Kỳ 2: Từ câu chuyện của cầu Lai Vân- cây cầu “hữu nghị” bị đánh sập

Đào Tuấn |

Chiến tranh biên giới chỉ diễn ra ở Sapa trong 3 ngày, rất ngắn trong cuộc chiến 30 ngày năm 1979 nhưng với nguyên Phó Chủ tịch huyện Sapa bà Thào Thị Say thì Sapa năm 1979 chỉ còn là một đống gạch vụn đúng nghĩa.

“Vườn tỏi không còn 1 nhánh. Ao cá không còn con nào. Rừng thông cháy hàng tuần. Lá thông tươi là thế mà cháy khói ngút giời. Các biệt thự, nhà an dưỡng, thậm chí cả trạm vật lý địa cầu, đài liệt sĩ cũng bị lính Trung Quốc giật mìn phá nát”.

Cuộc chiến 3 ngày và Sa pa tay trắng

Bà Say hôm đó bỏ lại 5 đứa con ở nhà khi đôn đáo khắp nơi lo sơ tán cho dân. “Tôi đưa dân qua Tả Van, Séo Mí Tỷ, qua Dền Thàng, Phố Mít để về Than Uyên. Nói là sơ tán thật ra là chạy khi nghe pháo đuổi.

Chưa kịp dừng chân thì lính Trung Quốc đã đến sau lưng”.

Từng có mặt trong cả 3 lần tiễu phỉ với những cái tên khét tiếng Châu A Mùa, Giàng A Ghi, từng đối mặt với hiểm nguy và cái chết nhưng bà Say vẫn như rùng mình khi nhớ lại sự ác liệt của chiến tranh năm ấy.

Chính tay bà ôm xác tiểu đoàn trưởng người Tày Bế Văn Sào. Chính tay bà - dàn dụa nước mắt đưa tiễn người đồng đội - anh hùng liệt sĩ Phạm Xuân Huân. Chính tay bà dựng lại nghĩa trang liệt sĩ sau khi địch bị tàn phá.

Hồi đó việc đầu tiên sau chiến tranh là việc huy động nhân dân góp tiền xây dựng lại nghĩa trang bởi nghĩa trang cũng bị địch tàn phá.

Nhưng dân cũng còn gì đâu. Tất cả chỉ được 60 đồng. Tôi lên báo cáo quân đoàn. Họ cho tiểu đoàn 7 giúp tôi 1 tháng. Lấy chỗ cho 360 liệt sĩ trong cuộc chiến 3 ngày ấy. Dân Sapa sau chiến tranh chỉ còn lại hai bàn tay trắng.

“Tôi về lại Sapa ngay từ hôm hăm hai, cũng là một ngày khô hanh như thế này”- bà Say nhớ lại- “và cảnh tượng đập vào mắt những người trở lại là khung cảnh tan hoang. Hầu hết các biệt thự, nhà nghỉ, kể cả “biệt thự Phạm Văn Đồng” bị lính Trung Quốc ốp mìn phá tan.

Trạm vật lý địa cầu ngay gần thác nước, nơi cung cấp thông tin thời tiết cho cả phía Trung Quốc cũng bị đốt phá. Cột điện, nhà cửa, cầu cống bị phá hết.

Toàn bộ tài sản của dân bị lấy. Đến nồi niêu xoong chảo cũng bị chọc thủng. Rừng thông trăm năm cháy hàng tuần lễ”.

Nguyên Phó Chủ tịch huyện Sapa bà Thào Thị Say: Các biệt thự, nhà an dưỡng, thậm chí cả trạm vật lý địa cầu, thậm chí cả đài tưởng niệm liệt sĩ cũng bị lính Trung Quốc giật mình phá nát 

 

36 năm, chị Lan, con gái lớn của bà Say vẫn chưa quên ngay cả vườn tỏi cũng bị lấy đến không còn một nhánh. “Tôi giấu cây đàn của cha lên gác xép. Và đó là vật duy nhất không bị lưỡi lê chọc thủng”- chị Lan nhớ lại. Cha đi công tác.

Mẹ sơ tán dân. Chị Lan năm ấy được “ông Vụ”- một người hàng xóm chạy qua hét to rằng “Trung Quốc vào Sapa rồi”. Thế là 5 chị em dắt díu nhau chạy. “Người ta đi đâu thì mình đi đấy”.

Câu chuyện đầy hàm ý về cầu Lai Vân

Sử gia người Mỹ gốc Hoa King C. Chen, trong cuốn “Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979” được xuất bản tại Mỹ dẫn “Bản báo cáo sau cuộc chiến” (từ phía Trung Quốc) cho biết: Cầu ở mọi nơi đều bị giật sập. Đường bị đặt mìn và phá hủy.

Bệnh viện ở Lào Cai, Lạng Sơn và Cao Bằng bị phá hủy. Tại cả 3 thành phố mọi thứ đều bị tàn phá và mọi vật đều vắng lặng. 80% nhà cửa bị phá hủy.

Không còn một cột điện nào ở trong hay ngoài 3 thành phố. Nước bị thiếu trong toàn khu vực và điện bị cắt. Những làng mạc xung quanh cũng đều bị tàn phá.

Cũng vào ngày 22.2, ở Phong Thổ, Lai Châu, bà Đèo Thị Ly, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Trưởng công an xã Mường So trở lại Mường So sau khi lính Trung Quốc rút đi.

Thị trấn huyện lỵ cháy nghi ngút. Mường So với hơn 1000 nóc nhà không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn. Nhà ủy ban bị nổ mìn. Cầu bị đánh sập. Bản Phên Đen bị đốt trụi. “Hồi đấy mất nhiều lắm, mất đến không còn gì mà thống kê.

Riêng Mường So hơn 30 tấn lợn gà không còn một con”- bà Ly nói. Ngày 24.2, nữ Phó Chủ tịch đến bản Huổi Sen của người Nhắng. “Tôi còn nhớ như in sự hãi hùng khi ấy.

Bà con ôm nhau khóc kể lại chuyện lính Trung Quốc gí súng vào đầu truy hỏi “cán bộ”, truy hỏi người Kinh. Cô giáo cắm bản, tên Thúy, phải giả ốm, mặc quần áo người Nhắng để cải trang.

Người Nhắng khóc còn vì cả 13 nóc nhà chạy rụi, màn trời chiếu đất, nhà cửa, lợn gà, tài sản thóc lúa hoăc bị cướp, hoặc bị đốt không còn chút gì.

Phong Thổ là một trong những thị trấn gần như bị xóa sổ trong chiến tranh 1979. Hàng vạn quả đạn pháo nã suốt dải Ma Li Pho, Pa Nậm Cúm, Sò Lờ Lầu, Mù San, Vàng Ma Chải, Huổi Luông, Giào San đã khiến hàng ngàn nóc nhà bị cháy.

Ở Sì Lờ Lầu, một cửa hàng bách hóa của thương nghiệp trị giá hơn 50.000 đồng bị vét sạch. Kho lương thực 150 tấn thóc và hàng trăm lợn của một trại chăn nuôi cũng bị cướp trắng.

Nhà máy điện bị lính Trung Quốc giật mìn phá sập. Cầu Lai Vân, Nậm Cáy bị đánh sập. Cơ quan huyện ủy, ủy ban, cửa hàng ăn uống, cửa hàng bách hóa, bệnh viện, hiệu sách, trường học, nhà mẫu giáo đều bị ốp bộc phá giật đổ.

Sau chiến tranh, Phong Thồ gần như không thể tự gắng gượng khi cơ sở vật chất gần như bằng 0.

“Bà con chủ yếu sống nhờ cây lúa”- Lời bà Ly, “nhưng khôi phục sản xuất là rất khó khi đất thì đầy bom mìn, thùng không còn dù một hạt giống. Huống chi sự kinh sợ chiến tranh khiến Phong Thổ gần như vắng bóng dân”.

Khi ấy, Tỉnh ủy phải có chủ trương đón đồng bào miền xuôi lên xây dựng kinh tế mới. Tháng 9, bà Ly theo đoàn đi Thái Bình vận động được 35 hộ ở Tiền Hải lên Phong Thổ. “Đón được là đưa về ngay”. Dân nhìn sợ lắm.

Chỗ nào cũng cháy, cũng hoang hóa, không có người nữa. Khi đưa dân lên rồi thì cả huyện, xã phải đi vận động từng lon gạo, quả chuối, búp đu đủ giúp bà con có cái ăn, từng cây tre sợi lạt để dựng nhà.

Sau khi Trung Quốc rút quân, cuộc chiến ngắn ngủi nhưng khốc liệt đã để lại cho Lai Châu những hậu quả hết sức nặng nề.

Thiếu thốn đến mức Ủy ban hành chính khi đó phải ra chỉ thị (số 06 ngày 26-3-1979) mở cuộc vận động giúp đỡ nhân dân vùng chiến sự quyên góp gạo thóc chăn màn… quyết tâm không để một người dân nào bị đói, bị rét.

Nguyên Phó Chủ tịch Lai Châu Điêu Chính Tuệ, cuối câu chuyện với chúng tôi kể lại đầy hàm ý câu chuyện cây cầu Lai Vân bị đánh sập. Cầu Lai Vân do các bạn Trung Quốc giúp ta xây dựng.

Cái tên Lai Vân, được ghép từ hai tỉnh Lai Châu và Vân Nam (Trung Quốc) để ghi nhớ tình hữu nghị. Nhưng ngay khi chiếm Phong Thổ, việc đầu tiên là lính Trung Quốc ốp mìn phá sập cây cầu.

Không có gì là bền chặt cả và cuộc chiến tranh với việc hủy diệt có hệ thống cơ sở hạ tầng và nền kinh tế các tỉnh biên giới, rất rõ ràng, nhằm đẩy nền kinh tế của ta tới chỗ sụp đổ.

Kỳ cuối: Học cách để sống bằng cái do chính mình làm ra

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại