Câu chuyện về Lô Văn Ối (Nghệ An) bỗng nhiên nhặt được cục vàng nặng 2,1 kg năm 2009 cho đến giờ vẫn là đề tài nóng, được nhiều người dân vùng rẻo cao xứ Nghệ bàn luận.
Tuy nhiên, mỗi khi nhắc lại chuyện nhặt được cục vàng, chủ nhân của khối tài sản khổng lồ nói trên chỉ biết thở dài ngao ngán vì những hệ lụy bi hài từ khi phát tài.
“Đại gia” nay phải chạy ăn từng bữa
Ông Lô Thái Sinh, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa (huyện Tương Dương, Nghệ An) cho hay: “Nhiều người hiểu nhầm anh Ối bắt được vàng một mình. Thực tế thì anh ấy cùng với 9 người anh em họ hàng đi khai thác ở khe Pu hàng tháng trời mới đào được cục vàng đó.
Đúng là Trời phù hộ cho họ, cả 9 gia đình này đều hoàn cảnh khó khăn lắm. Hiện nay gia đình anh Ối đã bỏ nghề đãi vàng đi làm nương rẫy, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, phải chạy ăn từng bữa”. Ông Vi Văn Tiến (77 tuổi), Chủ tịch hội người cao tuổi xã Yên Hòa cho hay: “Ối nhặt được vàng nhưng cũng có khá giả hơn ai đâu. Hiện nay cuộc sống còn khổ nữa chứ”.
Cục vàng 2,1kg do anh Ối và những người anh em nhặt được.
“Nháy mắt” trở thành đại gia phố núi
Vượt quãng đường dài hơn 200km từ thành phố Vinh, với nhiều con dốc, đặc biệt là đoạn đường đi dài khoảng 50 km men theo khe Huổi Nguyên, chúng tôi tìm đến nơi chàng trai bản Hào một thời tạo nên “cơn sốt” về việc bỗng dưng nhặt được cục vàng khổng lồ. Hàng xóm xung quanh cho hay, bấy lâu nay vợ chồng Ối thường gửi con cho nhà ngoại rồi vào rẫy trồng ngô, lúa, cả tuần mới về bản. Vừa trông thấy người lạ, Ối lặng lẽ đi vào nhà và tìm cách lẩn trốn. Thuyết phục mãi, anh mới miến cưỡng mời khách vào nhà trò chuyện.
Trong căn nhà khá đầy đủ tiện nghi với bộ bàn ghế gỗ đắt tiền, chiếc tủ lạnh, ti vi, chiếc giường ngủ hoành tráng… nhưng thái độ gia chủ lại không được vui vẻ cho lắm. Anh cười buồn: “Tôi thật sự không muốn nhắc đến chuyện cũ này nữa vì nó nhiều chuyện buồn hơn vui. Cách đây 4 năm, người dân đồn thổi tôi nhặt được cục vàng 2,1kg nhưng thực ra đó là thành quả chung của cả nhóm 9 người sau hơn tuần lễ trèo đèo, lội suối, đãi cát tìm vàng. Trong nhóm người cùng đi đợt đó với tôi có hai người ở xã Tam Quang (huyện Tương Dương), những người còn lại là anh em họ hàng sống cùng địa phương. Sau khi có được cục vàng, chúng tôi vượt 50km đường núi, đưa ra thị trấn Hòa Bình bán được hơn 1 tỷ đồng. Số tiền đó được chia thành 13 phần, 8 người kia mỗi người được một phần, riêng tôi được 5 phần tương ứng với gần 400 triệu đồng. Sở dĩ tôi có được số tiền lớn hơn những người khác vì tôi là người phát hiện cục vàng đầu tiên”.
Lần đó, cầm tiền trên tay, Ối mừng lắm bởi cuộc sống gia đình nghèo đói phút chốc đã đổi đời, trở thành “đại gia” thực thụ nơi phố núi Tương Dương. Trong ngày vui, Ối mổ thịt mấy con lợn chiêu đãi bà con dân bản. Kế tiếp, căn nhà lá lụp xụp mà cả gia đình đang sống tạm bợ bên sườn núi được phá đi, lấy đất xây lại ngôi nhà mới vững chắc hơn. Niềm mơ ước bấy lâu có được mái ấm đàng hoàng của Ối cuối cùng cũng thành sự thật.
Nhắc lại chuyện nhặt được cục vàng, anh Ối chỉ biết thở dài ngao ngán.
Thời điểm đó, tính cả tiền công thợ lẫn tiền mua gỗ để dựng nhà, Ối đã phải chi mất hơn 200 triệu đồng. Số tiền còn lại, vợ chồng anh bắt xe ra thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) mua sắm những vật dụng cần thiết cho gia đình như bàn ghế, ti vi, tủ lạnh… Sau đó, Ối còn thuê hẳn chiếc xe ô tô con chở cả gia đình xuống thành phố Vinh, bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) vui chơi, ăn uống thỏa thích, điều mà trước kia họ chưa bao giờ dám mơ mộng tới. Đồng thời gia đình cũng không quên đầu tư mấy bộ quần áo mới cho cả nhà, anh em họ hàng. Tết Nguyên đán năm 2010, gia đình Ối ăn tết to nhất bản khiến người dân ai nhìn cũng phát thèm. Tuy nhiên, sau khi làm tất cả những điều đó thì số tiền còn lại không nhiều.
Vàng mắt vì nhặt được… vàng
Sau khi nhặt được cục vàng, gia đình Lô Văn Ối có cuộc sống khấm khá hơn thật nhưng niềm vui ấy nhanh chóng bị mất đi khi Ối bắt đầu gặp những tình huống dở khóc, dở cười, thậm chí phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ. “Nhiều lần ra thị trấn để mua đồ đạc, người nhà của tôi bị “chặt chém” giá cả cao hơn so với những người khác. Ai cũng nghĩ nhà tôi giàu lắm nhưng sự thực có như vậy đâu. Gia đình tôi chết khổ vì những lời bàn tán lắm rồi”, Ối bức xúc khi nhớ lại thời kỳ đó. Lô Văn Ối nói thêm: “Từ khi có vàng, nhiều người từ những nơi xa lạ kéo đến xin sự bố thí. Nhiều hôm gia đình tôi bị khủng hoảng tinh thần vì suốt ngày bị người lạ làm phiền”, anh Ối kể, lúc đầu có mấy người nghèo ở xã khác đến xin sự bố thí, thương tình anh cho tiền. Thế nhưng, chẳng hiểu người dân phao tin thế nào mà ít ngày sau dân từ xứ đều lũ lượt kéo đến xin giúp đỡ, khiến cuộc sống gia đình Ối đảo lộn.
Sau giai đoạn ồn ào về khối tài sản “lộc trời” cho, hai vợ chồng Ối bàn chuyện đầu tư làm ăn tiếp. Đầu năm 2010, với hy vọng sẽ gặp được lộc như năm trước, Ối dùng số tiền còn lại (gần 100 triệu đồng) đầu tư máy móc, vật dụng phục vụ cho công việc tìm kiếm vàng. Thế nhưng, ông Trời không thương Ối lần hai. Sau khi bỏ ra cả đống tiền nhưng kết quả anh cùng nhóm người thu được chỉ là những nắm đất đen, còn máy móc thì càng ngày càng bị hư hỏng nặng. Cũng từ đó, công việc làm ăn của Ối tụt dốc thảm hại. “Suốt năm nay, thu nhập mỗi năm của gia đình tôi chưa đầy 1 triệu đồng. Trước đây, khi nhặt được vàng, gia đình tôi bị cắt khỏi hộ nghèo của xã, nay cuộc sống túng thiếu, vợ con không có tiền mua nổi bộ quần áo, nhưng vì cái tiếng giàu có vì bắt được vàng mà dân bản không cho nhà tôi thuộc hộ nghèo nữa. Mấy lần tôi chạy đến nhà trưởng bản, thậm chí lên xã trình bày mong muốn nhưng họ vẫn không đồng ý”, Ối bộc bạch.
Chị Yến, vợ Ối luôn mang tâm trạng lo sợ mặc cảm mỗi khi đi chợ vì sợ người ta “chặt chém” trong khi thực sự không có tiền. Thậm chí đứa con trai đầu sinh năm 2005 của Ối cũng bị “vạ lây” khi thường xuyên bị đám bạn cùng trường chặn đường xin đểu tiền mua kẹo. “Có hôm, vừa đi học về đứa con đã mếu máo khóc rồi mách chuyện: “Bố ơi con bị mấy đứa kia chặn đánh vì không cho bọn chúng tiền mua bim bim. Nó nói, nhà mày giàu nhất bản rồi mà không cho bọn này ít nghìn lẻ”, nghe con nói thế, tôi bực mình lắm”, Lô Văn Ối kể chuyện với tâm trạng khó chịu.
“Không nhặt được vàng có khi lại hay hơn”
Đó là lời tâm sự chân thành của Lô Văn Ối sau khi 4 năm sống cùng với chuyện nhặt được cục vàng khổng lồ. Bởi theo người đàn ông này, chính sự thay đổi đột ngột đó khiến không những bản thân anh mà cả gia đình đều khốn khổ.
Lô Văn Ối kể, hai năm trở lại đây, anh đã bỏ hẳn công việc vào rừng sâu đãi vàng khi máy móc mới đầu tư bị hư hỏng nặng mà số tiền thu lại chỉ là mấy đồng bạc lẻ. “Sau lần tìm được cục vàng đó, tôi và một số người khác tiếp tục lập hội để tiến hành đợt làm ăn mới. Có lần chúng tôi cắm trại trong rừng cả tháng trời nhưng kết quả thu được chẳng dáng là bao, không đủ để sửa chữa máy móc”. Số tiền từ đợt may mắn bán và chia nhau từ cục vàng 2,1 kg của Ối và mấy người anh em dần vơi cạn. Đến khi những đồng tiền cuối cùng lần lượt “đội nón ra đi”, Ối phải quay về bám vào nương rẫy mưu sinh.
Vài năm trở lại đây, hai vợ chồng anh ngày ngày vào rừng cách nhà 4 tiếng đồng hồ dựng chòi làm rẫy. Cứ đầu tuần, vợ chồng anh gửi lại hai đứa con nhỏ cho gia đình bà ngoại nhờ chăm sóc hộ rồi làm việc đến cuối tuần mới về. Tuần này qua tuần khác, công việc của họ chỉ quay vòng đơn giản như vậy. “Cuộc sống hiện tại tuy nghèo đói, nhưng còn hơn suốt ngày bị người khác làm phiền, có người còn ghen ăn tức ở đến phá phách nhà cửa. Vợ chồng tôi chỉ muốn sống yên ổn như bao người dân bản khác tôi, làm “người nổi tiếng” bị quấy nhiễu, hỏi han mệt lắm rồi”, chị Yến - vợ của Ối chia sẻ.
Thế nhưng, mong ước giản đơn đó cũng không trở thành hiện thực khi mấy năm thời tiết khắc nghiệt khiến nương ngô, bãi sắn, ruộng lúa của gia đình anh Ối bị mất trắng. Ối nói, có vụ gia đình chỉ thu được mấy yến lúa xép, bán đi cũng không đủ trả tiền giống. Im lặng một lát, người đàn ông này tiếp chuyện: “Chị cứ ra ngoài mà xem, đến cái bờ bao quanh nhà tôi dự định xây vài năm rồi nhưng có thực hiện được đâu. Giờ tiền ăn uống hằng ngày cũng không đủ, lấy đâu ra rủng rỉnh tiền bạc như người ta nghĩ. Vợ chồng tôi đang tính bán căn nhà này đi, rồi xây tạm ngôi nhà nhỏ sinh sống qua ngày thôi. Mùa vụ liên tục thất bát, chắc vợ chồng tôi không cầm cự được nữa, trong khi hộ nghèo đã bị cắt mấy năm nay rồi. Giờ đây, điều vợ chồng lo lắng nhất là tương lai của hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, không có tiền đóng học phí”.
Được biết, Lô Văn Ối là con thứ hai trong gia đình có bốn người con tại bản Hào. Vì cuộc sống gia đình khó khăn, nên từ nhỏ Ối đã ôm đồ đạc đến ở nhà một người khá giả ở bản Xiềng Líp (xã Yên Hòa, huyện Tương Dương) tên là Mạc Thị Thơm (66 tuổi). Bà Thơm cho biết: “Nó được cái hiền lành lắm, gặp ai cũng dạ vâng rất lễ phép. Sống tại nhà tôi 8 năm trời nhưng hầu như chưa khi nào nó làm tôi phật lòng. Gia đình tôi luôn yêu quý nó như con ruột”. Đến tuổi trưởng thành, Ối lập gia đình với cô gái khác bản vào năm 2005. Cuộc sống nghèo đói, nên hai vợ chồng ở tạm trong căn nhà tranh lụp sụp.
Từ ngày có gia đình, ngoài công việc làm nương rẫy, Ối theo chân nhóm người trong làng vào rừng đi đãi vàng để mong có ngày đổi đời. Suốt mấy năm đầu, cả nhóm hầu như tay trắng về không. Và vận may chỉ đến vào cuối năm 2009, nhờ lộc trời phú mà 9 người trong đoàn mới có cuộc sống khấm khá hơn. Riêng vợ chồng Ối cũng cất cho mình được căn nhà khang trang hơn nhiều hộ khác trong bản. “Cái năm nó nhặt được vàng, gia đình nó lúc đó rất khổ sở, đến cái ăn, cái mặc cũng thiếu thốn trăm bề”, bà Thơm nói thêm.
Anh Ối tâm sự rất thật: “Đời thằng Ối này may mắn hơn nhiều phu vàng khác khi tìm được vàng, nhưng từ những chuyện xảy ra, tôi thà làm người bình thường còn hơn làm người nổi tiếng. Ối này chỉ mong một cuộc sống đủ dùng thôi”.