Lễ hội chém lợn: Vì sao người dân lại thích nhúng tiền vào máu?

Hoàng Đan |

Theo GS Ngô Đức Thịnh, việc đưa ra các biện pháp hành chính để áp đặt, cấm đoán đối với lễ hội chém lợn về văn hóa là trái với nguyên tắc về sự đa dạng văn hóa của UNESCO.

>> "Chúng tôi đã dừng chém lợn từ 2 năm nay rồi!"
>> Lễ chém lợn đẫm máu: Tổ chức AA đưa ra "bằng chứng" phản pháo

Nên sử dụng nguyên tắc tự nguyện

Ngày 27/1, Tổ chức Động vật Châu Á đã phát động chiến dịch cùng ký tên kêu gọi các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh và Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị chấm dứt lễ hội chém lợn tại thôn Ném Thượng, Tiên Du.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh lễ hội này, Giáo sư Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, việc Tổ chức Động vật Châu Á đưa ra khuyến nghị như vậy nếu nhìn trên phương diện chung cũng đúng.

Tuy nhiên, văn hóa rất đa dạng, gắn với từng cộng đồng, địa phương, dân tộc.

"Vấn đề là ở chỗ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm nay người ta đã thực hiện lễ chém lợn đó rồi thì anh cần phải tìm hiểu lý do tại sao họ làm như vậy. Còn việc chỉ bằng một câu là dã man như vậy theo tôi thì không nên" - G.S Thịnh chia sẻ.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh.

G.S Thịnh cũng bày tỏ, quan niệm thế nào là dã man cũng cần phải xem xét kỹ. Bởi thực tế, ngay ở Châu Âu, cũng lùa hàng đàn súc vật vào và dùng máy móc để giết thịt, nên việc nói thế nào là dã man thì rất khó.

"Chả nhẽ mấy nghìn con người và đất nước Việt Nam lại có một nhóm người dã man sao. Điều đó là phi lý, còn lễ hội chém lợn ở đây là có căn cớ của nó. Vấn đề ở đây, chúng ta phải giải quyết căn cớ, nhận thức đó"- G.S Thịnh cho hay.

Cũng theo G.S Thịnh, nguyên tắc của UNESCO là tôn trọng đa dạng văn hóa của các dân tộc, vì thế ở đây, chúng ta nên áp dụng nguyên tắc tự nguyện.

Vị G.S này nói: "Thực tế, trước đây, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng đã từng nói chuyện và hỏi tôi về lễ hội chém lợn này nên làm thế nào.

Khi đó, tôi cũng đã nói, nguyên tắc tự nguyện là nguyên tắc tối cao, tức là chúng ta cần giáo dục để nâng cao nhận thức đối với cộng đồng ở đây. Từ việc hiểu được ra thì cộng đồng đó sẽ từ bỏ nghi lễ chém lợn này.

Cá nhân tôi cũng phản đối việc lấy cái chung để đưa ra các biện pháp hành chính áp đặt, cấm đoán với nét văn hóa riêng của một cộng đồng. Điều đó cũng trái với nguyên tắc về tôn trọng sự đa dạng văn hóa của UNESCO".

Thêm vào đó, theo G.S Thịnh, trước hết, chúng ta cần có biện pháp để tránh những ảnh hưởng của nghi lễ này đối với người ngoài cộng đồng.

"Đây là những tục hèm gắn với một số cộng đồng, và trước đây khi thực hiện thì người ta còn cấm người ngoài không tham gia.

Nét phong tục, tập quán này rất sâu sắc và liên quan đến niềm tin, tín ngưỡng của họ, thậm chí tiềm ẩn cả một sức mạnh, còn người bên ngoài không có cảm nhận đó thì có thể coi là dã man.

Nên ở đây, thay vì sự áp đặt, cưỡng bức cấm thì chúng ta nên khuyên họ thực hiện trong cộng đồng. Không có sự tham gia của người ngoài cộng đồng. 

Cùng với đó, cũng không nên cho các em nhỏ tham gia, bởi rất có thể những hình ảnh từ nghi lễ này sẽ gây ra những tác động không tốt.

Chúng ta có nhiều cách để đi đến hạn chế và dần dần xóa bỏ đi việc chém lợn, nhưng tôi nhắc lại, tôi phản đối người bên ngoài nói vào, đồng thời sử dụng các biện pháp có tính chất cưỡng bức, áp đặt" - G.S Thịnh nhấn mạnh.

Hình ảnh trong lễ hội chém lợn làng Ném Thượng năm 2014 do Tổ chức động vật châu Á cung cấp.
Hình ảnh trong lễ hội chém lợn làng Ném Thượng năm 2014 do Tổ chức động vật châu Á cung cấp.

"Dùng tiền nhúng máu để cầu may"

Chia sẻ thêm về việc sau khi tiến hành nghi lễ chém lợn, nhiều người dân dùng tiền nhúng vào máu những con lợn đó, G.S Thịnh cho rằng, điều đó diễn ra ở rất nhiều nơi và thể hiện mong muốn cầu may.

"Không chỉ ở lễ hội chém lợn này mà nhiều lễ hội tại Tây Nguyên tôi tham gia cũng có tục này. Máu của con vật dùng để hiến sinh, tế thần theo quan niệm của người dân thì có sức mạnh của sự tái sinh và con vật đó.

Cho nên, họ bôi máu vào tiền, các đồ vật, dụng cụ, thậm chí người tham gia để cầu mong sức mạnh, bình an, may mắn. Đó là niềm tin của người ta"- G.S Thịnh cho biết thêm.

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Thùy Trinh - đại diện truyền thông của Tổ chức động vật Châu Á (viết tắt là AA) cho hay, những ngày qua, bà cũng nhận được nhiều ý kiến bày tỏ về vấn đề văn hóa xung quanh việc chém lợn.

"Một số ý kiến cũng nói rằng, đừng có can thiệp vào các yếu tố văn hóa, nhưng thực tế những hình ảnh này quá phản cảm, tàn ác với động vật, tác động tiêu cực đến tâm lý của người xem, nhất là trẻ em.

Đồng thời, nó đang làm xấu đi hình ảnh các lễ hội truyền thống Việt Nam trong lòng các khách du lịch"- bà Trinh nói.

Không đồng tình với chọi trâu Tây Nguyên

Trao đổi thêm với chúng tôi, bà Phan Thị Thùy Trinh nhấn mạnh, AA không đồng tình với lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên vì đây cũng là một lễ hội có những hành động tàn ác với động vật.

Bà Trinh cũng cho hay, sẽ bàn bạc thêm với Tổ chức về lễ hội này và nếu cần sẽ có những ý kiến kiến nghị phù hợp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại