Làng chơi diều “khủng” ở Thái Nguyên

Đỗ Việt |

Những buổi chiều hè, trên triền đê ở xã Nam Tiến, (Phổ Yên, Thái Nguyên), hàng trăm người dân đem diều ra thả. Đêm đến diều được cột vào gốc cây, tiếng sáo diều vi vu len lỏi trong gió vang xa…

Làng diều “khủng”

Ở xã Nam Tiến, không ai còn nhớ chính xác thú chơi diều có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ nhỏ đã thấy cha ông theo thú chơi này.

Cũng bởi vậy mà nghề làm diều từ lâu nay là thứ nghề chính của người nông dân nơi đây, còn ruộng đồi nương chè chỉ là nghề phụ.

Theo các cao niên ở Nam Tiến, địa phương trước đây có giống tre mọc ngược, tức là ngọn cứ đua cao rồi trúc xuống đất.

Giống tre ấy dẻo dai lại rất thẳng và nhẹ, cứ chặt về ngâm nước, phơi khô rồi vót thành khung diều.

Diều được làm từ loài tre này sẽ bay cao, dây diều thẳng đứng, gió to mà diều không nghiêng lệch.

Ngày nay, giống tre lạ ấy không còn, nhưng Nam Tiến vẫn duy trì nghề làm diều. Có những gia đình cả bố mẹ lẫn con cái đều rất đam mê thú chơi diều.

Trong những hội chọi diều diễn ra ở Nam Tiến, người dân xóm Chùa còn nhớ mãi trận đấu trứ danh giữa diều của Lâm Sung, tay thợ mộc đa tài ở thị trấn Phổ Yên, với các diều xóm bạn.

Diều của Sung dài gần 5m, nổi tiếng vì to nhất vùng, bay ở độ cao gần 1500m mà trông vẫn lừng lững khi đứng cạnh những cánh diều bạn.

Chiếc diều ấy chẳng khi nào chịu “lép vế” dưới một cánh diều nào, tiếng sáo ba dàn của nó cũng kêu vang và trong trẻo nhất.

Người dân Nam Tiến còn gọi chọi diều còn là “không chiến”, những cánh diều phải áp sát nhau, thực hiện những động tác bổ nhào như máy bay phản lực.

Khi gặp diều hội khác khiêu khích, con diều lập tức như đại bàng đói mồi, bổ nhào vào chiếc diều kia khiến nó lệch đi, gặp gió xoay tít rồi bứt dây.

Và cho đến nay, trong bất cứ một trận tranh hùng nào, diều của người Nam Tiến đều đạt ngôi đầu.

Ngôi nhà anh Dũng chứa đủ các loại diều "khủng"

Đổi đời nhờ Diều

Trong ngôi nhà anh Nguyễn Văn Dũng, đội diều xóm Trại, la liệt những loại diều to, diều nhỏ, diều mẫu, diều chơi treo trên tường và trần nhà.

Riêng dàn sáo mà anh tự làm ra lên tới hơn 100 chiếc to nhỏ khác nhau và được xếp đầy trong 3 cái tủ lớn đặt trong phòng khách và phòng ngủ.

Bản thân anh Dũng cũng là một thợ làm diều có tiếng.

Mỗi năm anh có thể làm được hàng chục chiếc diều, trong số đó, hầu hết là diều lớn cỡ từ 3 – 5m và trọn bộ cả dàn sáo 9 chiếc có giá khoảng 20 triệu đồng.

Anh Dũng tiết lộ: “Có con diều giá lên tới vài chục triệu. Diều xịn có thể bay cao 2 nghìn mét mà vẫn thẳng dây thì vài chục triệu một chiếc là bình thường”.

Một trong những con diều "khủng" của anh Dũng

Ông Trần Văn Lương, truyền nhân đời thứ 6 của dòng họ Trần ở đất Nam Tiến vẫn còn theo nghề cha ông.

Ngôi biệt thự khang trang 3 tầng ở giữa làng, là kết quả từ thứ nghề “lên trời” này.

Mỗi năm ông Lương và tốp thợ có thể hoàn thành được hàng trăm con diều lớn.

Trong số những chiếc diều đắt tiền ấy, số nhiều được người nước ngoài đặt hàng. Số còn lại bán cho dân chơi trong miền Nam hoặc cho các làng có truyền thống chọi diều.

Có lẽ vì thế, mà hiện nay ở Nam Tiến, không chỉ duy trì thú chơi chọi diều cổ xưa mà nghề làm diều cũng trở thành thứ nghề chính.

Mọi người đều có thể tham gia vào khâu nào đó để có thể cho ra đời một con diều, người thì chuyên đi tìm tre, người lại chuyên uốn khung diều, người khác lại may vá vải bạt.

Thợ cao cấp hơn thì làm sáo, đi tìm gỗ gạo làm mắt sáo, thậm chí, còn có những người chỉ mang diều đi bán dạo ở những nơi xa xôi khác.

>> "Tụi tao đặt tên con là Giang Gun cho giống diễn viên Hàn Quốc"
>> Người chồng cõng vợ đi khắp thế gian gây xúc động

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại