Nhiều giảng viên tại Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) cho biết họ hết sức buồn và lo lắng bởi nhà trường thông báo không tiếp tục ký hợp đồng lao động vì không có tiền trả lương.
Đang yên lành, hàng trăm người bị mất việc đồng nghĩa với hàng trăm gia đình có nguy cơ lâm cảnh khó khăn. “Chúng tôi được nhà trường thông báo sẽ không ký hợp đồng và mong được thông cảm vì trường không có tiền.
Cầm lá đơn xin nghỉ việc mà trường đã soạn sẵn, tôi run hết cả người” – một nữ giảng viên tại trường này cho hay.
Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam không tuyển được sinh viên nên giảng viên chịu cảnh mất việc
Ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam, xác nhận trường vừa ra thông báo cho các giảng viên sẽ không tiếp tục ký hợp đồng trong thời gian tới vì trường gặp khó khăn, không có tiền để trả.
Trong số 118 người nằm trong đề án tinh giản lao động, từ nay đến cuối năm sẽ có 44 giảng viên phải nghỉ việc, năm 2016 có hơn 40 giảng viên và số còn lại sẽ bị cho nghỉ trong năm 2017.
Theo ông Dũng, nhà trường gặp khó khăn bởi tình hình tuyển sinh những năm gần đây liên tục giảm và không ổn định ở các ngành nghề.
Đặc biệt, năm 2015, cơ chế tuyển sinh mới của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định điểm đầu vào đại học thấp nên tình hình tuyển sinh bậc CĐ, trung cấp rất khó khăn.
Tính đến thời điểm này, nhà trường mới tuyển được hơn 1.300/3.750 chỉ tiêu. Hiện toàn trường có 3.325 HSSV trong khi đội ngũ cán bộ viên chức và người lao động của trường lên đến 326 người, dẫn đến tình trạng thừa người thiếu việc.
“Trong số 173 lao động hợp đồng có thời hạn, sẽ có 118 người phải mất việc trong 3 năm tới. Những giảng viên biên chế cũng sẽ được tính đến việc tinh giản hoặc luân chuyển sang các bộ phận khác” – ông Dũng nói.
Ông Lương Văn Vui, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam, cho biết nhà trường đã làm đủ mọi cách, kể cả cử các đoàn về tận các thôn, xã để vận động HSSV nhưng việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, có ngành chỉ tuyển được vài người.
Trước tình cảnh đó, trường không còn cách nào khác ngoài việc phải giảm số lượng giảng viên.
Theo ông Vui, mỗi năm trường được UBND tỉnh Quảng Nam cấp 11 tỉ đồng, nguồn thu của trường khoảng 17 tỉ đồng nhưng mỗi tháng phải trả khoảng 1,5 tỉ đồng tiền lương (chưa tính bảo hiểm).
Vì lượng giảng viên đông trong khi HSSV ít nên trong năm 2015, trường bị thâm hụt đến 1,3 tỉ đồng. Với số lượng HSSV như hiện nay, dự kiến trong năm 2016 sẽ bị thâm hụt đến 5,8 tỉ đồng.