Loạn thông tin tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích

H.Đan |

(Soha.vn) - 5 ngày kể từ khi chiếc máy bay Boeing 777 - 200 của Malaysia mất tích nhưng cho đến nay, các thông tin xung quanh nó vẫn vô cùng nhiễu loạn.

 Cập nhật thông tin, hình ảnh, video clip vụ MÁY BAY MẤT TÍCH

Malaysia lại xác nhận bắt tín hiệu máy bay ở Malacca

Cho đến thời điểm hiện tại, chiếc Boeing 777-200 (số hiệu MH370) của hãng Malaysia Airlines, chở 239 người, mất tích hôm 8/3 vẫn “bặt vô âm tín". Tới hôm nay, các thông tin đã trở lên nhiễu loạn.

Trong một diễn biến mới nhất, tại cuộc họp báo được tổ chức vào chiều 12/3, Bộ trưởng Hussein cho biết “cuộc tìm kiếm máy bay mất tích đã và đang diễn ra ở cả hai khu vực eo biển Malacca và biển Đông với sự tham gia của 12 quốc gia, 42 tàu và 39 máy bay trong phạm vi 27.000 dặm vuông” (tính đến ngày 12/3/2014).

Ông nói vẫn hi vọng vào sự sống sót của hành khách cho dù vẫn chưa biết chiếc máy bay MH370 ở đâu. Các lực lượng đang nỗ lực tìm kiếm máy bay và hộp đen.

Máy bay Cảnh sát biển Việt Nam cất cánh tại TP. HCM tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Máy bay Cảnh sát biển Việt Nam cất cánh tại TP. HCM tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Chỉ huy trưởng lực lượng không quân hoàng gia Malaysia Rodzali Daud chính thức thừa nhận radar quân sự nước này đã phát hiện tín hiệu vật thể lạ giống máy bay ở phía bắc eo biển Malacca cách xa hàng trăm dặm so với địa điểm mà máy bay mất tín hiệu (ở biển Đông).

Ông Rodzali Daud thừa nhận có tín hiệu vào lúc 2g15 sáng ngày thứ bảy 8/3/2014 (giờ địa phương) – tức khoảng 45 phút sau khi MH370 biến mất khỏi màn hình theo dõi không lưu giữa hai nước Malaysia và Việt Nam.

Ông Daud nhấn mạnh rằng, các thông tin cần phải được chứng thực và đó là lý do tại sao Malaysia chậm công bố thông tin.

Điều này, trái ngược hoàn toàn với thông tin mà phía Malaysia đã đưa ra vào sáng nay là họ không phát hiện vị trí máy bay ở khu vực phía Bắc đảo Malaca

Đủ loại vật thể lạ

Trước đó, trong những ngày qua, hàng loạt các “vật thể lạ” được tìm thấy trên vùng biển Việt Nam nhưng theo thông báo của các cơ quan chức năng thì chúng chẳng có liên quan gì đến máy bay mất tích.

Chều 12/3,  một người mang quốc tịch New Zealand làm việc trên giàn khoan dầu khí ở vùng biển Vũng Tàu gửi thư điện tử tới Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không cho biết đã nhìn thấy một máy bay bốc cháy trước khi rơi xuống biển. Tuy nhiên, sau khi đưa máy bay AN26 tiếp cận khu vực này, cách Côn Đảo khoảng 50-70km, nhà chức trách vẫn không có phát hiện gì mới.

Trước đó, ngày 12-3, một máy bay của Vietnam Airlines từ Buôn Ma Thuột đi Hà Nội cho biết đã bắt được tín hiệu SOS trên khu vực Đà Nẵng. Tuy nhiên tín hiệu này chỉ phát 1 lần và các chuyến bay khác qua khu vực này và hệ thống radar không ghi nhận được. Có ý kiến cho rằng có thể tín hiệu phát ra từ thiết bị gắn trên tàu biển nào đó.

Thông tin mới hơn, một nhóm ngư dân Malaysia hôm qua tìm thấy chiếc bè cứu sinh có chữ "boarding" tại khu vực eo biển Malacca. Tuy nhiên, khi Cơ quan Thực thi Luật Biển Malaysia (MMEA) ở Kuala Linggi đến hỗ trợ kéo bè lên thì nó đã bị chìm xuống biển.

Vào chiều tối 12/3, một số tờ báo Trung Quốc còn dẫn tin, cơ quan chức năng Việt Nam đã tìm được xác một người chết mặc áo phao. Tuy nhiên, Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn khẳng định, chưa nhận được thông tin chính thống nào về việc này.

Máy bay liệu có bị khủng bố hay không?

Theo thông tin từ Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ngày 11/3 cho rằng máy bay Malaysia mất tích không phải do bị tấn công khủng bố, sau khi công bố ảnh và danh tính hai người Iran dùng hộ chiếu đánh cắp lên máy bay mất tích, theo Reuters.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra đặc biệt của Malaysia cho biết họ không thể loại trừ khả năng vụ máy bay mất tích một cách bí ẩn là do bị tấn công, theo Reuters.

Còn Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan ngày 11/3 cho biết chưa thể loại trừ nguy cơ máy bay mất tích của hãng Malaysia Airlines bị tấn công khủng bố.

Ông Brennan cho biết thêm số phận của chiếc máy bay mất tích vẫn là ''một bí ẩn''.

Trước những thông tin hoàn toàn trái ngược nhau, những người phải chịu sự khủng hoảng thông tin nặng nề nhất chính là thân nhân những hành khách trên chuyến bay mất tích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại