Do chủ tàu không cấp nhiên liệu cho máy chính, máy đèn, không bố trí đủ thuyền viên nên con tàu dài 136 mét tuy neo tại chỗ, nhưng khi thủy triều lên thường bị quay, trôi vào luồng quốc gia (rộng khoảng 150 mét) gây nguy hiểm cho các tàu bè khác.
Sự việc càng trở nên nghiêm trọng khi trên địa bàn neo đậu xảy ra nhiều cơn dông, gió lốc. Điển hình là ngày 10/8, con tàu này đã trôi vào sát biên luồng Lạch Huyện, gây nguy hiểm cho các tàu ra vào cảng khác (đặc biệt là tuyến vận tải khá đông đúc Hải Phòng – Cát Bà).
Tương tự New Sun, Dynamic Bright và một số tàu khác cũng trong tình trạng mất tự chủ
Theo Cảng vụ, cơ quan này đã có nhiều công văn gửi chủ tàu, yêu cầu di chuyển tàu New Sun về vị trí an toàn, nhưng chủ tàu cho biết không có kinh phí thực hiện. Cảng vụ Hải Phòng do đó đề nghị Cục Hàng hải xem xét, cho cơ chế tài chính để cơ quan này có thể tự lập phương án đưa tàu New Sun về đến vị trí an toàn.
Tuy nhiên, sau gần 3 tháng đề xuất phương án này, cơ chế tài chính vẫn chưa được xử lý. Hậu quả là đến đầu tháng 11, do tác động của Bão số 8, tàu New Sun đã trôi dạt, mắc cạn trong khu vực giao nhau giữa luồng hàng hải và đường thủy nội địa.
Ngoài trường hợp của New Sun, báo cáo ngày 2/8 của Cảng vụ Hải Phòng cũng đề cập đến tình trạng tương tự của một số con tàu đang neo tại khu vực này như Shun Yun (quốc tịch Trung Quốc), Dynamic Bright, Đại Phát (thuộc sở hữu của Công ty Cho thuê tài chính II – Agribank).
Riêng tàu Shun Yun, hiện không còn thủy thủ do toàn bộ thuyền viên đã xuất cảnh về nước. Cảng vụ do đó cũng xin cơ chế tài chính tương tự để xử lý như trường hợp của New Sun (bao gồm cả việc trục xuất đối với tàu Shun Yun), nhưng hiện phương án này vẫn chưa nhận được sự hồi đáp của cơ quan quản lý cấp trên.