"Chúng tôi đã dừng chém lợn từ 2 năm nay rồi!"

Hoàng Đan |

Theo ông Nguyễn Tử Quỳnh, từ 2 năm trở lại đây, việc chém lợn tại lễ hội ở thôn Ném Thượng (Tiên Du, Bắc Ninh) đã được chuyển đổi sang hình thức khác phù hợp hơn.

Ngày 27/1, Tổ chức Động vật Châu Á đã phát động chiến dịch cùng ký tên kêu gọi các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh và Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị chấm dứt lễ hội Chém lợn tại thôn Ném Thượng, Tiên Du.

Trao đổi với chúng tôi về thông tin này, ông Nguyễn Tử Quỳnh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, ông đã nắm được việc phản đối lễ hội chém lợn của Tổ chức Động vật Châu Á.

Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, từ cách đây 2 năm, sau khi nhận được nhiều phản hồi của dư luận và Đại sứ Việt Nam tại châu Âu lúc đó, tỉnh đã chỉ đạo, chuyển đổi việc chém lợn sang hình thức khác phù hợp hơn.

Chuyển chém lợn sang hình thức khác

Ông Nguyễn Tử Quỳnh (đánh trống), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Tử Quỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh.

Cũng theo ông Quỳnh, thực tế, lễ hội này không phải là một lễ hội lớn mà chỉ là lễ hội của thôn. Theo đó, phía tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện theo chỉ đạo để bớt phần phản cảm khi chém lợn.

Còn theo T.S Bùi Trọng Hiền (Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam),  lễ hội chém lợn này chính là nét văn hóa có từ thời kỳ nguyên thủy, nói cách khác là văn hóa có tính hiến sinh.

Nên giấu dần

Tuy nhiên, đây là lễ hội của nhân dân nên theo T.S Hiền việc nói cấm hẳn cũng khó. Vì vậy, cần có sự thông cảm giữa cả hai bên.

Lễ hội chém lợn được tổ chức ở làng Ném Thượng (Tiên Du, Bắc Ninh).
Lễ hội chém lợn được tổ chức ở làng Ném Thượng (Tiên Du, Bắc Ninh).

"Người dân nơi đây cũng cần phải thông cảm cho cái nhìn bên ngoài.

Bởi thực tế, hành động chém bay con lợn, sau đó dùng tiền bôi máu vào thể hiện tín ngưỡng vụ lợi, tranh giành, hiến sinh... có từ thời nguyên thủy.

Rõ ràng đây là hành động phản cảm, tạo sự ghê rợn. Nhất là nếu trẻ con mà nhìn thấy thì tác động sẽ rất xấu, dễ gây ảnh hưởng không tốt.

Ở nhiều nước phát triển, người ta còn phải dùng điện để làm các con vật chết đi nhanh chóng và không bị đau đớn. Do vậy, theo tôi, chúng ta nên giấu dần đi" - TS Hiền bày tỏ.

Trước đó, theo Tổ chức Động vật Châu Á, hằng năm, cứ vào mùng 6 tháng Giêng Âm lịch, hàng ngàn người dân lại tập trung về thôn Ném Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh để tham dự Lễ hội Chém lợn.

Trong đó, những con lợn khỏe mạnh được chọn ra làm vật hiến tế, sẽ bị chém ra làm đôi trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em.

Lễ hội này thu hút sự chú ý của hàng ngàn người dân, bao gồm rất nhiều trẻ em, từ các xã xung quanh tập trung tại địa điểm này.

Mọi người quết máu lợn lên tiền rồi mang về nhà với niềm tin rằng điều đó sẽ mang lại may mắn cho họ cả năm.

Tuy nhiên, Tổ chức Động vật Châu Á cho rằng, đây là lễ hội tàn bạo nhất trên cả nước, đã và đang bị rất nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước lên án.

Theo Tổ chức Động vật Châu Á, hoạt động phản cảm này đang gây ra không ít những tác động tiêu cực về nhiều mặt.

Những tác động tiêu cực này bao gồm những ảnh hưởng xấu tới tâm lý của những người chứng kiến và tác động tới kinh tế xã hội, cụ thể ở đây là tới ngành du lịch cũng như hình ảnh của Việt Nam.

Lễ hội này còn gây ra sự chịu đựng không cần thiết cho động vật – trái ngược với suy nghĩ của chúng ta, động vật cũng cảm nhận được sự đau đớn...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại