Khốn cùng trong hơn 10 năm chịu án oan

Bị kết án oan tội "Tham ô tài sản XHCN" và "Sử dụng trái phép tài sản XHCN", ông Bình đã phải trải qua biết bao cơ cực.

Kết án oan người vô tội

Ngày 14/3, một lãnh đạo TAND Hà Nội cho biết, đang chuẩn bị việc tổ chức buổi xin lỗi công khai với ông Phạm Đức Bình, người bị kết án oan từ năm 2000.

Vào năm 2000, ông Phạm Đức Bình (58 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị đưa ra xét xử tội "Tham ô tài sản XHCN" và "Sử dụng trái phép tài sản XHCN".

Theo quy kết, năm 1992, ông Bình được giám đốc Cty thi công cơ giới và xây lắp bổ nhiệm làm cửa hàng trưởng. 5 năm sau, cửa hàng bị đình chỉ hoạt động do kinh doanh không hiệu quả.

Cùng năm đó, công ty thanh tra hoạt động kinh doanh của cửa hàng và cho rằng ông Bình đã nhiều lần nhận tiền tạm ứng của một xí nghiệp, tổng số 71 triệu đồng và chỉ chứng minh được việc sử dụng hợp lệ 30 triệu đồng.

Theo bản án sơ thẩm, ông Bình đã mua hàng của 3 đơn vị và làm thất thoát gần 180 triệu đồng. Toà cho rằng, bị cáo đã sử dụng trái phép số tiền trên.

Từ hai nhận định trên, giữa tháng 3/2000, toà sơ thẩm đã tuyên phạt ông Bình 30 tháng tù cho cả hai tội danh. Sau đó, ông Bình đã kháng cáo, kêu oan.

Đến đầu tháng 1/2001, TAND tối cao tại Hà Nội đã xem xét kháng cáo của ông Bình và tuyên ông vô tội.

Những tháng ngày cơ cực

Kể về những ngày tháng khiếu kiện để tìm lại sự công bằng cho mình, ông Bình cho biết, ông và gia đình đã phải trải qua biết bao cơ cực.

Trong căn phòng chỉ rộng chừng 12m2, ông nhớ lại: Tháng 6/1997, ông bị tai nạn vỡ bàng quang phải nằm viện khiến kinh tế gia đình lao đao.

Số tiền dành dụm ít ỏi cho các con ăn học, vợ ông Bình đã phải dốc hết để giữ mạng sống cho chồng.

Sau gần 4 tháng nằm viện, ông Bình quay lại công việc chưa được bao lâu thì nhận được quyết định đình chỉ hoạt động cửa hàng.

Sau đó, ông bị khởi tố và lĩnh án 30 tháng tù giam cho những tội danh mà ông không hề phạm phải.

Kể từ đó, ông Bình không ngừng kêu oan. Và sau nhiều năm kêu oan khắp nơi, đến năm 2001, ông đã được Tòa phúc thẩm tuyên vô tội.

Bệnh tật, nợ nần khiến ông buộc phải bán nhà để lấy tiền trả nợ rồi dắt vợ con đi ở thuê.

Sau khi được tuyên vô tội, ông Bình lâm cảnh mất nhà, thất nghiệp. Khi quay lại công ty thì lãnh đạo công ty lại làm ngơ, không giải quyết.

Không nhà cửa, nghề nghiệp, con cái nheo nhóc, khó khăn càng thêm chồng chất khi Xí nghiệp giặt là, nơi bà Nguyễn Thị Thịnh, vợ ông Bình đang làm việc lâm cảnh không có việc làm cho công nhân.

Vợ nghỉ không lương, chồng mất việc làm, 3 đứa con nhỏ nheo nhóc, khiến nhiều lúc vợ chồng ông Bình như quỵ ngã. Lăn lộn với đủ thứ nghề để kiếm sống, vợ chồng ông vẫn không thể thoát khỏi khó khăn.

“Nhiều đêm không ngủ được, tôi cứ nghĩ mình có làm điều gì thất đức đâu mà ông trời lại hại tôi đến mức này. Tôi thấy mất niềm tin và vô cùng tuyệt vọng, nhưng vẫn phải cố gượng để nuôi con và đòi lại công lý”, ông Bình tâm sự.

Rồi ông Bình được bố mẹ vợ thương cảm mà cho ở cùng trong căn nhà 12m2 trên phố Nguyễn Hữu Huân. 7 người ở trong căn nhà bé như bao diêm, đến bữa ăn không đủ chỗ ngồi, cả nhà phải thay phiên nhau vào ăn cơm.

Cực nhất là lúc đi ngủ, cả nhà 7 người phải nằm xếp bằng như cá trong hộp mới đủ chỗ. Quá chật chội, ông Bình đành phải ra bãi Phúc Tân thuê một túp lều để đêm về ngủ tạm, nhường chỗ cho vợ con ở nhà.

Ngồi cạnh chồng, bà Thịnh không cầm được nước mắt. Bà chia sẻ: “Ngay cả khi anh ấy bị kết tội tôi vẫn tin anh ấy, vì tôi hiểu cái tâm cái đức của anh ấy, anh không bao giờ làm việc phi pháp”.

Đến nay, sau hơn 10 năm chờ đợi, ông Bình mong muốn được Tòa án, Công ty Thi công cơ giới và xây lắp (nay là Công ty cổ phần Thi công cơ giới và xây lắp) bồi thường danh dự và những tổn hại về vật chất mà ông và gia đình đã phải gánh chịu hơn một thập kỷ qua.

Ông Bình cũng mong sẽ được Cty giải quyết các quyền lợi, chế độ như những cán bộ, công nhân khác trong công ty.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại