Ổ sán choán hết gan
Bệnh nhân N.Đ.T. (Nghệ An) được chuyển lên xe cấp cứu tới GS.TS Nguyễn Văn Đề, giảng viên Trường đại học Y Hà Nội, trong tình trạng hấp hối người gầy đét, bụng trướng to, lơ mơ mất tri giác. Trước đó T. bị sốt, trướng và đau bụng, được gia đình đưa đi cấp cứu.
Điều trị tại bệnh viện tỉnh không có kết quả, T. được chuyển viện lên tuyến trung ương. Kết quả CT, chụp cộng hưởng từ xác định ung thư gan lan tràn kín gan (đa ổ) không còn khả năng cứu chữa, được bệnh viện trả về. Gia đình cũng đã chuẩn bị hậu sự.
Người bố từ nước ngoài về gấp, may mắn được cô giáo đến chơi kể chuyện một người trong gia đình cũng được chẩn đoán ung thư gan nhưng sau xét nghiệm lại hóa ra bệnh ký sinh trùng. Người bố đã gọi xe cấp cứu đưa con ra Hà Nội đến chỗ GS.TS Đề.
Kết quả siêu âm các khối u giống hình ảnh ổ sán, xét nghiệm máu tỷ lệ dương tính sán lá gan lớn rất cao. Sau ba đợt điều trị, khối u đã hết, bệnh nhân khỏe mạnh trở lại, tăng hơn 10kg.
Tương tự, bà N.T.K. (52 tuổi, Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) được kết luận ung thư gan giai đoạn cuối, khối u 12 cm, không thể điều trị... Bà được gia đình đưa đến Trường đại học Y Hà Nội trong tình trạng sốt cao, mê man không biết gì.
Kết quả xét nghiệm khối ung thư gan của bà chính là tổ của sán lá gan lớn. Sau một thời gian điều trị, bà đã khỏi bệnh.
GS.TS Đề cho biết thực tế có rất nhiều bệnh nhân bị sán lá gan lớn được chẩn đoán nhầm là ung thư gan. Sán lá gan lớn Fasciola trước khi vào ký sinh trong đường mật đã phá hủy tổ chức gan, gây ra những ổ tổn thương dạng u hay apxe với tổ chức hoại tử không đồng nhất.
Đặc biệt, bệnh sán lá gan lớn có khi gây nên những triệu chứng cấp tính rầm rộ như sốt, đau hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị nên dễ nhầm với các bệnh về gan mật hoặc dạ dày.
Người bệnh mệt mỏi, kém ăn, rối loạn tiêu hóa, xét nghiệm máu bạch cầu ái toan tăng, siêu âm phát hiện các tổn thương về gan, nhưng cũng có khi không biểu hiện triệu chứng gì, chỉ khi khám sức khỏe định kỳ phát hiện khối u trong gan.
Hoặc có trường hợp chỉ mẩn ngứa, nổi mề đay hay ho kéo dài, thậm chí có trường hợp còn tràn dịch màng phổi hay màng tim hoặc u phổi. Hậu quả bệnh sán lá gan lớn có thể dẫn tới tử vong do vỡ bao gan, xuất huyết hoặc sốc nhiễm trùng do viêm phúc mạc...
Lạc chỗ, chu du khắp nơi
Theo GS.TS Đề, ngoài chuyện sán lá gan lớn dễ nhầm lẫn với u gan và ung thư gan, còn có những con sán lá gan lớn đục xuyên từ gan ra bên ngực, rồi chui vào tuyến vú gây bệnh cảnh giống như apxe vú (sưng, nóng, đỏ, đau) nhưng chọc dò hút mủ lại không có mủ.
Sau đó vài hôm, sán lá gan lớn tự chui ra ngoài qua lỗ chọc dò và bệnh nhân bắt được.
Đó là trường hợp bà N.T.H. (57 tuổi, ở Quảng Bình) với con sán lá gan lớn có kích thước 1x2cm, còn cử động khỏe... Hoặc bệnh nhân L.T.H. (11 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội) bị khối u ở gan, sau đó sưng to khớp gối và có con sán lá gan lớn chui ra từ khớp gối...
Loại sán này chủ yếu ký sinh ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu, lạc đà... và có thể ký sinh gây bệnh ở người. Sán ký sinh trong hệ thống gan mật, chúng đẻ trứng theo dịch mật xuống ruột và theo phân ra ngoài môi trường.
Ở ngoài môi trường, trứng sán rơi xuống nước, nở ấu trùng lông chui vào ốc thích hợp (ốc Lymnae - loài ốc không có nắp) phát triển thành ấu trùng đuôi bơi tự do trong nước và bám vào rau cỏ thủy sinh.
Người hay ăn sống thực vật thủy sinh như rau ngổ, rau cải xoong, rau muống nước, rau cần hay uống nước lã có ấu trùng... sẽ bị nhiễm bệnh.
Khi ăn phải ấu trùng sán lá gan lớn vào đường tiêu hóa, sau một giờ ấu trùng thoát kén và xuyên qua thành ruột. Sau hai giờ xuất hiện trong ổ bụng, chúng tiếp tục xuyên vào gan và đến gan vào ngày thứ sáu, nằm trong nhu mô gan gây những ổ hoại tử lớn.
Trên động vật ăn cỏ, sán lá gan lớn di chuyển vào ống mật để ký sinh, đẻ trứng ở đó và tiếp tục chu kỳ mới. Còn ở người, chỉ có một số trường hợp sán lá gan lớn tới ống mật và chỉ vào được ống mật chúng mới đẻ trứng, có thể tồn tại ở người từ 9-13,5 năm.
Do người chưa phải là vật chủ thích hợp nên sán non còn di chuyển đi nhiều nơi như xuống đại tràng hoặc ra thành ngực hoặc đến tuyến vú, khớp gối, thậm chí chui cả xuống buồng trứng, tinh hoàn, màng phổi...
Bệnh xuất hiện ngày càng nhiều
Theo GS.TS Nguyễn Văn Đề, sán lá gan lớn không phải là bệnh mới nhưng ngày càng xuất hiện nhiều, trung bình mỗi tháng riêng ông xác định đã có trên 10 bệnh nhân.
Hiện 52 tỉnh thành có bệnh nhân sán lá gan lớn. Các tỉnh có nhiều bệnh nhân nhất là Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội, Gia Lai..., trong đó Khánh Hòa có tỉ lệ nhiễm tới 11%.
Điều đáng nói, hầu hết bệnh nhân đều được chẩn đoán nhầm là ung thư gan hoặc apxe gan.
Để phòng bệnh, tuyệt đối không nên ăn rau sống thủy sinh bởi ấu trùng sán thường nằm trong cọng lá, không thể rửa sạch. Không uống nước lã và diệt mầm bệnh trên súc vật bằng cách tẩy sán lá gan lớn định kỳ cho trâu, bò.
Khi nghi ngờ mắc bệnh, cần đến các cơ sở chuyên khoa ký sinh trùng để xét nghiệm chẩn đoán và điều trị.
-----------------------------------
Xem thêm clip: Gắp sán lá gan lớn trong đường mật hiếm gặp (Nguồn: Youtube)
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA