Chuyên gia về rùa: "Có thể đưa "cụ rùa" Hồ Gươm trở lại nếu..."

Hoàng Đan |

Theo ông Tim, với trình độ khoa học và công nghệ hiện tại có thể giúp khôi phục rùa Hoàn Kiếm và đưa loài rùa mai mềm cỡ lớn này trở lại Hồ Gươm trong tương lai.

Việc "cụ rùa" Hồ Gươm ra đi đã nhận được nhiều sự chú ý của dư luận xã hội. Đây là nỗi buồn lớn không chỉ với người Hà Nội mà với người dân cả nước.

Sự kiện rùa Hoàn Kiếm qua đời đã đặt ra nhiều vấn đề và công việc phải làm cho tương lai, đó là có thể có một rùa Hồ Gươm tương tự không?

Trao đổi với chúng tôi, ông Tim McCormack, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á - Tổ chức Indo-Myanmar Conservation cho rằng, việc lưu trữ và bảo quản mô cho công tác nhân bản rùa Hoàn Kiếm trong tương lai là điều hoàn toàn có thể thực hiện.

Theo ông Tim, công nghệ nhân bản đã và đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và quả thực đã trở thành một ngành công nghiệp cung cấp dịch vụ nhân bản các chú chó và các loài động vật khác cho những người nuôi thú cưng.

Cụ thể, ngay sau khi con vật qua đời, việc thu thập và bảo quản mẫu mô sống của con vật phải được tiến hành càng sớm càng tố, bởi những mẫu mô này sẽ quyết định sự thành công của quá trình nhân bản sau này.

"Trong trường hợp “cụ rùa”, việc cấp thiết trước mắt là nhanh chóng thu thập các mẫu mô của rùa Hoàn Kiếm trước khi các mô và tế bào sống bị phá hủy, không còn hữu dụng.

Mẫu mô có thể thu thập từ các cơ quan như khí quản, tim, mô liên kết dưới xương mai hoặc cơ quan sinh sản. Mỗi mẫu có kích thước rất nhỏ là 1cm3.

Một số Viện, Cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học tại Hà Nội có đủ kỹ thuật và trang thiết bị để thực hiện việc lưu trữ và bảo quản mô sống.

Điều này sẽ mang lại cơ hội nhân bản rùa Hoàn Kiếm và góp phần khôi phục loài rùa vô cùng quý hiếm này", ông Tim nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tim, Chương trình bảo tồn rùa châu Á đã gửi đề xuất lên UBND Thành phố Hà Nội với hy vọng sẽ sớm có ý kiến chỉ đạo kịp thời để thực hiện việc bảo quản các mô sống.

"Công nghệ thu thập và bảo quản mô vẫn còn khá mới ở Việt Nam, ngay cả quá trình thu thập và bảo quản mẫu cũng không đơn giản.

Tuy nhiên, lưu trữ và bảo quản mô cho công tác nhân bản rùa Hoàn Kiếm trong tương lai nên được xem xét bởi không có nhiều lựa chọn cho công tác bảo tồn loài rùa quý hiếm này.

Trong những năm tới, chúng tôi hy vọng kỹ thuật nhân bản sẽ có nhiều cải tiến có thể áp dụng vào lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học.

Rùa Hoàn Kiếm huyền thoại liệu có thể sống mãi? Câu trả lời là với sự giúp đỡ của khoa học, là có thể", ông Tim nhấn mạnh.

Ông Tim cũng thông tin, “cụ rùa” vừa qua đời là cá thể lớn tuổi thuộc loài giải Sin-hoe (tên khoa học Rafetus swinhoei), có kích thước mai dài khoảng 130cm, nặng gần 170kg.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam cho rằng, đã có rất nhiều ý kiến về việc "cụ rùa" Hoàn Kiếm qua đời.

"Dù sao đó cũng là một dấu hiệu của việc chúng ta nên trân trọng và quan tâm đến động vật nhiều hơn. Từng cá thể và từng loài.

Dấu hiệu của sự quan tâm này cũng xuất phát từ tình yêu thương động vật trong rất nhiều trái tim Việt. Chúng ta cũng cần cố gắng nỗ lực hơn để chăm sóc và quan tâm tốt hơn tới tất cả các loài động vật”, ông Tuấn bày tỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại