Gian nan tìm ... cái đẹp
Là hồ nhân tạo có diện tích lớn nhất miền Bắc (khoảng 2700 ha), hồ Cấm Sơn của huyện Lục Ngạn mang trong mình niềm tự hào của người dân Bắc Giang. Ẩn chứa nơi lòng hồ ấy là rất nhiều những câu chuyện kỳ bí, hấp dẫn khiến ai ai khi nghe đến cũng đều muốn kiếm tìm khám phá và trải nghiệm.
Ngược hướng Bắc Giang chừng 70km, con đường đèo Quao rải đầy đá cấp phối dài khoảng hơn 12 km thuộc địa phận xã Quan Sơn, Chi Lăng, Lạng Sơn dẫn chúng tôi vào với Cấm Sơn.
Thực ra, ngoài cung đường trên còn có hai con đường khác dễ dàng hơn để vào đến lòng hồ nhưng với triết lý của những người thích khám phá và ưa mạo hiểm, “con đường nào cũng dẫn đến La Mã”, chúng tôi thử sức tay lái với cung đường ngắn nhất để có thể nhanh chóng thỏa trí tò mò về hai tiếng Cấm Sơn. Quả thật, đường đổ đèo chưa bao giờ nguy hiểm đến thế.
Vượt qua hơn 12km vượt đèo Quao thuộc địa phận Lạng Sơn, khi đổ đèo vừa hết dốc chúng tôi đã đã đặt chân đến đất Lục Ngạn, Bắc Giang. Từ trung tâm xã Cấm Sơn, chúng tôi tiếp tục băng qua chừng 14 km đường đất đỏ, dốc núi quanh co để đến với lòng hồ. Trải qua một chặng đường khá gian nan nhưng khi đón nhận được những cơn gió đầu tiên từ phía lòng hồ Cấm Sơn thì cảm giác khoan khoái nhẹ nhàng nhanh chóng xâm lấn.
Để được hiểu rõ hơn về hồ Cấm Sơn, chúng tôi đã tìm gặp ông Nông Văn Phụng, Chủ tịch xã Cấm Sơn. Ông Phụng cho biết: Hồ Cấm Sơn được hình thành sau khi đập Cấm Sơn (thuộc xã Hòa Lạc, Hữu Lũng, Lạng Sơn – PV) được đắp xong vào năm 1967 sau 3 năm khởi công. Cấm Sơn là hồ nhân tạo lớn nhất miền Bắc, với diện tích hơn 2700 ha trải dài trên địa phận 4 xã: Cấm Sơn, Tân Sơn, Sơn Hải và Hộ Đáp. Hồ Cấm Sơn có tiềm năng du lịch rất lớn. Tuy nhiên vì giao thông chưa thuận lợi nên Cấm Sơn vẫn là lòng hồ gần như bị bỏ quên trong danh sách du ngoạn ưu thích của nhiều người”.
Ông Phụng cũng khẳng định: “Chỉ cần cải thiện được vấn đề đường sá, sau vài năm nữa, tôi tin chắc nơi đây sẽ là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của bản đồ du lịch Việt Nam. Hồ nằm trên dải núi cao với diện tích rộng, vẻ đẹp hoang sơ hầu như chưa được khai thác, khí hậu trong lành, không gian yên tĩnh. Chính cái vẻ đẹp chưa bị đụng chạm biến thái bởi bàn tay con người là ma lực thu hút những ai ưa khám phá thiên nhiên hoang dã”.
Huyền tích nàng tiên
Với địa thế hồ trên núi đặc biệt, lại có cảnh đẹp say mê lòng du khách bốn phương, từ xưa đến nay đã có không ít câu chuyện li kì xuất phát từ lòng hồ này. Tiếp xúc với một vài vị cao niên trong làng chúng tôi dược biết, tích xưa kể rằng, Lục Ngạn là một vùng núi hoang vu không bóng người qua lại.
Một ngày nọ, có nàng công chúa rất xinh đẹp trên trời vô tình ghé xuống mảnh đất này. Nàng đã gặp chàng trai rất khôi ngô tuấn tú đang kiếm củi trên rừng. Chàng trai có biệt tài thổi sáo hay, cứ lúc dừng nghỉ trên sườn đồi lại mang cây sáo ra thổi chơi. Tiếng sáo ấy đã khiến nàng công chúa si mê. Nàng đem lòng yêu thương mà không biết rằng chàng trai cũng từng là người thiên giới, vì mang tội bất hiếu với cha mà bị Ngọc Hoàng đày xuống hạ giới ba năm phải tự mình kiếm sống, không được giao tiếp với ai.
Ẩn chứa nơi lòng hồ là những câu chuyện kỳ bí , hấp dẫn...
Sau ba năm khổ ải sẽ được hoàn thiên. Chẳng ngờ đến ngày mãn hạn phạt, chàng trai vô cùng phấn khởi, lòng háo hức liền mang sáo ra thổi. Nàng công chúa thấy thế liền chạy đến bày tỏ tình yêu. Chuyện đến tai Ngọc Hoàng nên chàng trai đã mãi mãi không được quay lại làm người thiên giới nữa. Chàng trai buồn lòng, cứ thế ngồi nhiều ngày không ăn không ngủ mà biến thành ngọn núi cao. Cô gái ân hận, ngồi cạnh chàng trai mà khóc, nước mắt nhỏ xuống mãi mà thành dòng suối Cấm chảy men theo sườn núi chàng trai. Từ đó, để tưởng nhớ tình cảm vụng trộm mà sâu sắc của cô gái, người dân mới gọi vùng đất này là đất Cấm Sơn.
Câu chuyện đậm chất liêu trai ấy dường như không nhiều người biết và cũng không rõ có từ bao giờ. Có người cho rằng, đó chỉ là những lời truyền miệng của dân gian để Cấm Sơn thêm đẹp, thêm hấp dẫn lòng người.
Cũng chính từ lòng hồ rộng nhiều tiềm năng, rất nhiều những câu chuyện bí ẩn đã được dệt nên. Theo sử sách Cấm Sơn thì trước đây, Cấm Sơn đâu đâu cũng thấy đền, chùa, đình. Ở mỗi làng mỗi xóm đều có những câu chuyện linh thiêng.
Tuy nhiên, thời Pháp thuộc chiếm đóng và tàn phá, giờ chỉ còn lại ngôi đền duy nhất là đền Tính, nằm giữa lòng hồ và ít người quan tâm đến. Chính bởi thế, mà đã có biết bao nhiêu điển tích và những câu chuyện đời thường của người dân khu vực lòng hồ Cấm Sơn, cho đến nay vẫn luôn là niềm tự hào khiến Cấm Sơn có một sức hút ma lực với người bốn phương...
(Còn nữa)