Bình luận trên Tuổi Trẻ, Tướng Lê Kế Lâm nói: “Các tàu cần cảnh giác, đề phòng việc họ bao vây, liều lĩnh bắt tàu, bắt người, tăng cường độ khiêu khích để Việt Nam có phản ứng thiếu tỉnh táo”.
“Các tàu, nhất là tàu cá của ngư dân, nên đi thành từng nhóm, cụm để bảo vệ nhau. Các bạn phóng viên nên cố gắng chụp toàn cảnh để làm chứng cứ đấu tranh pháp lý... Và trên hết, tất cả phải hết sức bình tĩnh, kiên nhẫn. Cuộc đấu tranh này dự kiến còn kéo dài và gay go”, ông khuyên.
Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm cảnh báo Trung Quốc có thể gia tăng sự liều lĩnh.
Lo ngại của Tướng Lâm là có cơ sở bởi sau động thái di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 - bản chất vẫn là trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam - Trung Quốc không hề giảm leo thang gây căng thẳng. Trong bài báo mô tả “máy bay Trung Quốc gầm rú đe dọa”, Tuổi Trẻ còn cho biết từ rạng sáng đến chiều tối 28/5, Trung Quốc liên tục xua nhiều tàu xịt vòi rồng vào các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam.
“Đây là một trong những ngày các tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam sớm nhất và kéo dài lâu nhất từ khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam”, báo viết.
Đến đêm 28/5, theo tường thuật trên VTC News và Dân Trí, ba tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 12101, 13101 và 37102 đã bất ngờ lao về phía tàu chấp pháp của Việt Nam.
“Tàu Trung Quốc như những bóng ma bám đuổi tàu Việt Nam quyết liệt với tốc độ trên 20 hải lý/giờ trong quãng đường khoảng 6 hải lý. Tuy nhiên, tàu Trung Quốc đã bất lực trong việc tấn công tàu Việt Nam”, phóng viên Quang Tùng của VTC News thông tin từ điểm nóng. Đến sáng sớm nay (29/5), các tàu Việt Nam đã trở lại tiếp tục làm nhiệm vụ tuyên truyền, bất chấp những hiểm nguy rình rập họ phía trước.
Trung Quốc bị cô lập
Sau phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông”, mặt trận ngoại giao của Việt Nam tiếp tục thể hiện sự kiên quyết và hiệu quả.
Ngày hôm qua, lần đầu tiên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Nguyễn Quốc Cường đã có cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp với phóng viên quốc tế của Đài truyền hình CNN. Ông Cường cũng có một phát biểu đanh thép được hầu hết các hãng thông tấn quốc tế dẫn lại: "Không một nước nào có thể đánh giá thấp quyết tâm của người Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền. 100% người Việt, dù sống ở đâu, ở Việt Nam, ở Mỹ hay ở một nước khác, chúng tôi đều tin rằng đối với người Việt, không gì quý hơn độc lập tự do".
Tại Việt Nam, trong chuyến thăm và làm việc của mình, Thượng nghị sỹ Benjamin Cardin, Chủ tịch Ủy ban Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ khẳng định sẽ đưa vụ giàn khoan Hải Dương 981 ra Diễn đàn an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương Shangri-La.
“Rõ ràng, việc có sự hiện diện quân sự như Trung Quốc đang có quanh khu vực giàn khoan là tình huống nguy hiểm…”, và “Chúng tôi hoàn toàn phản đối các hành vi đơn phương gây hấn ảnh hưởng an ninh hàng hải. Trung Quốc đã thực hiện các hành vi đó. Và đó là các hành vi sai trái” - ông Benjamin Cardin nói với Lao Động.
Trong khi đó, Thanh Niên tường thuật từ Singapore một cuộc tọa đàm với chủ đề Gia tăng căng thẳng ở biển Đông và hậu quả của nó đối với an ninh khu vực, được tổ chức bởi Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á của Ấn Độ (CASS-India). Buổi tọa đàm quy tụ các học giả từ 8 quốc gia gồm Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ, Úc, Mỹ và các viện nghiên cứu hàng đầu của Singapore.
Giám đốc CASS-India, A.B.Mahapatra gọi hành động của Trung Quốc là “bất ngờ, khiêu khích và phi pháp”. Ông Mahapatra cho thấy bản thân nắm rất rõ thông tin về việc tàu cảnh sát biển Việt Nam ra bảo vệ quyền chủ quyền của mình, Trung Quốc đã ra lệnh cho các tàu phun vòi rồng và đâm vào tàu của VN. “Hành động này không chỉ nguy hiểm mà còn gây thương tích cho các thủy thủ VN”.
Điều phối viên Chương trình chuyển hóa quân sự của Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam của Singapore, Richard Bitzinger chỉ ra sự gian xảo và trơ trẽn của Trung Quốc: “Bắc Kinh luôn cố vẽ nên “một khái niệm hết sức buồn cười” rằng họ “bị các nước khác ăn hiếp”, rằng họ là “nạn nhân của các thế lực bên ngoài”. Trong trường hợp giàn khoan Hải Dương-981, Trung Quốc đã lu loa rằng giàn khoan được hạ đặt trong “lãnh hải” của họ, nhưng lại bị tàu VN “quấy rối”!
Theo website chính thức của Nhà Trắng, đến tối 27/5 đã có hơn 120.000 người từ khắp nơi trên thế giới đã ký vào bản kiến nghị Mỹ trừng phạt Trung Quốc vì hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Theo quy định một bản kiến nghị cần ít nhất 100.000 chữ ký trong vòng 1 tháng để Nhà Trắng buộc phải có phản hồi, nhưng đến nay chưa đầy nửa tháng mục tiêu này đã hoàn thành.
Chưa biết Mỹ sẽ đối đáp ra sao với bản kiến nghị, nhưng ngày hôm qua, nước này đã có một trong những thái độ cứng rắn nhất từ trước đến nay đối với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Tại lễ tốt nghiệp của Học viện Quốc phòng ở West Point, New York, Tổng thống Obama phát biểu: “Sự gây hấn tầm khu vực không được kiềm chế - cho dù là ở biển Đông, hay bất cứ nơi nào khác trên thế giới - cuối cùng cũng sẽ tác động đến các đồng minh của chúng ta và có thể sẽ kéo quân đội chúng ta vào cuộc”.
“Ở châu Á - Thái Bình Dương, chúng ta đang ủng hộ các nước Đông Nam Á khi họ đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với Trung Quốc và đang nỗ lực để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải theo luật pháp quốc tế” - Tuổi Trẻ dẫn lời Obama nói.