Nhắc đến hương trầm Quỳ Châu, có lẽ những người con xứ Nghệ không ai là không biết đến. Vào những ngày giáp Tết, thị trấn Tân Lạc như đón tết sớm ở miền núi cao này. Khắp các ngả đường của thị trấn đến những bản làng xa xôi của huyện Quỳ Châu, đi đâu cũng nghe một mùi hương thơm thoang thoảng, lẫn trong gió bay gợi lên một không gian đầm ấm trong những ngày đông giá lạnh.
Nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu đã có từ 30 - 40 năm về trước với bí quyết riêng biệt, tạo nên những làn hương có một mùi thơm rất đặc trưng của vùng quê, ấm áp quen thuộc mà không nơi nào có được. Cũng vì thế mà hương trầm Quỳ Châu đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng khắp mọi miền Tổ quốc cả hàng chục năm nay.
Trong tiết trời lạnh lạnh buốt, chúng tôi có mặt tại thị trấn Tân Lạc – cách thành phố Vinh gần 170km. Những ngày này, ở làng làm hương khối 2 thị trấn đã nhộn nhịp hẳn lên bởi người người làm hương, nhà nhà xe hương, khách đến mua hương cũng có. Làng nghề hương trầm Quỳ Châu hiện có hơn 200 hộ gia đình làm nghề hương trầm, tạo nên một làng nghề truyền thống.
Làng nghề Quỳ Châu những ngày giáp Tết bỗng nhộn nhịp hẳn lên.
Để giữ gìn bản sắc riêng ở mảnh đất xa xôi, rẻo cao này, chính quyền địa phương cùng các cấp trong nỗ lực đi tìm và thành lập một làng nghề - nghề hương trầm Quỳ Châu. Quỳ Châu mảnh đất bấy lâu vốn nổi tiếng một thời đá đỏ, nay cũng được nổi lên bởi nghề làm hương trầm ở xứ xở xa xôi này.
Để có được những búp hương đẹp, mùi thơm đặc biệt của vùng núi miền Tây xứ Nghệ, những người làm hương phải cầu kỳ từng công đoạn, từ chuẩn bị các nguyên liệu làm bột hương, chân hương rồi đến công đoạn se (quấn) hương để tạo thành que hương hoàn thiện.
Để có được búp hương đẹp, người Quỳ Châu phải cầu kỳ trong từng công đoạn.
Mùa hương trầm được bắt đầu từ tháng 9 âm lịch. Tuy nhiên, đến những ngày áp Tết thì người làm hương càng tấp nập hơn. Nhiều gia đình làm từ 60-100 vạn cây hương ngày nào cũng có khoảng 10 nhân công.
Với hương trầm Quỳ Châu, nguyên liệu chủ yếu là rễ cây hương bài. Nó có mùi thơm dịu, là một loại cây thảo mộc, rễ chùm, mọc thành từng bụi, có nhiều ở vùng núi xứ Nghệ. Sau khi lấy về, người ta đem rửa sạch, phơi khô, rồi nghiền nát thành bột mịn để trộn làm bột hương.
Ngoài rễ cây hương bài, nguyên liệu làm hương trầm còn có các loại hoa hồi thảo quả, quế chi, trầm xô, bã mía và một vài vị thảo mộc đặc biệt được giữ kín riêng của làng nghề.
Làm hương trầm cần phải có sự khéo léo, cầu kỳ từng tí một, nếu vội vàng, cẩu thả thì sẽ không có được những búp hương thơm và đẹp như ý muốn. Trong số các công đoạn làm hương, thì công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, làm chu (chân hương) và trộn bột hương là mệt và cần nhiều sự khéo léo và chính xác nhất.
Chu hương được làm từ những cây nứa có ở trong rừng, khi chọn cần phải lấy những mầm nứa vừa mới ra lá như đuôi én, không được non quá, cũng không được già quá. Sau khi lấy về, người ta sẽ ngâm trong nước khoảng 2 tháng, rồi phơi khô và chẻ nhỏ để tạo thành chu hương.
Công đoạn làm chu cũng cần phải có sự thành thạo, kinh nghiệm làm nghề thì mới cho ra được những chu hương tốt, để khi đốt hương lên, hương sẽ cháy đều, không tàn nhanh, không gãy mà lại quăn rất đẹp.
“Nghề sản xuất hương trầm ở đây là nghề truyến thống cha ông để lại, có từ rất lâu rồi. Mỗi năm gia đình tôi sản xuất được 50 vạn cây hương trầm. Nói nhiều vậy chứ cứ sản xuất đến đâu là họ mua hết đến đó, có nhiều khi làm còn không đủ bán cho người ta nữa.
Cũng may nhờ nghề hương trầm này mà các gia đình ở đây cũng phát triển hơn ngày xưa nhiều. Mỗi mùa làm hương như vậy, trừ các chi phí thì gia đình tôi thu lại cũng được hơn 30 triệu đồng”, chị Trương Thị Xuân, ở khối 2 thị trấn Tân Lạc, một trong những hộ gia đình làm hương lâu năm trong vùng tâm sự.
Nghề sản xuất hương trầm ở đây là nghề truyến thống cha ông để lại, có từ rất lâu rồi.
Cũng 20 năm trong nghề, chị Trần Thị Châu tâm sự: “Tết này gia đình làm 40-50 vạn que hương. Tính hết mọi thứ, thì thu lại khoảng 20-30 triệu. Cái nghề cha ông để lại nên mình phải giữ lấy. Cái nghề này không vất vả nhưng chỉ được mỗi dịp Tết thôi…”.
Chị Xuân đã gắn bó với nghề làm hương trầm 20 năm nay.
Một trong những cơ sở sản xuất hương trầm lớn nhất làng nghề này là Huyền Sâm. Mỗi dịp tết gia đình Huyền Sâm làm từ 60-70 vạn cây hương. “Năm nào gia đình tôi cũng làm từ 60- 70 vạn hương để phục vụ tết. Cứ đến những ngày giáp tết như thế này tất bật lắm, hương chúng tôi thường được các thương lái miền xuôi lên mua sỹ rồi đưa đi phân phát, bán cho thị trường khác như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…
So với năm trước, năm nay hương cũng không được mùa cho lắm, bởi giá cả èo uột quá, thị trường năm nay cũng khác nữa vì thời buổi kinh tế khó khăn chú mà. Thu nhập từ nghề này khoảng 40-50 triệu đồng mỗi dịp Tết nhưng cũng vất vả lắm”, chị Huyền tâm sự.
Những ngày này ở làng hương trầm Quỳ Châu không khí Tết đã đến gần, nơi đây nhộn nhịp hẳn lên bởi không khí khẩn trương làm hương được tính từng ngày. Chia tay làng hương trầm ở mảnh đất xa xôi xứ Nghệ, chúng tôi mang theo những nén hương nhỏ cầu chúc một năm an lành đến với tất cả mọi người.