Ngậm đắng nuốt cay bỏ hàng trăm triệu làm nhà tắm cho...“lão trư"

Nhà tắm lợn thực chất là tắm, nhồi, tăng trọng cho lợn để tăng cân khi xuất khẩu.

Giữa năm 2013, hàng loạt nhà tắm cho lợn xuất khẩu được các thương lái dựng lên dọc Quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Nhà tắm lợn thực chất là tắm, nhồi, tăng trọng cho lợn để tăng cân khi xuất khẩu. Do lối làm ăn gian đối đã khiến nhiều người ngậm đắng nuốt cay.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Vào những năm 2008-2009, các thương gia Trung Quốc bắt đầu chú ý đến thị trường thực phẩm Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà hàng đoàn khách “du lịch” tìm đến tận các làng quê ở nước ta xem chăn nuôi, chế biến thức ăn gia súc hết sức tỉ mỉ. Một trong những mặt hàng được họ quan tâm nhất là lợn thịt.

Với lợn thịt Việt Nam, cơ bản đã được nuôi công nghiệp nhưng tốc độ công nghiệp hóa vẫn còn thua xa nước bạn. Phong cánh ẩm thực hướng sạch, họ đã chọn đặt hàng dài hạn để nhập lợn thịt. Thế là chẳng bao lâu nhiều làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ như; Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam, Hưng Yên... trở thành các điểm thu mua lợn để xuất bán sang Trung Quốc.

Đất nước 1,3 tỷ dân, nhu cầu thực phẩm như cái thùng không đáy hầu như suốt một thời gian dài họ nhập không mệt mỏi và lợn nước ta cứ thế ùn ùn xuất ngoại thu tệ về làm giàu cho nông dân.

Nhưng nếu chỉ có vậy thôi thì chẳng có gì để nói, điều đáng nói ở đây là niềm vui ấy không được bao lâu khi mà các thương gia nghĩ ra một mối lợi, mối lợi nhỏ đã làm hại cả niềm vui lớn.

Anh Nguyễn Việt Quang, chủ thu mua lợn ở Thái Bình, rít điếu thuốc lào tụt nõ, đập phành phạch que đóm vào tấm biển tắm lợn và nói phào phào: “Chi cho nó là 70 triệu đấy chú ạ, chưa thấy lãi đâu mà cụt cả vốn luôn”.

Những lái lợn như anh Quang chủ yếu là nông dân, họ mua chịu 1/3 tiền lợn, sau xuất bán sẽ thanh toán cho nông dân. Dễ thế nên lái lợn hai cửa khẩu Chi Ma, Ba Sơn đã lên tới vài chục. Thường mỗi con lợn chỉ được lãi tầm vài chục ngàn. Coi như lấy công làm lãi, thế nhưng chỉ cần một con chết phần lãi coi như chẳng còn. Rồi một vài lái buôn nghĩ ra cách nhồi lợn như nhồi bánh đúc cho gà trước khi bán. Cách làm của họ là mua cám ngô tầm 5 ngàn 1 kg, nhồi mỗi con lợn ít nhất cũng chục kg, thế là mức lãi nâng lên vài trăm ngàn. Mới đầu còn dấm dúi, sau công khai. Ban đầu còn một vài người làm, sau cả chợ làm. Thế là hàng loạt nhà tắm lợn mọc lên dọc tuyến Quốc lộ 1A.

Hoang lạnh nhà tắm “lão trư”

Nhà tắm lợn đầu tư cả trăm triệu đồng trở nên hoang hóa.

Theo anh Hoàng Văn Xỉ, Chủ tịch xã Vân Thủy huyện Chi Lăng, riêng trên tuyến Quốc lộ 1A thuộc huyện Chi Lăng đã có tới 13 nhà tắm lợn, chưa kể hàng chục điểm tắm lưu động khác. Các lái lợn đầu tư một điểm tắm hết tầm 100 triệu đồng.

Các điểm tắm lợn chỉ với hai mục đích làm lợn đẹp mã ra, và nhồi cho lợn tăng cân. Vì thế họ chỉ xây mỗi cầu cho xe vào, đầu tư mấy cái móc hàm lợn và cỡ chục cái bơm nhồi như bơm phun nước. Thế là mỗi xe lợn vào đó gánh thêm vài tạ cám ngô.

Anh Hoàng Văn Phong, lái lợn quê Hiệp Hòa Bắc Giang cho biết, chú không biết nhồi cám lãi đến thế nào đâu, trước đây một xe lợn lãi được tầm 5 triệu trừ chi phí xe, tiền đường chỉ còn được vài trăm. Thế nhưng có chủ nhồi xong tiền lãi lên tới vài chục triệu. Thế là đổ xô đi làm. Có thời điểm họ nhồi được cả trên 1.000 con mỗi ngày. Anh Phong vừa nói vừa nhìn mấy khu nhà tắm lợn như nuối tiếc một thời vàng son.

Thế nhưng các thương lái Trung Quốc là những người thực tế, cùng với mua lợn họ cử nhân viên thăm dò dọc tuyến, họ đến tận nơi mua để dò xét, và cái “chiêu” nhồi lợn không thể qua được mắt họ. “Vỏ quýt dầy có móng tay nhọn” họ trả đũa bằng cách không cho sang xe, mà bắt lợn phải đi bộ qua đồi. Những chú ỉn phải băng rừng ì ạch có khi từ trưa đến chiều mới được cân, vì thế khi cân, lợn giảm cân rất nhiều.

Để bù lại, lái lợn càng nhồi mạnh hơn và tội đâu mấy chú “bát giới” phải chịu. Họ biến các lão trư thành những cái “bao tải” đựng cám ngô không thương tiếc. Chất lượng lợn ngày càng giảm, giảm tới mức phía nước bạn đề hẳn ra tiêu chuẩn nhập lợn. Thậm chí có vùng còn gay gắt hơn họ cấm nhập lợn của ta. Vậy là lợn ứ ở các vùng quê, nhà tắm lợn ở dọc tuyến Quốc lộ 1A trở nên hoang lạnh.

Bài học cho kiểu làm ăn chộp giật?

Bước lạo xạo trên những viên gạch vỡ của bức tường vừa đổ anh Quang tâm sự, nhà tắm lợn này vừa làm được 1 tháng thì tắc đường, thế là từ tháng 6 đến giờ nó bỏ không. Thiếu người trông giữ, trẻ trâu, người lớn, các xe hàng mặc sức đỗ húc đổ cả bức tường. Theo hợp đồng mỗi tháng vẫn phải trả chủ đất 3 triệu. Đã mất tiền đầu tư nay càng lỗ nặng hơn.

Và trên dọc tuyến hơn chục nhà tắm lợn cũng hoang lạnh. Ngay khu nhà tắm lợn của anh Quang được coi là hoành tráng, đủ tiện nghi nhất trên tuyến cũng vắng hoe. Số tiền đầu tư trên 120 triệu đồng sau những chuyến buôn lợn của anh ném vào đây cả. Nhìn những bơm, cọc, ngàm móc nhồi đung đưa, kêu loảng xoảng trong gió bấc chúng tôi không khỏi xót xa cho anh Quang. Để xua không khí nặng nề anh lại sòng sọc một hơi thuốc lào: “Cũng tại chúng tôi các chú ạ, vì mình ăn xổi quá để bây giờ xôi hỏng, bỏng không, lúc đầu lãi thế, có ai ngờ!”. Nói rồi anh nhìn xuống thật buồn.

Theo thống kê của chúng tôi, riêng tiền đầu tư vào nhà tắm lợn các lái lợn nhiều tỉnh đã thiệt hại cả tỉ đồng. Chưa kể bao nhiêu diện tích đất phải bỏ hoang trong khi nông dân dọc tuyến thiếu đất sản xuất. Nhà tắm lợn hoang lạnh, nông dân thiệt đơn thiệt kép. Các lái lợn thì xót xa. Với người tiêu dùng, bạn hàng nước bạn, họ không tin và nghi ngờ lối làm ăn thời vụ đến mức phải dừng nhập lợn trên toàn tuyến.

Theo thông tin của chúng tôi, hiện giờ chỉ còn độ vài lái lợn xuất được vì xưa nay họ làm ăn có uy tín, không chộp giật, nhồi lợn. Đây cũng là bài học cho lòng tin trong buôn bán. Với thương gia nước bạn chắc họ mất lòng tin và khi lòng tin đã mất chắc khó lòng lấy lại ngay được.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại