Lộ máy tính bảng giáo dục AIC giá bèo

Chiếc máy tính bảng Đài Loan được báo giá 45 USD (khoảng 900.000 đồng), nếu mua với số lượng lớn giá có thể chỉ còn khoảng 500.000-700.000 đồng.

Điều đáng nói, nó có nhiều thông số y hệt chiếc máy tính bảng trong đề án sách giáo khoa điện tử của TP.HCM.

Ngày 23-8, phóng viên phát hiện một chiếc máy tính bảng có tên Smart Education (giáo dục thông minh) mang thương hiệu AIC Group tại một công ty có trụ sở ở TP.HCM.

Người sở hữu chiếc máy tính bảng này cho biết: “Một công ty ở Đài Loan muốn chào hàng tôi mẫu máy tính bảng của họ. Họ đã lấy mẫu máy tương tự lô hàng máy tính bảng mà một công ty ở VN đã nhập về qua cảng Hải Phòng gửi cho tôi dùng thử”.

500.000-700.000 đồng/máy?

Khi cầm trên tay chiếc máy tính bảng, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là phía sau lưng máy có in thương hiệu công ty sở hữu là AIC Group và tên máy là Smart Education. Dòng chữ màu xanh nổi trên lưng ốp máy bằng nhựa màu trắng.

Máy tính bảng do một công ty Đài Loan chào hàng

Máy tính bảng do một công ty Đài Loan chào hàng

Máy có cấu hình gồm: màn hình 7,85 inch với độ phân giải 1024x768, CPU dual core, bộ nhớ lưu trữ 8GB, camera chính 3Mp, camera phụ 2Mp, kết nối mạng WiFi, pin 3.600mAh, hệ điều hành Android.

Đây là cấu hình gần như tương tự với mẫu máy tính bảng có giá 3 triệu đồng trong đề án “Thí điểm mô hình đổi mới và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014-2015”, được Công ty cổ phần Quốc tế Tiến bộ (AIC) đưa ra tại hội thảo “Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 18-8.

Theo đề án này, phần “lựa chọn 1” có ghi: “máy tính bảng có màn hình 7,85 inch, độ phân giải 1024x768, CPU quad core A31S, bộ nhớ lưu trữ 8GB, camera chính 3Mp, camera phụ 2Mp, kết nối mạng WiFi, pin 3.500mAh, hệ điều hành Android”. Nghĩa là hai máy chỉ khác thông số pin và vi xử lý.

Đặc biệt, máy đã được cài sẵn một số ứng dụng phục vụ học tập như: truyện tranh cho thiếu thi, các môn học của khối THPT như hình học, sinh học, vật lý, đại số, hóa học...

Những ứng dụng này đều đã được cài sẵn trong máy từ bên phía Đài Loan trước khi gửi về VN, tức phía công ty VN đặt hàng những mẫu máy tính này có chủ ý phục vụ mục đích giáo dục.

Theo đề án thí điểm ở mục “Trang bị máy tính bảng cho học sinh”, mỗi học sinh cần trang bị một bút chấm đọc điện tử và một máy tính bảng có cài đặt sách giáo khoa điện tử và các chương trình ứng dụng dạy và học. Ngân sách TP hỗ trợ học sinh diện chính sách và phụ huynh tự bỏ kinh phí mua nếu học sinh không thuộc diện chính sách. Nếu phụ huynh chọn mua máy tính bảng theo phương án 1 thì họ phải trả 3 triệu đồng.

Trong khi đó, người sở hữu chiếc máy tính bảng như đã nói ở trên cho biết phía công ty Đài Loan báo giá 45 USD, tức khoảng 900.000 đồng. Đặc biệt nếu nhập về với số lượng hàng lớn đến hàng trăm nghìn chiếc thì giá có thể chỉ còn khoảng 500.000 - 700.000 đồng.

Tuổi thọ tối đa: 1 năm

Khi bàn về chất lượng của mẫu máy tính bảng mà công ty Đài Loan cung cấp, nhiều nhà kinh doanh thiết bị di động nhập khẩu cho biết mẫu máy này nếu dùng cho người lớn xài cẩn thận thì có thể là khá tốt vì người dùng có thể trải nghiệm công nghệ với giá rẻ.

 

Nhưng nếu dùng cho học sinh, mà lại là học sinh lớp 1 - 2 - 3 thì rất không nên. Chưa cần bàn đến sức mạnh hoạt động của máy như thế nào, nhưng với vỏ máy hoàn toàn bằng nhựa thì sẽ rất dễ vỡ nếu bị rớt.

Lo ngại khi giá nhập sản phẩm quá rẻ, đại diện một hãng điện thoại VN cũng cho rằng với những thiết bị di động vỏ nhựa, nếu là điện thoại thông minh với kích thước nhỏ thì vẫn có thể bảo đảm không bị nứt hoặc ảnh hưởng đến hoạt động máy khi rớt, nhưng nếu là máy tính bảng thì khả năng bị bể và ảnh hưởng xấu đến hoạt động máy khá cao.

Đặc biệt, những mẫu máy tính bảng mà giá nhập khẩu chưa đến 1 triệu đồng thì linh kiện của nó chắc chắn toàn hàng kém chất lượng, chỉ cần rớt từ độ cao khoảng 1m xuống nền đất cứng là có thể bể ngay.

Trẻ em vốn dĩ rất tò mò, hiếu động và cũng rất thiếu cẩn thận, chuyện làm rơi máy tính bảng chắc chắn là điều sẽ xảy ra. Khi đó, những chiếc máy tính bảng như thế này sẽ khó hoạt động được lâu khi giao cho trẻ.

Vị chuyên gia này còn mường tượng cảnh những chiếc máy tính bảng giá rẻ này được áp dụng cho học sinh lớp 1 - 2 - 3: “Với khả năng làm rớt thường xuyên của học sinh khi dùng, công tác bảo hành, sửa chữa thay thế sản phẩm chắc chắn sẽ diễn ra liên tục, khi đó không rõ kinh phí sẽ do bên nào chịu?"

"Đó là chưa kể cảnh khi máy tạm hỏng hóc nhưng chưa sửa chữa kịp hoặc máy hư nhưng chưa có máy thay thế, học sinh sẽ học, làm bài tập như thế nào? Lúc đó thầy cô cũng không thể theo dõi hay chấm điểm học sinh của mình, còn học sinh cũng không thể dùng máy tính của bạn, càng không thể ngồi chơi không” - chuyên gia này cảnh báo.

Chưa hết, một chuyên gia khác cho hay với những máy giá rẻ, không nhà sản xuất nào “hào phóng” đưa cục pin xịn của các hãng lớn vào trong máy.

Họ sẽ sử dụng những viên pin giá rẻ, lượng sạc tối đa chỉ khoảng 500 lần. Với dung lượng pin thấp, nếu dùng thường xuyên, mỗi ngày phải sạc ít nhất một lần, thời hạn sử dụng máy có thể chỉ khoảng một năm nếu không bị hỏng do rơi rớt.

Hải quan Hải Phòng: AIC nhập máy tính bảng từ Đài Loan

Thông tin từ Cục Hải quan Hải Phòng cho hay trong tháng 7-2014 có một lô hàng máy tính bảng nhập từ Đài Loan cập cảng Hải Phòng và được gửi trong kho của Tân Cảng Đình Vũ. Theo tờ khai vận đơn, đơn vị nhận lô hàng là Công ty AIC Advanced International Joint Stock (Công ty cổ phần Quốc tế Tiến bộ) có địa chỉ tại số 69 đường Tuệ Tĩnh, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, lô hàng này gồm 3.500 máy tính bảng được đóng trong một container 40 feet, cập cảng Hải Phòng ngày 21-7. Đơn vị cung cấp lô hàng này là một công ty của Đài Loan có tên Star Max Technology Ltd.

Cục Hải quan Hải Phòng cho biết thêm, hiện đã quá thời hạn làm thủ tục thông quan nhưng đơn vị đứng tên trong tờ khai vận đơn nhận lô hàng vẫn chưa đến khai báo để làm các thủ tục cần thiết. Hải quan Hải Phòng đã liên hệ với phía Công ty cổ phần Quốc tế Tiến bộ đề nghị nhanh chóng làm các thủ tục thông quan.

AIC: nhập qua cửa khẩu Nội Bài

Chiều 25-8, sau khi nhận được hình ảnh mẫu máy tính bảng mà chúng tôi nêu trong bài viết, lãnh đạo Công ty CP Quốc tế Tiến bộ (AIC) đã xác nhận đây là mẫu máy tính bảng do công ty đặt hàng sản xuất tại Đài Loan. Vị này cũng cho biết công ty có nhập máy tính bảng từ Đài Loan về để phục vụ trong nội bộ công ty, hoàn toàn không bán ra thị trường. Việc cài đặt phần mềm sách giáo khoa trong máy này nhằm đào tạo cho nhân viên công ty làm quen với công nghệ thông tin, từ đó áp dụng cho những phần mềm khác. Máy tính bảng đưa ra tại phòng demo trong hội thảo của Sở GD-ĐT TP.HCM ngày 18-8 là loại 7,8 inch được nhập khẩu về Việt Nam qua cửa khẩu Nội Bài, số lượng 1.400 chiếc. Về thông tin công ty mua máy tính bảng với giá 900.000 đồng qua cảng Hải Phòng là sai sự thật.

4 yếu tố của máy tính bảng cho giáo dục

Máy tính bảng dùng trong giáo dục cho trẻ em khác với máy tính bảng (tablet) trên thị trường tiêu dùng, từ linh kiện kỹ thuật cho đến giải pháp phần mềm quản lý đi kèm và độ bền của thiết bị.

Theo một chuyên gia đang kinh doanh trong lĩnh vực máy tính bảng cho giáo dục tại VN, “màn hình là yếu tố quan trọng khi chọn tablet cho trẻ sử dụng. Cần chọn loại màn hình LCD tấm nền IPS có độ sáng và góc nhìn rộng không gây hại cho mắt trẻ”.

IPS (In-plane switching) là một công nghệ tấm nền màn hình tiên tiến hơn loại tấm nền phổ biến hiện nay, cho màu sắc hiển thị và chi tiết hình ảnh rõ nét hơn. Ngoài ra, màn hình IPS có góc nhìn rộng tầm 60 độ, giúp trẻ xem được nội dung trên màn hình ở nhiều góc độ khác nhau thay vì phải nhìn thẳng trực diện vào màn hình.

Theo khảo sát nhanh của Tuổi Trẻ, đối với các máy tính bảng không thương hiệu từ Trung Quốc và Đài Loan đang có trên thị trường TP.HCM, đại đa số không sử dụng loại màn hình IPS do giá thành cao hơn loại màn hình LCD thông thường, đẩy giá thành sản phẩm lên cao khó cạnh tranh nên thường bị loại.

“Bên cạnh màn hình, giải pháp phần mềm tích hợp giúp phụ huynh hay nhà trường quản lý trẻ sử dụng tablet là rất quan trọng. Trẻ được mở những ứng dụng nào trên máy, được truy cập website nào, sử dụng Internet trong bao lâu. Thầy cô có thể theo dõi trẻ đang làm gì trên tablet, và tương tác với các bài học” - chuyên gia này chia sẻ.

Tham khảo thêm từ tư liệu trên website Microsoft về triển khai máy tính bảng Android phổ thông cho môi trường giáo dục, bốn yếu tố quan trọng cần chú ý gồm: dễ sử dụng, bảo mật, tính sáng tạo và vòng đời sản phẩm. Trong đó, tablet Android phổ thông không thương hiệu khó đáp ứng các tiêu chuẩn bảo mật và quản lý trong các tổ chức.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại