Ký ức sâu đậm của nữ Đội trưởng về lần Bác Hồ 'vi hành' bị đỉa bám vào chân

Hải Sơn |

(Soha.vn) - Khi được hỏi kỷ niệm sâu đậm của nữ Đội trưởng ba lần gặp Bác Hồ, bà cho biết đó là lần Bác "bị đỉa bám vào chân".

Những kỷ niệm ba lần gặp Bác Hồ

Tìm đến làng Kiều Mai (xã Phú Diễn - Từ Liêm - Hà Nội) thật may mắn, chúng tôi gặp được cụ Lê Thị Mẫn, người có vinh dự 3 lần được gặp Bác. Trong đó có hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng Kiều Mai. Cụ Mẫn năm nay đã qua tuổi 84, nhưng những kỷ niệm được trò chuyện với Bác, cụ Mẫn kể vanh vách, khiến chúng tôi có cảm tưởng như sự việc mới xảy ra hôm qua vậy.

Hôm đó (ngày 7/8/1955) trên đường Bác từ Sơn Tây về, khi qua đoạn Cầu Diễn thấy bà con xã viên làng Kiều Mai đang tát nước dưới sông Cầu Diễn (tên cũ của sông Nhuệ) chống hạn. Khi đó còn khó khăn lắm, bà con phải tát bằng gầu dây (gầu bốn dây hai người tát), Bác đã dừng lại lội xuống ruộng hỏi thăm bà con. Bác ân cần hoan nghênh tinh thần vượt khó, khắc phục khó khăn của bà con. Bác còn bảo về lâu dài thì không thể tát nước mãi như thế này được” - cụ Mẫn nhớ lại.

Bác còn căn dặn bà con xã viên: “Lúa, hoa màu có nước tưới tiêu thì mới tươi tốt, năng suất mới cao. Bà con, HTX cần làm thêm kênh mương dẫn nước về đồng ruộng để chủ động việc tưới tiêu. Lúc Bác bước lên bờ, bà Nheo đã chạy xuống sông xách nước lên định rửa chân cho Bác. Bác cảm ơn!

Những việc này Bác tự làm được. Cái gì làm được ta nên cố gắng làm, không ỷ lại cho người khác, vừa tự do, vừa chủ động. Việc bà con cần giúp Bác là chăm lo mùa màng tốt, đẩy mạnh phát triển lực lượng du kích địa phương để kháng chiến kiến quốc” - cụ Mẫn xúc động kể tiếp.


	Cụ Lê Thị Mẫn kheo những tờ giấy khen được tặng và kể lại ký ức ba lần được gặp Bác Hồ.

Cụ Lê Thị Mẫn khoe những tờ giấy khen được tặng thưởng khi còn là xã viên, rồi Đội trưởng Đội sản xuất số 1 (HTX Tia Sáng - làng Kiều Mai ngày nay) và kể lại những ký ức sâu đậm ba lần được gặp Bác Hồ.

Vâng lời Bác dặn, bà con xã viên Kiều Mai đã tiến hành đào kênh mương dẫn đến từng cánh đồng. Rồi năm 1956, Nhà nước tiến hành cải cách ruộng đất, “dồn điền, đổi thửa”. Chính vì thế mà diện tích đất khai hoang liên tục được mở rộng, năng xuất lúa ngày một tăng.

“Tôi làm Đội trưởng Đội sản xuất số 1, thuộc HTX Tia Sáng (Kiều Mai) từ năm 1956. Khi đó, HTX Tia Sáng có tất cả 4 đội, riêng đội tôi, một trăm phần trăm là nữ. Sáng sớm ngày 6/6/1961, trước khi đi gặt, ông Trác Chủ nhiệm HTX bảo tôi báo với các chị em trong đội mang thêm liềm, quang gánh, vì có cán bộ ở Trung Ương về gặt giúp bà con nên ưu tiên cho đội nữ, chứ không ai biết là Bác Hồ về. Sáng sớm có một đoàn khoảng hơn 20 người mặc quần áo ghi trắng về gặt cho bà con. 

Điều lạ lùng, hai bên hông ai cũng treo lủng lẳng súng lục. Gặt được một lúc, lại thấy một đoàn nữa đến. Tôi ngẩng đầu lên, thì thấy một cụ già mái tóc bạc phơ đang chống gậy đi về phía chúng tôi.

Bác mặc bộ quần áo màu nâu, tay chống gậy, chân đi dép cao su. Vừa đi, Người vừa vẫy tay chào bà con. Thấy Bác Hồ bà con reo lên. “Bác Hồ về, Bác Hồ về kìa bà con ơi!”. Không men theo bờ, Bác vén quần lội hẳn xuống ruộng đang thu hoạch nói chuyện với bà con xã viên. Thấy vậy bà con bảo: “Chúng cháu xin Bác đừng lội xuống ruộng, vì ruộng bùn lầy sâu lắm ạ!”.


	Cây đa được chính tay Bác Hồ trồng tặng cho bà con làng Kiều Mai khi Người về thăm.

Cây đa được chính tay Bác Hồ trồng tặng cho bà con làng Kiều Mai khi Người về thăm.

Bác mỉm cười rồi bảo: “Các cô, các chú đứng dưới ruộng gặt cả ngày còn đứng được, Bác về thăm bà con một lúc rồi Bác lại đi, thì có gì đâu mà không đứng được!”. Rồi Bác đưa tay ngắt ba bông lúa cầm lên vuốt ve xem lúa có chắc mẩy không.

Đột nhiên Bác hỏi một xã viên tên là Bê:

- “Thế cô được mấy cháu rồi?”

- “Dạ thưa Bác cháu được hai cháu rồi ạ”.

- “HTX trả công cho các cô có đủ ăn không?”

Cô Bê vốn tính hơi chậm chạm, lúng túng chưa biết trả lời thế nào, thì cô Tre đứng bên cạnh nhanh miệng bảo:

- “Dạ thưa Bác, chúng cháu đủ ăn ạ!”.

Bác bảo: “Bác không hỏi cô, Bác hỏi cô này cơ mà! Cô là cán bộ Bác không hỏi?!”.

Rồi quay sang các đồng chí bảo vệ Bác góp ý: “Nông dân không ai mặc quần áo trắng mà đi làm! Các chú đi gặt giúp bà con mặc như thế này là chưa phù hợp!”.

Hỏi về kỷ niệm nhớ nhất trong ba lần gặp Bác Hồ, bà Mẫn cho hay: Đang nói chuyện, bỗng một con đỉa to bằng ngón tay cái bám vào chân Bác, cô Nguyễn Thị Hồng nhanh trí chạy lại gỡ con đỉa từ chân Bác ra. Bác cười bảo: “Kệ! nó ăn no nó lại nhả thôi mà!”.

Sau đó khi về đến giếng làng Bác còn căn dặn bà con: “Cuộc kháng chiến còn dài, miền Bắc là hậu phương cho tiền tuyến miền Nam. Để làm được việc này, các cô, các chú phải nhanh chóng “giải phóng đôi vai” cho bà con”.

Trên đường đi cày về, anh Nguyễn Văn Uy gặp Bác, Bác hỏi: “Thế chú có cho trâu ăn no không? Sao nó gầy thế?!”. Rồi Bác nhắc, phải cho trâu ăn no, trâu khỏe mới kéo cày được. Bác căn dặn “khi cày phải hạ cái “xá cày” xuống, đất có sâu thì lúa, hoa màu mới tốt. Để “thưởng” cho HTX Tia Sáng, Bác đã trồng tặng một cây đa ngay cạnh giếng làng.

"Chị Hai 10 tấn" ở giữa Thủ đô Hà Nội

Nhớ lời Bác, dân làng đồng ý chặt bỏ hàng cây sòi để đào mương dẫn nước vào thẳng đồng ruộng, mua được 4 chiếc xe kéo của HTX Đống Đa, để “giải phóng đôi vai” cho người dân. Toàn bộ diện tích trước kia bỏ hoang đã phủ xanh mầu lúa. Từ đó về sau, đồng Cánh Buồm được người dân địa phương đặt cho cái tên mới “Cánh đồng 10 tấn”, thay tên cũ Cánh Buồm là cánh đồng có năng xuất cao nhất lúc bấy giờ.


	Cụ Mẫn và các cụ cao niên trong làng tại giếng làng thôn Kiều Mai.

Cụ Mẫn và các cụ cao niên trong làng tại giếng làng thôn Kiều Mai.

“Không giấu gì anh, cánh đồng lúc đó cũng chưa được 10 tấn/mẫu đâu. Nếu đem so với trước thì năng suất gấp nhiều lần và không biết từ lúc nào cái tên “Cánh đồng 10 tấn” đã được truyền gọi và ai cũng phấn khởi, cố gắng phấn đấu lao động sản xuất. Từ năm 1961, cánh đồng liên tục đạt 10 tấn/mẫu” - cụ Mẫn cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Dung (78 tuổi), Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi làng Kiều Mai, thành viên của Đội sản xuất số 3 khi đó cho biết: Trong 4 đội, thì đội sản xuất số 1 của cụ Mẫn là có năng suất lúa cao nhất. Do cụ có nhiều sáng kiến trong việc cấy và chăm sóc cây lúa. Chính vì thế nên cụ được mọi người đặt cho cái tên trìu mến: “Chị Hai 10 tấn”.

Năm 1962, “Chị Hai 10 tấn” vinh dự được đi dự Đại hội phụ nữ 5 tốt ở Ba Đình (Hà Nội). Chính trong đại hội này, Bác đã tặng chị em phụ nữ “8 chữ vàng”: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”. Ba lần gặp Bác đây không chỉ là niềm vinh dự của cụ Mẫn mà còn là niềm tự hào của con cháu Kiều Mai đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại