“Thần y” trị rắn cắn
Vừa bước qua cổng nhà “thần y” Vi Văn Đào ( thôn 8, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk), tôi lọt vào không gian nồng thơm vừa lạ vừa quen của khoảng sân phơi đầy cây thuốc. Một ông lão tóc bạc, dáng người quắc thước, khỏe khoắn, bước ra và hỏi khách ngay về sức khỏe. Buông một tiếng cười khà rồi ông niềm nở mời nước.
Ông Đào sinh năm 1948 ở Lục Ngạn, Bắc Giang. Năm 1986 ông đưa cả tổ ấm gia đình lên Tây Nguyên lập nghiệp. Nói về cơ duyên đến với nghiệp cứu người bị rắn cắn, ông chia sẻ: Trước kia vùng quê Bắc Giang rừng núi trập trùng, vì mưu sinh mà nhiều người đi rừng bị rắn độc cắn bỏ mạng.
Có những thôn xảy ra liên tiếp nhiều vụ rắn độc cắn, hầu hết họ đều chết do nọc độc nhập nhanh vào tim mà không ai biết sơ cứu, chữa trị. Bố tôi là thầy thuốc Vi Chấn Quang canh cánh chuyện này, nên đã truyền dạy lại cho tôi bài thuốc gia truyền chữa rắn cắn của dòng họ.
Dù vậy, ông Đào thừa nhận việc cứu người bị rắn cắn chỉ gắn vào mình như là cái “duyên”, cái “nghiệp” kể từ khi ông chuyển lên miền đất Tây Nguyên nắng gió, tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc khi có nhiều người bị rắn cắn thoát chết nhờ bài thuốc của mình. “Hồi ở ngoài đó (Bắc Giang), cứ nghe ở đâu có người bị rắn độc cắn là tôi đến cứu chữa.
Người bị rắn cắn nhiều nên tôi không cần nhiều thời gian lo cho kinh tế gia đình, gia cảnh đã khó khăn lại càng thêm bi đát. Tôi nghĩ lên Tây Nguyên sẽ dứt bỏ việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” để bù đắp cho gia đình. Vào đây, tôi mới hiểu đã vận vào nghiệp cứu người thì không dứt được, nhưng dẫu sao cuộc sống cũng ấm lành hơn trước.
Tiếng lành đồn xa, đã có hàng trăm người- không chỉ người trong thôn xã, huyện mà cả những tỉnh khác- tìm đến nhờ ông chữa trị, trong đó nhiều người đã lâm vào tình trạng thập tử nhất sinh. Ông Đào cho biết, đã 4 lần ông được mời xuống TPHCM để cứu người bị rắn độc cắn.
Cứu người chẳng màng công xá
“Lúc ấy tôi nghĩ mình lớn tuổi, sức đề kháng yếu nên dù có tài năng đến mấy thì ông Đào cũng phải bó tay, nên đã kêu con cháu ở xa về dặn dò, nhìn mặt. Nhưng không ngờ ông Đào lại cho tôi được từ cõi chết trở về”.
Cụ Năm
Chúng tôi tìm đến nhà chị Hứa Thị Duyên (35 tuổi, thôn 8, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) để nghe chị kể lại giây phút sinh tử. Chị Duyên luôn miệng gọi ông Đào bằng cha khi trò chuyện với tôi.
Chị nhớ lại: “Hôm đấy khoảng 2 giờ chiều, vợ chồng tôi đang làm cỏ bắp thì bỗng có vật gì cứa vào chân tôi như gai cây mắc cỡ.
Nhìn xuống không thấy gì tôi định làm tiếp thì nghe tiếng rắn kêu. Chồng tôi, anh Hứa Văn Dùng vội lấy cuốc phát cỏ xung quang thì thấy một con rắn hổ mèo to bằng ngón chân cái, đang khoanh tròn nằm thở phì phì. Tôi chưa kịp định thần thì thấy khó thở, hoa mắt, chóng mặt.
Thấy tôi tím tái, miệng lắp bắp không thành tiếng, anh Dùng vội cõng tôi về. Lúc này chân tôi đã sưng phù lên. Người nhà tự băng bó cho tôi rồi lấy hạt đậu Lào (tròn dẹt, dân gian coi loại đậu này có khả năng hút độc) đặt vào vết cắn để hút nọc độc nhưng không tiến triển gì.
Khoảng 3 giờ đêm máu trong miệng tôi tự nhiên chảy ra, người nóng như lửa đốt, toàn thân nổi những vệt máu đỏ to, chân sưng phù nứt toác, nước vàng chảy như mỡ. 9 giờ sáng hôm sau, người nhà vội đưa tôi đến bệnh viện huyện Buôn Đôn khám.
Các y, bác sĩ ở đây nói gia đình nên chuyển ngay ra bệnh viện Đông y tỉnh. Đúng lúc đó có người đến khám bệnh mách tôi tới nhà ông Đào.
Đến được nhà ông Đào, tôi bắt đầu nửa tỉnh nửa mê, chỉ nhớ được ông cho uống thuốc rồi ngất lịm. Đêm đầu tiên, cả uống cả bôi và đắp hết 7 siêu thuốc. Thuốc bôi đến đâu dễ chịu đến đấy. Uống và bôi thuốc được 1 tuần thì chân tôi xẹp, đi lại tập tễnh. 45 ngày sau tôi khỏi hẳn. Chữa cho tôi ông Đào chỉ lấy tiền thuốc. Mang ơn cứu mạng, tôi nhận ông là bố nuôi”.
Trường hợp khác là cụ Nguyễn Thị Năm (87 tuổi, ở thôn 10, xã Tân Hòa, cùng huyện). Cụ Năm từng 3 lần bị rắn độc cắn đến thập tử nhất sinh nhưng đều được ông Đào cứu chữa. Mặc dù đã già yếu nhưng ai hỏi chuyện bị rắn cắn, cụ luôn nhớ như in.
Cụ kể: Một buổi tối cụ đi vệ sinh sau vườn thì bị con rắn cặp nia cắn vào mu bàn chân. Cụ la lớn, người thân trong nhà chạy ra ứng cứu. Khoảng 10 phút sau cụ ngất lịm, toàn thân cứng đơ không cử động được, mặt mày tím tái.
“Nghe con cháu kể lại, thấy biểu hiện của tôi chúng nghĩ tôi sắp chết nên đứa thì khóc lóc, đứa chạy đi gọi ông Đào. May sao, được ông chữa trị và cho uống thuốc, khoảng 30 phút sau cơ thể tôi ấm dần và cử động được.
Sau 2 tuần uống thuốc thì tôi sinh hoạt bình thường”, cụ Năm cho biết.
Một thời gian sau cụ Năm lại bị rắn hổ chúa tấn công ở cổ chân.
“Lúc ấy tôi nghĩ mình lớn tuổi, sức đề kháng yếu nên dù có tài năng đến mấy thì ông Đào cũng phải bó tay, nên đã kêu con cháu ở xa về dặn dò, nhìn mặt. Nhưng không ngờ ông Đào lại cho tôi được từ cõi chết trở về”, cụ Năm kể.
Năm 2011, cụ tiếp tục bị rắn xanh đuôi đỏ cắn nhưng cũng được ông Đào cứu chữa. Tuy nhiên, điều khiến cụ Năm cảm động nhất là khi con cháu cụ mang tiền sang tạ ơn thì ông Đào kiên quyết chối từ và chỉ nhận đúng tiền thuốc. “Ông Đào chữa cho nhiều người ở đây lắm, hễ ai bị rắn cắn mà tìm đến ông là khỏi ngay. Nhiều người tìm đến trong tình trạng nguy kịch cũng được cứu. Không nhờ ông ấy, tôi chả còn sống đến giờ”. Cụ Năm tâm sự.
28 năm duyên nghiệp cứu người
Ông Đào dặn: Lúc phát hiện nạn nhân bị rắn cắn cần phải nhanh chóng sơ cứu bằng cách dùng giẻ hoặc nịt cao su quấn chặt phía trên vùng bị rắn cắn, ngăn không cho độc tố chạy vào tim. Tuy nhiên, phải biết được loại rắn đã tấn công là rắn gì thì mới bốc thuốc đúng bài được.
Người dân kính nể ông không chỉ bởi ông có bài thuốc “đặc biệt” mà còn bởi sau mỗi ca chữa trị họ không hề thấy ông đề cập đến chuyện tiền bạc. Người bệnh muốn đưa bao nhiêu thì đưa. “Thấy người bị rắn cắn nguy kịch, mình biết thì chữa cho họ thôi. Nếu cứu người không vì cái tâm, hám danh lợi thì khả năng chữa trị sẽ bị mai một”. Ông giải thích.
Phương pháp chữa trị của ông Đào được kết hợp cả uống thuốc, bôi thuốc và đắp thuốc (dân gian quen gọi là trong uống ngoài xoa). Người bị rắn cắn được ông cho uống thuốc trước để đẩy nọc độc ra, sau đó mới dùng thuốc ngâm xoa lên chỗ bị cắn rồi đắp thuốc bó lại. Sau 6 giờ mở ra kiểm tra, nếu nọc độc chưa hết phải thay thuốc, bó tiếp.
Đặc biệt, trong quá trình chữa trị phải kiêng rượu, đậu xanh và các món ăn chua, cay. Theo ông, để chữa cho một người bị rắn cắn cần dùng khoảng 0,5 đến 1kg thuốc, nếu là rắn độc thì gần 2kg. Thuốc uống của ông Đào gồm 5 vị được cho vào bát nước sôi để nguội rồi uống. Thuốc bôi cũng có 5 vị được ngâm với rượu trắng. Suốt buổi trò chuyện, ông Đào không tiết lộ thành phần bài thuốc. Hiện, trong số 9 người con (5 trai, 4 gái) chỉ có người con trai thứ 4, Vi Văn Minh theo nghề của ông.
Ông Đào đã giải độc được các loại rắn nguy hiểm như: Rắn hổ mang bành, rắn cạp nia, rắn hổ chúa, rắn Thái Lan, rắn chuông và rắn xanh các loại.
Hiện đã gần 70 tuổi, ông Đào vẫn một mình lặn lội vào rừng sâu tìm thuốc. Đã nhiều lần ông đi mà phải về không nhưng ông vẫn lạc quan nói rằng khi còn sức thì ông còn đi tìm được thuốc cứu người.
Bất kể đêm, ngày nếu gặp nạn, dân quanh vùng cứ gọi đến số điện thoại 0977 932 189 thì ông Đào luôn sẵn sàng đến cứu giúp.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Buôn Đôn nhận xét: “Bác Đào là người năng nổ, nhiệt tình có nhiều đóng góp cho địa phương, đặc biệt là phương thuốc chữa rắn cắn. Bác đã chữa lành cho rất nhiều người bị rắn độc cắn ”.
Còn ông Đặng Hùng Chúc, Ủy viên thường trực Hội Đông y huyện khẳng định: “Bài thuốc chữa rắn cắn của bác Đào thực sự rất hiệu nghiệm, tôi đã từng chứng kiến bác chữa cho nhiều nạn nhân.
Trước đó, năm 2013 một người ở Bình Dương bị rắn Thái Lan cắn nhiễm độc nặng, bệnh viện đã trả về lo hậu sự, vẫn được bác ấy cứu sống!”
Xem thêm clip:
Và đã có một cái kết có hậu cho sự dũng cảm của chú thằn lằn.
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA