Lên chức không phải để vun vén cá nhân

Văn Kiên (thực hiện) |

Trao đổi với PV Tiền Phong xung quanh vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim nói: “Nếu lên chức không lo đến việc thực hiện nhiệm vụ mà chỉ lo làm sao để có nhiều người cung phụng. Đó là điều không thể chấp nhận được”.

Là người trực tiếp tham dự các Hội nghị Trung ương (T.Ư) để chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, ông đánh giá thế nào về việc chuẩn bị nhân sự của Đảng, nhất là nhân sự cấp cao?

Có thể nói việc nhân sự đã được Ban Chấp hành T.Ư khóa XI chuẩn bị một cách thận trọng, chu đáo và hết sức dân chủ.

Trên cơ sở quy hoạch cán bộ cấp cao, nhờ đó có nguồn giới thiệu người vào nhân sự Ban Chấp hành T.Ư khá nhiều và rất phong phú.

Qua các bước rà soát về tiêu chuẩn và nhu cầu công việc, T.Ư lựa chọn và giới thiệu như vừa qua là hết sức thận trọng. Nói chung, tất cả đều được rà soát, soi chiếu một cách thận trọng.

Sự dân chủ trong công tác nhân sự còn thể hiện qua các phiên thảo luận trong T.Ư. Khi thảo luận thì có ý kiến này, ý kiến kia, khác nhau. Nhưng sau khi giải thích, giải trình xong xuôi rồi thì phải tới hồi quyết định chứ.

Việc quyết định đó là rất đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tức là thoải mái thảo luận, sau đó T.Ư thể hiện ý kiến của mình bằng lá phiếu, thế là quyết định của T.Ư theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số.

Tôi tham gia Ban Kiểm phiếu, phải tiến hành kiểm phiếu tới 14 lần khi làm các quy trình chọn các chức danh chủ chốt.

Không phải là phải kiểm đi kiểm lại, mà là làm từng việc cụ thể, nghĩa là một chức danh giới thiệu nhiều người, cuối cùng chọn ra một người với số phiếu rất tập trung cho sự tín nhiệm.

Rất thận trọng, chu đáo, phát huy tới cùng dân chủ trong Đảng.

Trong quá trình chuẩn bị nhân sự trong Đảng có điều gì khiến ông cảm thấy tâm tư?

Nói thật, trong thời gian qua mỗi ngày máy điện thoại của tôi nhận hàng chục tin nhắn từ các số “lạ” nói ủng hộ ông này, chê bai ông kia, nói lung tung cả lên.

Tôi nghĩ đây chỉ là “nhóm lợi ích” hoặc đối tượng xấu, có ý định phá hoại, chứ người có tư cách thì chẳng ai lại đi nhắn bảo ông phải thế này, ông phải làm thế kia.

Tôi có tinh thần của tôi, có bản lĩnh của tôi, tại sao anh phải nhắn tin gây phiền phức quá vậy? Anh lo cho lợi ích của anh hay lo cho Đảng, cho dân?

Sau Đại hội này, tôi nghĩ chúng ta cũng cần rút ra được những bài học kinh nghiệm, đánh giá một cách sâu sắc trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ.

Để cán bộ phải là những người có tư cách, bản lĩnh, hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.

Góp một thì phải hiểu mười

Đại hội Đảng lần thứ XII đề cao vấn đề: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh… Trong thời điểm hiện nay, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần chú ý đến những điểm cốt lõi nào, thưa ông?

“Khi họp T.Ư tôi cũng phát biểu rằng, bây giờ khi một cán bộ lên chức nào đó, cầm quyết định trong tay là hoa đầy nhà, rồi liên hoan, rượu chè, ca múa, nhảy nhót tùm lum lên. Người lãnh đạo khi cầm quyết định trong tay lẽ ra phải suy nghĩ làm gì để thực hiện được tốt các chức năng, nhiệm vụ đã được ghi trong quyết định. Lãnh đạo không lo suy nghĩ điều đó mà chỉ lo suy nghĩ làm sao phải có thật nhiều người “ôm hoa” đến chúc mừng. Anh nào không “ôm hoa” tặng mình thì mình sẽ để ý. Buồn cười thế. Bảo người ta phải chăm lui tới, phải trọng vọng, phải kính thưa, kính gửi rất xa rời bản chất của người cách mạng. Nếu lên chức không lo đến việc thực hiện nhiệm vụ mà chỉ lo làm sao để có nhiều người cung phụng. Đó là điều không thể chấp nhận được”.

Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Tôi nghĩ, đó là điều hệ trọng, cần phải làm kiên quyết và kiên trì. Điểm mấu chốt là phải giữ vững bản chất chính trị của giai cấp công nhân; mỗi cán bộ đảng viên phải tự giác tự phê bình và phê bình, ghép mình vào tổ chức kỷ luật của Đảng, thực hành nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ.

Tập trung và dân chủ đòi hỏi phải vận dụng thật nhuần nhuyễn, hài hòa, không coi nhẹ mặt nào. Bất cứ ai, đồng chí nào xa rời nguyên tắc đó là hỏng! Đặc biệt cán bộ càng cao trọng trách càng lớn.

Trọng trách lớn nhất là bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, không thể chăm chăm suy nghĩ, vun vén cho lợi ích cho cá nhân, gia đình, dòng họ mình.

“Vinh thân phì gia” - thói hư vua quan ngày xưa không còn chỗ dung thân. Bác Hồ đã dạy cán bộ đảng viên phải “chí công vô tư”, Bác viết cả tác phẩm “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” cho cán bộ đảng viên học tập, chắc đồng chí nào cũng hiểu. Chủ nghĩa cá nhân thật quái ác, không hiểu vì sao bây giờ lại thịnh hành(!)

Nêu gương - là một việc làm vĩ đại dù nhỏ hay lớn. Cớ sao người ta thích “nêu hình ảnh” hơn là nêu gương? Làm lãnh đạo vinh dự, vinh quang chứ, vậy thì phải biết nêu gương tốt, chấp nhận thiệt thòi.

Chứ lãnh đạo mà lại đi tìm kiếm những mánh khóe, những thủ đoạn để tìm kiếm lợi ích cá nhân thì hỏng.

Tinh thần của Nghị quyết T.Ư 4 là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên… nhưng đến nay hiệu quả dường như vẫn chưa được như mong muốn?

Nói rằng, chưa đạt yêu cầu là đúng hơn. Ta nhìn sang nước bạn thì thấy người ta xử lý rất mạnh những vi phạm, tham nhũng… Còn mình thì sao? Chưa làm mạnh được vì một phần “do văn hóa nể nang” và rồi “tế nhị” nữa chứ.

Đã là người lãnh đạo thì phải nhạy cảm, đồng chí góp ý một phần thì anh phải hiểu nhiều phần, không chờ phải chỉ ra tất tần tật. Vì thế, trong nhiệm kỳ tới, chúng ta cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại