Liên tiếp các vụ thảm sát: Vì sao hung thủ có hành vi độc ác?

Như Hòa |

Các chuyên gia phân tích, con người trong xã hội ngày nay quá đề cao giá trị vật chất trong khi thiếu kiến thức trầm trọng.

"Xã hội bây giờ đã thay đổi rất nhiều"

Chiều tối 12/8 xảy ra vụ thảm sát rúng động dư luận, hung thủ giết 4 người trong một gia đình tại xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, Yên Bái.

Qua điều tra ban đầu, cơ quan điều tra xác định, đối tượng Đặng Văn Hùng (SN 1989) là nghi phạm gây ra vụ thảm sát.

Đây là vụ thảm sát thứ 3 trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Trước đó, ngày 7/7 diễn ra vụ thảm sát tại Bình Phước, hung thủ giết 6 người. Ngày 2/7 xảy ra vụ thảm sát xảy ra tại Nghệ An làm 4 người trong gia đình tử vong.

Tiến sĩ Tâm lý học Bùi Hồng Quân, Sở LĐTB&XH TP HCM cho rằng, xã hội bây giờ đã thay đổi rất nhiều so với những năm về trước.

Cái tôi cá nhân của mỗi con người cũng vì thế mà được bộc lộ rõ nét. Thêm vào đó, sự vô cảm của một bộ phận người dân đã ảnh hưởng rất nhiều tới hành vi ứng xử của con người.

Hơn nữa, sự ảnh hưởng của yếu tố truyền thông tới đời sống của giới trẻ cũng làm ảnh hưởng lớn tới hành vi của mỗi cá nhân trong xã hội với các vấn đề liên quan trong cuộc sống.

Hiện trường vụ thảm sát (Ảnh Tuổi trẻ)

Hiện trường vụ thảm sát (Ảnh Tuổi trẻ)

Tiến sĩ Tâm lý học Bùi Hồng Quân nhấn mạnh, đạo đức cá nhân và quan hệ ứng xử là hai nguyên nhân quan trọng dẫn đến các vụ thảm sát trên.

Không phải là ngày một ngày hai, mà yếu tố đạo đức cá nhân phải hình thành trong nhân cách của con người đó từ lâu rồi và chỉ khi nó được bộc lộ ra thì chúng ta mới thấy.

Rõ ràng đạo đức cá nhân của một số trường hợp hung thủ trong các vụ án thảm sát chúng ta thấy đáng báo động” – Tiến sĩ Quân nhận định.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, sâu xa của hành vi phạm tội man rợ là khả năng giải quyết vấn đề của mỗi cá nhân.

Trong bối cảnh này, cá nhân họ không biết xử lý như thế trong lúc quẫn trí cộng thêm một số yếu tố khác chi phối khiến các hung thủ có những hành vi độc ác” – Tiến sĩ Quân nói.

Ứng xử nhiều vụ lợi

Cùng nói về vấn đề này, Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Minh – Giảng viên Học viện hành chính quốc gia (cơ sở TP. HCM) cho rằng, cốt lõi của vấn đề là do chúng ta quá đề cao giá trị vật chất trong khi thiếu kiến thức trầm trọng.

Theo Thạc sĩ Minh, vì quá đề cao giá trị vật chất nên các hành vi ứng xử giữa con người với nhau có nhiều vụ lợi. Khi không đạt được những mong muốn, thỏa mãn về vật chất thì mâu thuẫn sẽ xảy ra.

Xét về đạo đức, Thạc sĩ Minh cho rằng, hiện nay chúng ta thiếu và yếu về kỹ năng giáo dục. Chúng ta chưa có những giải pháp để định hình văn hóa cho người Việt Nam trong khi tốc độ đô thị hóa quá cao.

Nhiều người đang bị hổng tri thức trầm trọng. Việc quên mất các giá trị cốt lõi mà chỉ dung nạp những kiến thức manh mún đã khiến nhiều người không có được một giá trị nền tảng đúng nghĩa.

Nếu hỏi các sinh viên hàng ngày có xem tin tức không thì chắc chắn có, nhưng bảo các bạn đọc 1 cuốn sách trong vòng 1 đến 2 ngày thì e rằng khó” – Thạc sĩ Minh đưa ra ví dụ.

Để giải quyết vấn đề, theo quan điểm của Thạc sĩ Minh, giáo dục phải mang tính toàn diện, mang tính hệ thống. Khi con người phát triển toàn diện rồi thì các hành vi ứng xử sẽ đúng đắn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại