Khi tinh thần dân tộc lên cao

Nguyễn Đức Thành |

(Soha.vn) - Sự ra đi của Đại tướng đã để lại niềm tiếc thương to lớn, nhưng sự ra đi ấy cũng đồng thời thắp sáng lên một ngọn lửa yêu nước, một tinh thần đoàn kết của toàn dân ta.

Trong hơn một tuần qua, lòng dân cả nước đều hướng về số nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, hướng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Người con ưu tú của dân tộc, đến khi qua đời vẫn còn dấy lên những điều kỳ diệu trong nhân gian- tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Có lẽ đã lâu lắm rồi, kể từ khi Hồ Chủ tịch qua đời vào năm 1969, người ta mới thấy được sự ra đi của một con người lại mang sức mạnh đến thế. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, cái tin ấy đã khiến trái tim hàng triệu con người nhói đau nhưng cũng chính sự ra đi ấy lại kéo cả dân tộc lại gần nhau hơn.


	Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng, bBiển người đoàn kết, cùng trào dân nỗi đau như mất người ruột thịt.

Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng, bBiển người đoàn kết, cùng trào dân nỗi đau như mất người ruột thịt.

Dòng người từ khắp mọi miền tổ quốc đổ về Hà Nội, Quảng Bình. Họ vốn xa lạ trong biển người mênh mông nhưng lại cùng có chung một nỗi đau trước mất mát này. Triệu người dân cũng là cả triệu người thân với tang quyến.

Cả nước đã thấy được vô vàn những hình ảnh hết sức nhân văn qua sự ra đi của Đại tướng. Đó là những cựu chiến binh lặn lội hàng trăm km đến nghiêng mình trước anh linh của người anh cả, thủ trưởng của mình. Là hình ảnh của đồng bào dân tộc phía Bắc lặng lẽ chờ đợi đến lượt vào viếng Đại tướng. Đó là hình ảnh của chị bán cà phê sẵn sàng nghỉ việc kinh doanh để mua bánh mỳ phát miễn phí cho mọi người. Đó là hình ảnh những áo xanh tình nguyện siết chặt tay nhau tạo thành bức tường che chắn cho mọi người đến đám tang được an toàn, trật tự,…

Còn rất nhiều những hình ảnh nữa, đều đẹp đẽ và có sức lay động lòng người vô cùng. Có lẽ một tuần qua cũng là thời điểm mà hai chữ đồng bào được biểu thị rõ nét nhất, tinh thần đoàn kết của cả dân tộc lên cao nhất.

Sự ra đi của Đại tướng đã để lại niềm tiếc thương to lớn, nhưng sự ra đi ấy cũng đồng thời thắp sáng lên một ngọn lửa yêu nước, một tinh thần đoàn kết trong toàn dân ta.

Trước biển người ngày ngày đổ về số nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, trước những tình cảm chân thành của nhân dân dành cho vị Đại tướng của mình, nhiều hãng tin trên thế giới đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với tinh thần dân tộc của nhân dân Việt Nam: Trong bài viết “Việt Nam tiễn biệt lần cuối vị “Napoleon Đỏ” Võ Nguyên Giáp, hãng tin Reuters nhận định: “Những hình ảnh trong lễ tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho thấy sự đoàn kết trong lòng dân tộc Việt Nam”. Còn Hãng tin BBC nêu rõ: “Sự ra đi của Đại tướng đã tạo ra một sự dâng trào cảm xúc kỳ lạ”.

Tinh thần đoàn kết vốn là một truyền thống quý báu của người Việt Nam, tinh thần ấy đã được phát huy trong lịch sử và mang lại những chiến công hiển hách. Nếu không có tinh thần ấy, thử hỏi làm sao chúng ta có thể đánh bại quân Nguyên Mông, đội quân đã làm cả châu Âu nghiêng ngả. Nếu không có tinh thần ấy thì chỉ với xe thồ và phần nhiều là vũ khí thô sơ, làm sao chúng ta có thể làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; thử hỏi làm sao một đất nước bé nhỏ, với những con người hiền lành, chất phác làm sao có thể chiến thắng được những đội quân sừng sỏ nhất thế giới.

Phải nhìn nhận một thực tế rằng, dân tộc ta là một dân tộc yêu hòa bình nhưng lại phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước bậc nhất thế giới. Là vị Tổng tư lệnh của quân đội, có lẽ Đại tướng là người hiểu hơn ai hết về ý nghĩa và vai trò của đoàn kết.

Còn nhớ cách đây gần một năm, mặc dù sức khỏe đã yếu, nhưng Đại tướng vẫn thể hiện sự quan tâm đến thế hệ trẻ. Ông viết thư cho Ban tổ chức Chương trình Sáng tạo vì Khát vọng Việt với những lời nhắn nhủ về tinh thần đoàn kết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”. Đây cũng chính là lời khẳng định về sức mạnh lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam. Chúc các bạn trẻ có đủ sức mạnh để lập nghiệp, kiến quốc”.

Lịch sử đã chứng minh, nếu đoàn kết lại, khó khăn nào chúng ta cũng sẽ vượt qua. Và đoàn kết cũng là một cách thể hiện tình yêu nước. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng đến vấn đề đoàn kết. Người từng khẳng định: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Trong những ngày qua, mọi người dân Việt Nam đang cùng nhau đoàn kết lại để sẻ chia những khó khăn với đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Từng chuyến, từng chuyến hàng cứu trợ gửi đi; từng người dân, từng doanh nghiệp đều muốn được đóng góp công sức, của cải vào để xoa dịu những mất mát do thiên tai gây ra cho khúc ruột miền Trung.

Đoàn kết đã trở thành thuộc tính của dân tộc Việt Nam trước những gian khó của chiến tranh hay bão giông, nắng lửa. Thế hệ người Việt Nam ngày nay cần phải nhận thức rõ hơn sức mạnh đoàn kết dân tộc trong kiến thiết, xây dựng đất nước để không chỉ giữ vững độc lập, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ mà còn trở thành quốc gia có kinh tế vững mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc trong khu vực và trên thế giới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại