Tuy nhiên, qua vụ việc trên cũng khiến dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi: phải chăng trong quản lý lao động nước ngoài hiện nay đang tồn tại những ‘lỗ hổng’? Cơ quan nào chịu trách nhiệm về những ‘lỗ hổng’ này? Và liệu có còn xảy ra những trường hợp tương tự như thế nữa?
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Vũ Xuân Phong – Chánh văn phòng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Ninh Bình cho biết: “Trước kia, những lao động nước ngoài (trong đó có TQ) làm việc tại Ninh Bình là hơn 1000 người. Số lao động này chủ yếu là các chuyên gia và có hợp đồng lao động hẳn hoi, có đăng ký và được quản lý đàng hoàng.
Nhưng đến nay thì họ đã về nước vì đã hết hạn hợp đồng, theo danh sách mà chúng tôi đang quản lý hiện nay thì số lượng chỉ còn lại khoảng trên dưới 100 người. Những chuyên gia này chủ yếu là người TQ, có cả người Pháp, Na Uy,… tập trung ở một số nhà máy công nghiệp lớn như nhà máy điện đạm Ninh Bình, nhà máy sản xuất xi măng VinaKasai, nhà máy xi măng Pomihoa, dự án rừng Cúc Phương,…”.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của UBND xã Khánh Phú (Yên Khánh, Ninh Bình), vào thời điểm cao nhất (giai đoạn 2009 – 2010), số lượng lao động TQ làm việc tại nhà máy điện đạm Ninh Bình lên đến hơn 4000 người.
Ngoài đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, phần lớn những lao động TQ khi làm việc tại đây là lao động phổ thông, họ làm tất cả mọi việc trong nhà máy, kể cả bốc vác, phụ hồ,…
Giải thích về ‘độ chênh’ trong số liệu thống kê tới 4 lần này, ông Phong cho rằng: “Theo quy định của các văn bản Nhà nước thì những lao động nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam phải ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm lao động và khai báo để cơ quan chức năng sở tại nơi lao động làm việc quản lý.
Ở đây, số liệu hơn 1000 lao động người người nước ngoài đến làm việc tại Ninh Bình (giai đoạn 2008 – 2011) là những lao động có đầy đủ các yếu tố trên mà chúng tôi quản lý được.
Còn lại những lao động ‘dôi’ ra kia thì chúng tôi… chịu. Họ sang Việt Nam bằng những con đường khác nhau như du lịch chẳng hạn, rồi sau đó không về nước, ở lại làm việc chui lủi, không khai báo thì làm sao chúng tôi quản lý hết được”.
Ông Phong thừa nhận: Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình chỉ quản lý được các lao động TQ có đăng ký hợp đồng và có khai báo như thế này, còn những trường hợp lao động 'chui' thông qua việc nhập cảnh bằng đường du lịch thì Sở không kiểm soát được.
Ông Phong thừa nhận việc quản lý những lao động nước ngoài làm việc ‘chui lủi’ trên địa bàn tỉnh là rất khó: “Trách nhiệm kiểm soát và quản lý những lao động nước ngoài bất hợp pháp, ‘chui lủi’ này rất khó, mình Sở LĐ-TB&XH không thể làm được việc này. Muốn quản lý và kiểm soát được những lao động nói trên cần phải có sự phối hợp liên ngành”.
Ông Phong cũng cho rằng, để xảy ra tình trạng nhiều lao động nước ngoài bất hợp pháp (không hợp đồng, không khai báo) đến làm việc tại Ninh Bình thì ‘trách nhiệm không thể đổ hết cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh được’: “Không thể đổ hết trách nhiệm cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh trong việc quản lý được.
Chúng tôi chỉ quản lý về mặt giấy tờ, nghĩa là đối với những trường hợp có hợp đồng lao động và có đăng ký. Còn những trường hợp lao động sang bằng đường du lịch thì trách nhiệm quản lý thuộc về ngành du lịch và ngành công an cũng như các cấp địa phương cơ sở.
Ngoài ra, luật cũng quy định chỉ tiếp nhận lao động người nước ngoài là những chuyên gia hoặc những lao động có trình độ cao, họ làm những công việc mà lao động trong nước không thể đảm nhận được.
Còn nếu để xảy ra tình trạng lao động người nước ngoài là lao động phổ thông và sang Việt Nam làm những việc phổ thông thì rõ ràng là sai, là ta đã quản lý không tốt từ khâu đầu vào khi họ nhập cảnh…”.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp công tác liên ngành để chấn chỉnh lại việc quản lý lao động người nước ngoài trên địa bản tỉnh Ninh Bình”, ông Phong cho biết thêm.
Đại diện UBND xã Khánh Phú (Yên Khánh, Ninh Bình): Xã chỉ được phép quản lý những trường hợp lao động nước ngoài khai báo tạm vắng, tạm trú trên địa bàn. Ngoài ra, khi họ đến làm việc tại địa phương, cụ thể là tại nhà máy điện đạm Ninh Bình – công trình dự án trọng điểm cấp quốc gia – nhưng họ lại ở nơi khác, không trú trên địa bàn thì chúng tôi không thể kiểm soát được. Ở đây, trách nhiệm quản lý thuộc về cấp trên như Công an tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình, không thể ‘đổ’ hết trách nhiệm cho địa phương cấp cơ sở được.