Con rơi Trung Quốc ở Ninh Bình và nỗi đau người ở lại (Kỳ 2)

Hoàng Sơn - T.Hiếu |

(Soha.vn) - Sau 4 năm, công trình nhà máy đạm Ninh Bình hoàn thành, những công nhân là người TQ cũng về nước sau khi hết hợp đồng lao động. Nhưng khi công nhân TQ rút đi cũng là lúc những đứa trẻ - con rơi của họ với phụ nữ người Việt được ra đời…

Hạnh phúc chẳng... tày gang

Từ khi nhà máy đạm Ninh Bình (KCN Khánh Phú, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, Ninh Bình) được xây dựng, đã có hàng ngàn công nhân Trung Quốc sang làm việc và đã nảy sinh quan hệ tình cảm với những phụ nữ địa phương.

Trong mối quan hệ ấy, cũng có một số đôi đã tiến tới hôn nhân, nhưng nhiều nam công nhân chỉ “chơi bời” qua đường, đến khi có con thì bỏ về bên kia biên giới, để lại gánh nặng cho người phụ nữ Việt.

Khu công nghiệp Khánh Phú (Yên Khánh, Ninh Bình) vào lúc cao điểm nhất có đến gần nửa vạn công nhân TQ đến làm việc.
Khu công nghiệp Khánh Phú (Yên Khánh, Ninh Bình) vào lúc cao điểm nhất có đến gần nửa vạn công nhân TQ đến làm việc.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Phan Đức Hoán, trưởng thôn Phú Bình (xã Khánh Phú, Yên Khánh, Ninh Bình) cho biết, trong làng có một số trường hợp phụ nữ có ‘quan hệ tình cảm’ với nam công nhân là người TQ và có con với họ.

Như cháu ông, chị P.T. L là ví dụ. Chị L quá lứa, lỡ thì. Năm 37 tuổi, chị gặp một công nhân xây dựng người Trung Quốc. Gia đình đã khuyên nhiều, nhưng họ vẫn quấn quýt lấy nhau. Khi biết chị có thai, người chồng hờ đã “cao chạy xa bay”.

Tới Khánh Phú, khi hỏi tới tên chị H, con bà M, cả xã ai cũng biết. Bởi ở vùng quê này chị quá nổi tiếng. Không phải chị làm ăn tài, hay ‘sắc nước hương trời’ mà vì chị có tới 4 đứa con, nhưng cả 4 đứa đều không cha. Người dân trong làng cho biết, đứa út nhà chị H là con rơi của nam công nhân người TQ.

Ông Phan Đức Hoán (sinh năm 1973) - trưởng thôn Phú Bình (xã Khánh Phú, Yên Khánh, Ninh Bình).
Ông Phan Đức Hoán (sinh năm 1973) - trưởng thôn Phú Bình (xã Khánh Phú, Yên Khánh, Ninh Bình).

Đó là ‘cuộc tình chóng vánh’ của chị H, như bao cuộc tình khác. Trong một lần đưa con đi ăn sáng, hai người gặp nhau. Qua mai mối, họ dần nảy sinh tình cảm và có con. Khi đề cập đến chuyện cha đứa trẻ là người TQ, chị H không nói gì, chỉ cúi gằm mặt xuống.

Có lẽ, đau khổ nhất là trường hợp của N (19 tuổi, trú ở thôn Phú An, xã Yên Khánh). Hiện tại, N đang sống đơn thân, nhưng mang tiếng là gái đã có một đời chồng nên thanh niên trong làng không ai dám đến với N nữa.

Ông Phan Thế Vinh, Trưởng thôn Phú An (xã Yên Khánh) cho biết: Cách đây 2 năm, N quen một nam công nhân TQ làm việc tại nhà máy đạm Ninh Bình. Sau vài lần gặp gỡ, N quyết định tiến tới hôn nhân.

Chị H (xã Khánh Phú, Yên Khánh) cùng với các con của mình. Trong 4 đứa con của chị H, có 2 đứa con (trong ảnh) được cho là 'con rơi' của nam công nhân người TQ.
Chị H (xã Khánh Phú, Yên Khánh) cùng với các con của mình. Trong 4 đứa con của chị H, có 2 đứa con (trong ảnh) được cho là 'con rơi' của nam công nhân người TQ.

Tuy nhiên, thời điểm đó, N chưa đủ 18 tuổi nên không thể làm thủ tục đăng ký kết hôn. Nhưng thấy hai người quyết tâm, lại thấy chàng rể phóng khoáng, bố mẹ N đã tổ chức ‘đám cưới chui’. Cuối tháng 8/2012, đám cưới được tổ chức. Bố mẹ N cũng làm vài chục mâm mời bà con xóm làng.

Sau đám cưới, N và chồng vẫn sống ở nhà bố mẹ đẻ. Nhưng chỉ được mấy hôm, giữa hai người đã xảy mâu thuẫn, cãi vã và dẫn đến xô xát vì… bất đồng ngôn ngữ.

Bố mẹ vợ cũng vào hùa với con, mắng nhiếc chàng rể người TQ ra trò. Người chồng bỏ về TQ, từ đó đến nay không quay lại nữa.

N cũng chưa thể đi bước nữa, bởi những thanh niên muốn tìm hiểu, khi biết chuyện của N nên đều ‘âm thầm rút lui’. Bây giờ, N chỉ biết ngậm ngùi nhìn hạnh phúc của đám bạn cùng trang lứa, ông Vinh kể.

Theo thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Khánh Phú, hiện Khánh Phú có 64 phụ nữ đơn thân, một số vì chồng mất hoặc ly hôn, còn phần đa là những phụ nữ không chồng mà có con, người có 1 con, 2 con, thậm chí có 4 con, nhưng không có cha, như trường hợp chị H, con bà M, trường hợp chị L, chị N…

Nỗi đau người ở lại

Chuyện một số phụ nữ ở gần KCN Khánh Phú có quan hệ tình cảm với người TQ thì ai cũng biết.

Dù dư luận địa phương có xì xào, bàn tán nhưng họ vẫn mặc, bởi mỗi người có một mục đích khác nhau. Có người quá lứa lỡ thì xin đứa con để làm chỗ nương tựa về già, cũng có người ôm mộng vì tưởng đào được “mỏ vàng”.

Tuy nhiên, cái lợi chưa thấy đâu, chỉ biết bây giờ, hậu quả để lại là gánh nặng cho gia đình, xã hội và những đứa con thơ.

Căn nhà nhỏ ọp ẹp, xiêu vẹo của gia đình chị H nằm biệt lập với khu dân cư. Mỗi lần nghe đài báo bão, mấy mẹ con lại sơ tán sang nhà ông bà ngoại, mang theo xoong nồi, quần áo, tiếng con khóc trông như thời loạn.

Để lo cho 4 đứa con nhỏ ăn học, hàng ngày, chị H phải làm thuê nhiều việc. Không còn ruộng, chị H đi phụ hồ, gánh gạch mỗi ngày kiếm vài chục ngàn đồng.

Nhiều đứa trẻ ra đời mà không hề biết mặt người cha ngoại quốc của mình.
Nhiều đứa trẻ ra đời mà không hề biết mặt người cha ngoại quốc của mình.

Cũng vì thế, đã nhiều năm qua, gia đình chị thuộc diện nghèo nhất xã. “Bây giờ còn làm được, còn lo được cho con. Vài năm nữa, tôi già rồi, các con không biết sẽ sống ra sao nữa”, chị H ngậm ngùi.

Đỡ vất vả hơn chị H, chị L đã xin được đi làm công nhân cho một công ty may trong vùng. Hàng ngày, chị dậy từ 5 giờ, lo cho con ăn uống và đưa đi học rồi mới tới nơi làm việc.

Ngoài lo cho con, chị còn phải chăm sóc cho mẹ già đã hơn 70 tuổi. Chỉ riêng chi phí tiền học, tiền sữa, bỉm,… cho con mỗi tháng cũng mất hơn 600.000 đồng, trong khi thu nhập mỗi tháng của chị chỉ được khoảng 2 triệu đồng. Số tiền đó, chị phải dành dụm, chắt chiu mới đủ lo cho cuộc sống của ba mẹ con.

Còn với chị T (xã Khánh Hòa, Yên Khánh) thì lại khác. Để mưu sinh, chị lựa chọn công việc khá ‘mạo hiểm’. Sau khi kết hôn với người chồng là công nhân TQ, hai vợ chồng không có việc làm bởi nhà máy đạm Ninh Bình đã xây dựng xong. Để mưu sinh, chị và chồng chuyển sang làm nghề… môi giới hôn nhân.

Chồng chị T sẽ tìm những người đàn ông TQ có nhu cầu lấy vợ là người Việt, còn chị T tìm những phụ nữ có nhu cầu lấy chồng TQ để ‘dắt mối’. Mỗi vụ mai mối như thế thành công, vợ chồng chị thu được từ 5 đến 6 triệu đồng.

“Trừ các chi phí phát sinh, số tiền kiếm được cũng chẳng được bao nhiêu. Đó là những vụ môi giới thành công mới được vậy. Còn những vụ không thành, mình vừa mất công, lại mất tiền. Nhưng nếu không làm, cũng chẳng biết làm gì nữa”, chị T cho biết.

Theo số liệu thống kê của Ban tư pháp UBND xã Khánh Phú (Yên Khánh, Ninh Bình), vào lúc ‘cao điểm’ nhất, có tới hơn 4.000 công nhân TQ đến làm việc tại KCN Khánh Phú.

Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi hoàn thành công trình, đồng thời cùng với việc các cơ quan chức năng phát hiện nhiều công nhân TQ nhập cảnh lao động trái phép thì họ đã đột ngột về nước bỏ lại sau lưng những mối ‘thâm tình’ cho nhiều phụ nữ địa phương. Nhiều đứa trẻ ra đời mà không hề biết mặt người cha ngoại quốc của mình.

Ngoài ra, vì để tránh gặp phiền phức khi làm thủ tục đăng ký giấy khai sinh và thủ tục nhập học cho con, nhiều phụ nữ ở Yên Khánh không dám khai nhận những đứa trẻ là con của người TQ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại