Kỳ cuối: Học cách để sống bằng cái do chính mình làm ra

ĐÀO TUẤN |

Trong con mắt ông Bùi Đức Hy, chiến tranh năm ấy “phải nói là dã man, tàn bạo các đồng chí ạ”. Nhưng cuộc chiến ấy không phải chỉ bắt đầu vào năm 1979 và cũng không dừng lại kể cả khi Trung Quốc tuyên bố rút quân.

Có ai nghĩ là súng bắn đạn nổ đâu

Năm ấy, ông Hy là Tiểu đoàn phó tự vệ đơn vị khai thác mỏ Apatit Lào Cai. Tự vệ mỏ được trang bị khá mạnh. 2 trận địa 12,7 ly. Ở Là Phời là trận địa cối 82. Ở đồi 100, thậm chí có cả trận địa 14,5 ly.

Nhưng có cái gì đó giống như là sự ấu trĩ, thậm chí là chủ quan. Phân xưởng cơ khí của mỏ Apatit khi đó được giao thêm nhiệm vụ sản xuất chông 4 cạnh và chuẩn bị sào tre.

“Để làm gì ư? Để chuẩn bị cho việc Trung Quốc đẩy mảng qua sông Nậm Thi thì đẩy trở lại”- ông Hy cười chua chát. “Cứ nghĩ là Trung Quốc chỉ tràn sang khiêu khích lấy thịt đè người. Có ai nghĩ là súng bắn đạn nổ đâu”.

“Chiến tranh đến rất nhanh khi pháo Trung Quốc bắn như thể muốn hủy diệt tất cả. Cũng rất nhanh, lính Trung Quốc tràn về Cam Đường theo cả 3 hướng: Dọc quốc lộ 4E từ Lào Cai xuống. Cánh vu hồi từ Cốc San qua Củm Thượng, Củm Hạ xuống Tà Phời, Hợp Thành.

Cánh thứ 3 dọc theo Sông Hồng về Làng Giàng, bao vây toàn bộ khu mỏ. Chiến tranh, ấy là cảnh chạy loạn khi già trẻ lớn bé hốc hác hoảng hốt từ Lào Cai kéo về. Chiến tranh, ấy là pháo đuổi thốc theo chân. Ấy là lửa cháy khắp nơi.

Cầu Làng Giàng được khôi phục sau chiến tranh (Ảnh tư liệu mỏ Apatit)
Cầu Làng Giàng được khôi phục sau chiến tranh (Ảnh tư liệu mỏ Apatit)

“Tôi bàn với lãnh đạo mỏ đặt thuốc mìn dọc theo đường 4E. Lúc đó, tiểu đoàn trưởng Ứng không đồng ý vì chưa có lệnh ở trên. Không ai nghĩ Trung Quốc đánh mình ác thế”- lời ông Hy. Chỉ trong ngày 18.2, pháo Trung Quốc đã san bằng khu Cầu Gồ.

Khu Cung ứng trúng pháo cháy sạch. Rồi pháo bắn đến khu Vườn Ươm. “Chúng tôi được lệnh rút về Khe Lách”. Tự vệ mỏ, nói thật suốt chiến tranh chống Mỹ chưa bắn phát súng nào khi cả cuộc chiến tranh chỉ có 1 lần duy nhất máy bay Mỹ lượn qua Lào Cai.

Khi Trung Quốc rút, những người thợ đã ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh điêu tàn. Theo ông Hy ngày đó Mỏ đang có chương trình “khôi phục đất mỏ” với nhiều thiết bị hiện đại, nào là cẩu 125 tấn, xe zin…

Nhưng tất cả những thiết bị có thể lấy bị lính Trung Quốc lấy hết. Những thiết bị nặng không lấy được thì đốt hết, phá hết. Khu hành chính, các phòng thí nghiệm bị phá nát. Các phân xưởng bị đánh sập. Nhà máy nghiền, nhà máy phân lân bị đốt cháy.

Trạm điện 35KV bị phá tan tành. Chiếc cầu nối đường sắt qua con suối chảy ra từ làng Cóc cũng bị lính Trung Quốc đánh sập.

Hệ thống vận chuyển của cả 5 khu mỏ không nơi nào còn đến 1m lành lặn. Quặng Apatit mới khai thác bị cướp mang về TQ. Ngay cả những chiếc máy xúc, không lấy được, bị lính Trung Quốc cài mìn phá nát.

Cả vùng mỏ trở thành bãi hoang tàn khắp nơi nghi ngút khói. Cam Đường, thị xã của công nhân mỏ nói chính xác là bị xóa sổ hoàn toàn. Nhà văn hóa bị ốp mìn nổ tan tành. Khu bách hóa tổng hợp bị lấy hết hàng hóa.

Ngân hàng, nhà văn hóa bị cướp, bị đốt. Xà cừ bị pháo bắn nát đổ đầy đường. Khu Cầu Gồ, khu Poon Hán, khu Bắc Lệnh đâu đâu cũng cháy. Trường phổ thông, vừa khánh thành được hơn 1 tuần, bị lính TQ giật mìn phá đổ.

Hội trường lớn, rạp chiếu bóng, thư viện công nhân không còn một viên gạch lành. Bệnh viện mỏ bị thu vét toàn bộ thuốc men, dụng cụ y tế.

Toàn bộ hệ thống đường sắt Lào Cai- Phố Lu cũng như đường sắt của mỏ bị lính Trung Quốc ốp mìn đánh thủng ray.

Ông Trần Đình Văn, Chủ tịch Công đoàn mỏ, nguyên lính thời chống Mỹ còn nhớ như in hình ảnh những thanh tà vẹt đường sắt “cứ hơn 1 gang tay bị đánh đứt thủng một lỗ” mà mãi đến những năm 82 vẫn phải đi dỡ về vì đánh thủng như vậy thì chỉ có vứt đi chứ không làm gì được.

Dường như sự phá hoại đã được tính toán rất kỹ. Như ở cầu Làng Giàng, lính Trung Quốc đặt mìn phá đúng mố và trụ cầu. Kiểu phá hoại khiến sau chiến tranh, cây cầu không thể khôi phục.

Ông Vũ Quang Tụng, nguyên TGĐ mỏ Apatit Lào Cai thở dài rằng đây là lần thứ hai mỏ phải đóng cửa. Đến giờ ông vẫn không hiểu chiến tranh lại là một cuộc phá hoại tàn khốc đến như vậy.

Quá khứ đau mấy thì thời gian cũng sẽ chữa lành

Thống kê sau chiến tranh cho thấy chỉ trong 30 ngày của cuộc chiến đã có 4 thị xã, 320 xã bị phá huỷ. 735 trường học, 428 bệnh viện, bệnh xá, 41 nông trường và 38 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ bị phá và cướp.

400.000 con trâu bò lợn bị giết và cướp. Và diện tích hoa màu bị phá huỷ lên tới 80.000 ha. Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân ở 6 tỉnh biên giới bị mất nhà cửa và tài sản, phương tiện sinh sống.

Tạp chí Tuần tin tức của Mỹ số ra ngày 21.3.1979 nhận xét : “Điều thực sự mà Trung Quốc muốn là làm cho Việt Nam bị kiệt quệ cả về quân sự và kinh tế và điều này sẽ diễn ra lâu dài”.

Cuộc chiến ấy thật ra đã bắt đầu từ trước đó 1-2 năm.

Cố giáo sư Đặng Phong, trong một cuốn biên niên sử về kinh tế cho biết việc Trung Quốc chấm dứt hoàn toàn viện trợ kinh tế vào năm 1978 đẩy cả nước vào tình trạng túng thiếu, khó khăn khi khoản viện trợ, vào khoảng 300-400 triệu USD/năm, gồm hầu hết các mặt hàng rất quan trọng như gạo, sợi, đường, sữa và hàng tiêu dùng như thuốc men, vải vóc.

Cuộc chiến ấy cũng chưa dừng lại sau năm 1979.

Bởi 12 sư đoàn Trung Quốc và hàng chục trung đoàn độc lập áp sát biên giới liên tục gây căng thẳng, tiếp tục lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở mọi quy mô và các cuộc chiến đẫm máu tại Vị Xuyên khiến Việt Nam phải duy trì một lực lượng quân sự lớn để bảo vệ đất nước.

Nhưng cũng từ sau chiến tranh biên giới, người Việt một lần nữa được học lại bài học quý giá.

Đó là việc thoát khỏi sự lệ thuộc về kinh tế, mà rất thời sự, vừa được nhắc tới tại Quốc hội khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam.

GS Đặng Phong có lẽ đã mỉm cười khi trích dẫn trong cuốn sách của mình câu nói nổi tiếng của GS Trần Phương thời kỳ đó “Bây giờ người Việt Nam phải học cách để sống bằng cái do chính mình làm ra”.

Tháng 2 năm nay, chúng tôi bắt gặp ở Sapa một đôi nam nữ người Trung Quốc tới du lịch. Chàng trai tên Yang cười hiền lành giơ lên hai ngón tay cái bảo rằng “Chúng ta là bạn bè”.

Còn ở Cầu Kiều, Lào Cai, giờ người xe cả Việt lẫn Trung tấp nập qua lại. Quá khứ đau đến mấy thì thời gian cũng có thể chữa lành.

Chỉ có điều bài học thì không thể quên. Vì đó là những bài học đúc kết từ lịch sử mấy ngàn năm mà cha ông ta xưa thậm chí đã đưa vào huyền sử để nhắc nhở con cháu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại