Kỳ 3: Sự tích núi Ba Hòn với vết chân Cuội khổng lồ

Phong Thu - Hồng Thanh |

(Soha.vn) -Từ khi núi Ba Hòn bị giặc Pháp chiếm đóng, người dân Cấm Sơn phải mất rất nhiều công sức và xương máu mới giành lại được.

Vết chân của Cuội

Câu chuyện lần này, chúng tôi được ông Nông Thế Viên (SN 1965), trưởng khối văn xã Cấm Sơn chia sẻ rất cởi mở bởi thôn Cấm chính là nơi ông đã sinh ra và trưởng thành. Ông Viên cho biết: Trẻ con ở Cấm Sơn, nhất là những thôn nằm trong khu vực lòng hồ, từ lúc còn nhỏ, thay vì những câu chuyện cổ tích như trong sách vở thì lại được ông bà cha mẹ kể lại cho nghe nhiều sự tích rất hay ở chính nơi mình đang sinh sống. Sự tích núi Ba Hòn cũng là một trong những câu chuyện đầy sức hấp dẫn như thế.

Chuyện rằng, xưa, khi vùng núi Lục Ngạn vẫn còn hoang sơ không bóng người qua lại, cảnh non nước hữu tình, tuy chưa có lòng hồ như bây giờ nhưng dòng suối Cấm và dòng Phong Vân chảy từ hướng Lạng Sơn về len lỏi qua rất nhiều sườn núi đã tạo cho không gian nơi đây vẻ đẹp sơn thủy hữu tình. Suối trong xanh chảy suốt quanh năm không bao giờ cạn, núi đồi cũng xanh tốt quanh năm mơn mởn sức sống chứ không khô cằn như bây giờ. Vẻ đẹp hoang sơ ấy đã khiến chú Cuội trên cung trăng cũng phải xao lòng.  Mỗi lần dạo chơi trần gian, Cuội lại lui tới khu vực Cấm Sơn này, thả hồn mình vào với không gian núi rừng trong sạch, tĩnh lặng. Một lần Cuội sơ ý, đang ngắm cảnh núi non thì vấp ngã. Cuội đặt ba bước chân xuống núi mà thành hố sâu khiến nước từ khe suối cứ dồn đầy vào đó. Bước chân của Cuội to, nước chảy lâu dần mà thành hồ rộng.

Sau này khi ngăn đập để tạo lòng hồ, con người cứ theo vết chân ấy mà chọn địa điểm vì người ta quan niệm rằng vết chân của Cuội như một sự tiên tri về tiềm năng thủy lợi của lòng hồ, hồ sẽ không bao giờ cạn nước, cung cấp đủ nguồn thủy lợi cho không chỉ khu vực Lục Ngạn mà còn cả Bắc Giang nữa.

Đảo Ba Hòn nhìn từ xa
Đảo Ba Hòn nhìn từ xa

Câu chuyện ấy chỉ lưu truyền trong dân gian, và chẳng có bằng chứng nào ghi lại hình ảnh chú Cuội trên cung trăng đã từng một lần du ngoạn ở khu vực lòng hồ này. Nhưng đến nay trên thực tế vẫn có ba vùng sâu lõm ở khu vực lòng hồ hình dáng tựa một bước chân người nhưng to gấp mấy chục lần bước chân của một người lớn. Ngày nước ngập thì khó nhìn thấy nhưng vào mùa nước cạn, có thể thấy rõ ba bước chân của Cuội ở xung quanh núi Ba Hòn. Đặc biệt hơn nữa, giữa rất nhiều đảo hoang mọc rải rác ở khắp lòng hồ, có một ngọn núi chung chân bám sâu dưới đáy hồ nhưng lại tách thành ba ngọn có độ lớn và độ cao gần như bằng nhau với tư thế của kiềng ba chân.

Từ những điều đó mà người ta lại càng tin rằng núi Ba Hòn là một địa danh kỳ bí ở trong vùng. Dù ai đi đâu khi về lại quê hương cũng muốn lênh đênh trên chiếc thuyền nan chèo bằng tay đi vòng quanh khu vực núi Ba Hòn. Người dân nơi đây lấy nó làm biểu tượng cho sự bền vững, cho lòng kiên trì bám hồ bám núi mà sống qua bao đời nay vượt lên trên mọi khó khăn và gian khổ. Từ khi núi Ba Hòn bị giặc Pháp chiếm đóng và phải mất rất nhiều công sức máu xương người dân Cấm Sơn mới giành lại từ tay giặc giã khiến họ càng tin rằng Ba Hòn chính là biểu tượng cho ý chí và sức sống quật khởi của người Cấm Sơn.

Biểu tượng của sức mạnh anh hùng quật khởi

Người dân Cấm Sơn hầu như ai ai từ trẻ con lên năm lên ba đến những người đã gần đất xa trời vẫn cứ thuộc lòng câu ca: “Cấm sơn có núi Ba Hòn/ Có đoàn du kích lên non diệt thù”. Nhân chứng sống là những cựu du kích đã trực tiếp chiến đấu một thời oanh liệt ấy giờ không còn nhiều. Theo thống kê mới đây nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Trung đội Du kích Ba Hòn (8/11/1947 – 8/11/2012) của UBND xã Cấm Sơn được Chủ tịch xã Nông Văn Phụng (SN 1972) cho biết: “Cho đến nay chỉ còn lại 6 cụ, trong đó, minh mẫn nhất là cụ Nguyễn Văn Sàng (SN 1929) trong đội quân du kích làm nên chiến tích anh hùng”.

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến khu chợ Tân Sơn nơi ông Sàng sinh sống để nghe ông kể lại chiến công một thời. Ông Sàng nhớ lại: Năm 1947, thực dân Pháp tràn về khu vực Lạng Sơn và chiếm đóng núi Ba Hòn thuộc lòng hồ Cấm Sơn vì Cấm Sơn là một trong những vị trí đắc địa của huyện, thông qua đèo Quao sang Lạng Sơn rất gần. Trên địa bàn có 15 chốt chiếm đống của địch thì có tới 7 chốt nằm trên địa bàn Cấm Sơn.  Riêng thôn Cấm, đội du kích cả vài chục người đã được lập ngay sau khi chốt Pháp hình thành.

Hàng ngày, đội có nhiệm vụ đi sâu vào khu vực chốt của địch, dùng súng bắn về phía địch với mục đích để địch nhả vợi đạn, giúp cho bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương tấn công phía sau tiêu hao sinh lực địch. “Chúng tôi bắn nó một thì chúng nó sẵn sàng nhả ra cả trăm viên. Chốt của chúng cách làng chỉ chừng cây số, đạn bay khắp vào nhà cửa, ngồi ăn cơm mà nghe chíu chíu trên đầu. Thế nhưng người làng Cấm Sơn không ai sợ mà ngược lại chí căm thù càng dân cao hơn. Không những cung cấp lương thực nuôi bộ đội, che giấu cán bộ, dân Cấm Sơn cũng như du kích còn khiến địch mệt mỏi, rã rời bởi không một ngày nào chúng tôi không đi quấy rối chúng năm, bảy lượt”.

Ông Nguyễn Văn Sàng trò chuyện với phóng viên
Ông Nguyễn Văn Sàng trò chuyện với phóng viên

Trong ký ức của những người du kích năm xưa, hình ảnh giặc Pháp chạy nháo nhào trước đòn quấy rối đặc thù của dân quân du kích vừa là chiến công, lại vừa mang những chuyện hài hước. Ông Sàng cho biết: “Cũng có lúc, chúng tức quá, thấy chúng tôi vừa lấp ló, bắn sang nửa chốt của chúng vài âm thanh lèo tèo thì chúng đã bố trí cả một lực lượng hùng hậu sẵn sàng một phen sống mái với chúng tôi. Nhưng trên thực tế, có khi đội chúng tôi chỉ cử một vài người ra bắn tia vài phát đạn để cho chúng tức lên mà xả đạn liên hồi. Đạn càng nhanh hết bấy nhiêu thì quân chủ lực của ta khi đánh úp càng thuận lợi bấy nhiêu”.

Ngày 22/7/1949, du kích Ba Hòn đã phục kích địch trên đường từ Sơn Động qua đèo Quao, tiêu diệt 11 tên, bắn bị thương 7 tên và thu 10 khẩu súng. Ngày 11/3/1950, du kích Ba Hòn phối hợp với đại đội 243 đánh mìn, phá hủy 1 ô tô và bắt 20 tên địch. Trong chiến dịch Biên Giới 1950, đội du kích đã tham gia bảo vệ phòng thám báo, thổ phỉ biệt kích. Đến cuối năm 1950, khi chiến dịch Biên Giới thắng lợi, giặc Pháp rút hết khỏi địa bàn, Cấm Sơn hoàn toàn được giải phóng nhưng sau nhiều năm chiến tranh tiếp theo đội du kích Ba Hòn vẫn duy trì hoạt động tại địa phương. Vì những chiến công đó mà đến năm 2010, xã Cấm Sơn đã được xét tặng danh hiệu xã anh hùng.

Huyền bí hồ trên núi lớn nhất miền Bắc (kỳ 1)

(Soha.vn) - Chàng trai có biệt tài thổi sáo hay, cứ lúc dừng nghỉ trên sườn đồi lại mang cây sáo ra thổi chơi. Tiếng sáo ấy đã khiến nàng công chúa si mê…

Kỳ 2: Truy lùng thủy quái nơi hồ trên núi

(Soha.vn) - Đang ngồi bàn chuyện sinh nhai mùa cá mới thì nghe tin có một con cá trắm to khoảng 1 tạ lọt vào chuồng lưới của xí nghiệp cá, nhưng rồi để sẩy mất.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại