điểm của luật sư và bị cáo Kiên thì ông Kiên không có tội, không đủ căn cứ để xử lý ông Kiên về cả 4 tội danh mà Viện kiểm sát truy tố. Vì vậy, vụ án diễn ra theo chiều hướng bị cáo không nhận tội và không “xin giảm nhẹ hình phạt”.
Nếu qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, đánh giá đúng các tình tiết, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và qua diễn biến tại phiên tòa mà Hội đồng xét xử vẫn kết tội ông Kiên thì mức án đề xuất, kiến nghị của đại diện Viện kiểm sát nêu trên là phù hợp với luật định. Hội đồng sẽ chấp nhận kiến nghị của đại diện Viện kiếm sát để xử trong khung, khoản và trong phạm vi mức án mà đại diện viện kiểm sát đề xuất.
Nếu chưa đủ căn cứ kết tội ông Kiên về cả bốn tội danh trên thì tòa án sẽ trả hồ sơ để điều tra bổ sung...
Cũng từ diễn biến phiên tòa có thể thấy, ông Kiên thể hiện rất am hiểu pháp luật, am hiểu những việc mình làm và luôn khẳng định là mình không có tội, có thể có sai nhưng là quan hệ kinh tế, sai do quản lý, nghiệp vụ… không đến mức xử lý hình sự. Luật sư bào chữa cho ông Kiên cũng đưa ra những chứng cứ, lập luận để bào chữa cho ông Kiên theo hướng vô tội.
Tuy nhiên, theo hồ sơ của vụ án, chúng ta đã thấy, rõ ràng bên cạnh những công ty thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật thì cũng có những công ty có các hành vi trốn thuế, kinh doanh trái phép gây thiệt hại cho Nhà nước, các tổ chức và cá nhân, gây bất bình trong xã hội.
Việc xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên cùng các đồng phạm ra xét xử thể hiện quyết tâm bảo vệ pháp luật của các cơ quan chức năng", luật sư Cường cho hay.
Cũng theo Luật sư Cường, nếu trong trường hợp, bị cáo Kiên nhận tội và xin giảm hình phạt, tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả… thì các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có thể được áp dụng.
"Theo quy định của pháp luật thì việc quyết định hình phạt căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 45 Bộ luật hình sự).
Do đó, việc các bị cáo bị xử vào tội gì? Mức hình phạt bao nhiêu?... thì phải căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự và căn cứ vào tính chất của vụ án.
Vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng các đồng phạm là một vụ lớn, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng được dư luận và nhân dân quan tâm nên tính răn đe, phòng ngừa chung sẽ được đề cao. Ngoài ra, hình phạt còn nhằm mục đích quan trọng là “đủ” để giáo dục, cải tạo bị cáo thành người tốt.
Ông Kiên và các luật sư bào chữa cho mình không bào chữa theo hướng “nhận tội” và giảm hình phạt mà là bào chữa theo hướng “vô tội".
Về nguyên tắc bào chữa trong vụ án hình sự: Nếu bào chữa theo hướng giảm nhẹ hình phạt thì luật sư phải đồng ý với đại diện Viện kiểm sát về tội danh của bị cáo. Sau đó sẽ lập luận, phân tích, đưa ra các chứng cứ để làm giảm tính chất, mức độ của hành vi phạm tội (một trong các căn cứ quyết định hình phạt); phân tích về nhân thân người phạm tội để hội đồng xét xử thấy rằng với con người này thì không cần phải cải tạo nhiều, cải tạo lâu vẫn có thể trở thành “người tốt” cho xã hội.
Ngoài ra, luật sư sẽ chỉ ra các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự và bác bỏ các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự (nếu có).
Còn nếu bào chữa theo hướng vô tội, bị cáo không có tội thì luật sư sẽ không đề cập đến vấn đề các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, có những người bào chữa vẫn bào chữa “nước đôi”, vừa khẳng định bị cáo không có tội, vừa đưa ra các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự !
Đối với bị cáo Kiên trong vụ án này thì chính bị cáo và các luật sư bào chữa không đề cập nhiều tới các tình tiết giảm nhẹ, không hướng dẫn bị cáo Kiên “thiết lập” các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự bởi hướng bào chữa là: bị cáo Kiên không có tội.
Tuy nhiên, trong trường hợp bị cáo Kiên nhận thức rõ về những hành vi vi phạm của mình hay nói cách khác là nhận tội và xin giảm hình phạt, tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả… thì các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có thể được áp dụng như:
- Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (điểm b, khoản 1, Điều 46 Bộ luật hình sự);
- Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải (điểm p, khoản 1, Điều 46 Bộ luật hình sự);
- Gia đình có công với cách mạng; người bị hại có đơn xin giảm hình phạt… ( để áp dụng khoản 2, Điều 46 Bộ luật hình sự)", Luật sư Cường nhấn mạnh.
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA