Không để các thủy thủ “ăn sương nằm trời” trên biển

Khả Danh |

(Soha.vn) - Bộ GTVT và Vinalines có trách nhiệm là đảm bảo đời sống cho thủy thủ, đảm bảo không có sơ suất nào để thủy thủ "ăn sương nằm trời" trong quá trình giải quyết bán tàu hoặc đưa tàu về nước.

Theo ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT, xung quanh vấn đề gia đình các thuyền viên xấu số trên tàu Vinalines Queen gặp nạn đến nay vẫn chưa nhận đủ tiền bảo hiểm, việc này không thể tiến hành trong một sớm một chiều. Hiện tại, Bộ GTVT đang đẩy nhanh tiến độ yêu cầu đơn vị trả đủ tiền bảo hiểm cho gia đình các nạn nhân.

“Bộ GTVT và Vinalines sẽ đấu tranh bằng được để các gia đình thuyền viên được đền bù ở mức cao nhất khi tàu đã được mua bảo hiểm, cái này tái bảo hiểm nên cần thời gian để các cơ quan bảo hiểm xem xét nguyên nhân. Bộ GTVT và Vinalines sẽ chiến đấu đến cùng để có mức bảo hiểm được đền bù theo quy định”, ông Trường nói.

Tiếp tục khẳng định về thông tin này, ông Nguyễn Nhật – Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam nói: “Vinalines đã trả 22.500 USD/ 25.000 USD cho các gia đình nạn nhân. Số còn lại sẽ tiếp tục làm việc với bảo hiểm để trả”.


	Tàu Vinalines Queen.

Tàu Vinalines Queen.

Cũng liên quan tới hoạt động điều hành tại Vinalines, vấn đề thời sự hiện nay đang được dư luận quan tâm là Bộ GTVT và Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam sẽ đảm bảo đời sống của cho khoảng 100 thủy thu trên 7 chiếc tàu đang neo đậu ở biển nước ngoài thế nào?

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Thời gian qua do tàu bị lưu giữ nên thủy thủ có khó khăn về tài chính và sinh hoạt trên tàu. Bộ GTVT đã giao Vinalines tổ chức các đoàn công tác đến tàu kiểm tra và chuyển lương thực thực phẩm cho thủy thủ.

Vừa rồi cơ bản đã giải quyết xong, tuy nhiên còn một số thủy thủ nóng vội nên trong quá trình này đã xin chuyển công tác, khi có thủ tục của Vinalines đưa tàu về, các thủy thủ này đã quay về tàu. Khi đi không xin ý kiến khi về cũng không báo cáo nên số này vừa rồi đã giao Vinalines giải quyết.

Quan điểm của chúng tôi là không để các thủy thủ bị khổ sở trên tàu và tích cực bán tàu, đưa tàu về nước trong thời gian sớm nhất”.

Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho hay, sở dĩ những con tàu này phải neo đậu nhiều ngày ở các cảng biển ở các nước là do không khai thác được hàng hóa. Bộ GTVT đã giao Tổng Công ty Hàng Hải nhanh chóng xử lý theo hướng tiếp tục khai thác có hiệu quả những tàu còn khai thác được, thứ hai Chính phủ đã cho phép bán tàu khi có điều kiện bán được để thu hồi vốn đầu tư cho những tàu đang khai thác.

“Nếu vài thủy thủ còn có tâm tư sẽ kiểm tra lại, trách nhiệm của Bộ và Vinalines là đảm bảo đời sống cho thủy thủ, đảm bảo không có sơ suất nào để thủy thủ "ăn sương nằm trời".

Vẫn phải duy trì thủy thủ trên tàu để không biến thành tàu ma trong quá trình giải quyết. Bộ nói là có trách nhiệm chứ không chỉ nói cho vui lòng, đây là tình cảm của con người”, ông Trường nói.

Trước đó, ngày 21/2 trên một tờ báo có đăng tải bài viết với tiêu đề "Thủy thủ của Vinashinline trước nguy cơ phải tự bơi". Bài báo này cho hay, Cục Hàng hải Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT, trong số 12 tàu neo đậu, hoặc bị tạm giữ lâu ngày ở nước ngoài, có tới 7 tàu của Vinashinlines và đều là những tàu trọng tải lớn.

Thủy thủ đoàn trên những tàu này kể về những khó khăn mà họ đang phải chịu đựng trong suốt nhiều ngày, đó là thời tiết, không đủ tiền mua nhiên liệu, sinh hoạt kham khổ...

Ông Nguyễn Văn Công - Thứ trưởng Bộ GTVT đã có những chia sẻ hết sức thẳng thắn về vấn đề này. Ông Công bày tỏ, doanh nghiệp làm ăn có những lúc thuận lợi, có những lúc khó khăn và có chuyện trả lương chậm.

Thậm chí, bản thân Vinalines còn gặp khó khăn, đặc biệt là Vinashinlines không có tiền gửi văn bản qua bưu điện mà phải huy động anh em đưa trực tiếp.

Ngay tại thời điểm đó (ngày 21/2) sau nhiều ngày chịu đựng cuộc sống quá kham khổ, thủy thủ tàu New Phoenix đã gửi văn bản về Vinashinlines nói rằng, sau ngày 28/2 không tiến hành bàn giao tàu thì họ sẽ rời tàu để giữ gìn mạng sống.

Đáp lại những thông tin này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho hay: "Trên thực tế, thủy thủ của 7 tàu đang mắc kẹt đều đã có văn bản gửi Vinashin, Vinashinlines… nhưng như đã nói, anh em phải đoàn kết, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Nếu anh em thủy thủ tự rời tàu thì phải chịu trách nhiệm về hành động của mình".

Liên quan tới những khó khăn của Vinashin và Vinalines, ông Nguyễn Hồng Trường cho hay, sau một năm có chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT hiện nay công ăn việc làm của hai doanh nghiệp được duy trì đảm bảo. Còn tồn tại về nợ thì phải giải quyết nhiều năm.

Bất cứ nước nào cũng vậy, khi doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng phải có nhiều năm mới xử lý được. Chính phủ đã phê duyệt quyết định tái cơ cấu nên hy vọng vài năm tới sẽ có một Vinashin và Vinalines mới.

Thứ trưởng Trường nói: “Tái cơ cấu nhiệm vụ Vinashin số 1 là đóng tàu, thứ 2 là sửa chữa tàu, thứ 3 là đào tạo nhân lực. Tái cơ cấu thì giảm bớt đầu tư ngoài ngành. Giảm công ty cháu, chỉ còn công ty mẹ và con.

Số nợ còn lại Chính phủ đã khoanh lại khi Vinashin có đủ tiền sẽ trả sau, còn trước mắt tập trung phát triển lại để có công ăn việc làm, duy trì ngành đóng tàu. Khi vận tải biển phát triển chúng ta quay lại trả món nợ đó, các nước trên thế giới cũng làm vậy”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại