GIAO LƯU TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN

BAN BIÊN TẬP |

(Soha.vn) - Đúng 9h sáng ngày 15/10/2013, Báo điện tử Trí Thức Trẻ sẽ tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến Quốc tế với chủ đề "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bài học lòng dân".

Ngay sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, hàng chục triệu người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đã bày tỏ nỗi tiếc thương vô hạn và sự ngưỡng vọng đối với vị Tổng tư lệnh huyền thoại của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tại nhà riêng của Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu (Hà Nội), tại Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (Mường Phăng, Điện Biên), tại quê hương Đại tướng ở Lệ Thủy (Quảng Bình), các tỉnh thành khác trong cả nước và Đại sứ quan Việt Nam tại nước ngoài… đã có hàng triệu người dân từ khắp mọi miền Tổ Quốc tìm về thắp hương, thành tâm kính viếng.

Dòng người đứng xếp hàng thâu đêm suốt sáng chỉ để được vào dâng lên Đại tướng một bông hoa tươi, một lời từ biệt, những giọt nước mắt chứa chan của hàng triệu người trong suốt hơn 10 ngày qua… đã nói lên tất cả tấm lòng thành kính, yêu thương vô hạn của nhân dân đối với một người con kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, một Vị tướng của nhân dân.

Có người nói rằng: “Ngay cả khi Đại tướng nằm xuống, ông cũng vẫn góp phần đoàn kết dân tộc”.

Điều gì khiến Đại tướng trở thành bất tử trong lòng nhân dân như vậy?

Đại tướng đã để lại di sản gì, bài học gì về lòng dân cho các công bộc hôm nay?

Việt Nam cần làm gì để khơi dậy sức mạnh của toàn dân tộc, tiếp tục chiến thắng những Điện Biên phủ lớn nhỏ trong các mặt trận kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, quốc phòng?

Với tất cả sự kính trọng, ngưỡng mộ nhân cách, tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đáp ứng tình cảm vô bờ bến của độc giả khắp nơi dành cho Đại tướng, Báo điện tử Trí Thức Trẻ tổ chức cuộc Giao lưu trực tuyến Quốc tế với với chủ đề: “ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN” vào 9h ngày thứ Ba 15/10/2013.

Bạn đọc gửi câu hỏi giao lưu cho khách mời vào hộp câu hỏi ở trên hoặc email vào địa chỉ sohanews1@gmail.com.

Khách mời của cuộc giao lưu đến từ các đầu cầu Hà Nội, TP.HCM, Quảng Bình, Liên bang Nga, Anh, Pháp, Úc, trong đó có những vị khách nước ngoài đặc biệt như Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Venezuela, nhà sử học nổi tiếng người Pháp Alain Ruscio.

I. Đầu cầu VIỆT NAM:

1. Hà Nội:

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Bolivar Venezuela tại Việt Nam, ngài Jorge Rondón Uzcátegui:

Ngài Jorge Rondón Uzcátegui đến Việt Nam năm 2006 với danh nghĩa là Đại biện lâm thời. Ông được giao trọng trách thiết lập Đại sứ quán nước Cộng hòa Bolivar Venezuela tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông được bổ nhiệm là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Venezuela tại Việt Nam.

Ngài Đại sứ chia sẻ, khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, ông rất bàng hoàng, đau đớn, dù biết Đại tướng đã lớn tuổi. Ông đã ngay lập tức gọi điện báo tin cho các nhà lãnh đạo Venezuela. Tổng thống Venezuela, Ngài Nicolas Marudo khi đó đã thốt lên “Thế giới đã mất đi một người anh hùng, một huyền thoại”.

	Ngài Jorge Rondón Uzcátegui

Ngài Jorge Rondón Uzcátegui

Cá nhân ngài Đại sứ, Chính phủ và nhân dân Venezuela dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp những tình cảm đặc biệt. Điện chia buồn của chính phủ Venezuela trước tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần có đoạn viết “Nhân dân Venezuela cảm thấy vô cùng đau buồn trước cái chết của vị chiến binh nổi tiếng thế giới, với tinh thần độc lập dân tộc mạnh mẽ…Trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chính phủ Venezuela khẳng định lại lời nói của cố Tổng thống Hugo Chávez trong chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam năm 2006, rằng ông mơ ước được đồng hành cùng Tướng Giáp trong một trận chiến ở vị trí giản đơn của một người lính”.

Quốc hội Venezuela cũng vừa thông qua Nghị quyết tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nghị quyết xác nhận Venezuela sẽ tiến hành hệ thống hóa, xuất bản, phát hành và nghiên cứu các tác phẩm và sự nghiệp của Đại tướng về cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc.

Ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:

Tâm sự về Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Vũ Mão chia sẻ: “Đây là một trong những trường hợp rất hiếm có phản ánh tình cảm đặc biệt của nhân dân với người quá cố. Trường hợp đầu tiên là Bác Hồ và bây giờ là bác Giáp. Đối với các lãnh tụ xuất sắc của chúng ta như cố Tổng bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng... nhân dân đều xúc động tiễn đưa. Nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là trường hợp rất hãn hữu mà tình cảm nhân dân dâng trào lên mức như thế.

Nói về mặt nào đó, tôi tin người ta sẽ tôn thờ bác Giáp như một vị thánh, như đã tôn vinh tướng Trần Hưng Đạo. Đây không phải ai quy định, cho hay không cho mà là sự suy tôn của dân”.

	Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão

Nhà sử học Dương Trung Quốc – Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam:

Nói về tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Napolenon, ông Dương Trung Quốc ngắn gọn: “Tài năng quân sự của Napoleon thì cả thế giới đều biết nhưng sự khác biệt nhất giữa Napoléon và Võ Nguyên Giáp là một bên là viên tướng của những cuộc viễn chinh xâm lược, còn một bên là một vị tướng của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của mình”.

	Nhà sử học Dương Trung Quốc

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Thiếu tướng – Nhà văn quân đội Hồ Phương:

Thiếu tướng Hồ Phương là nhà văn trưởng thành từ “Chiến sĩ Quyết tử” của Thủ đô 60 ngày đêm khói lửa bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của cha ông, gìm chân quân xâm lược cho cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến. Ông trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn suốt những năm chống Pháp, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ. Tác phẩm “Những cánh rừng lá đỏ” của ông đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012 từng khắc họa hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

	Thiếu tướng - Nhà văn Hồ Phương

Thiếu tướng - Nhà văn Hồ Phương

Những cuốn tôi viết về Điện Biên Phủ tôi đều nói về bác Giáp. Khi đã viết về chiến tranh thì không bao giờ thiếu bác Giáp. Qua báo chí trong nước và quốc tế, tôi còn thấy được Đại tướng là một thiên tài về quân sự” – nhà văn Hồ Phương chia sẻ.

Thiếu tướng Đỗ Quốc Ân – nguyên Tư lệnh Binh chủng Pháo binh.

Với vai trò tư lệnh “vua chiến trường” Việt Nam, thiếu tướng Đỗ Quốc Ân hiểu hơn ai hết về sức mạnh và tầm quan trọng của pháo binh trong các chiến dịch lớn như Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác đưa pháo vào trận địa rất khó khăn do gặp dốc, tốc độ kéo pháo chậm hơn rất nhiều. Trời lại đổ mưa, đất cứng bên sườn núi cao biến thành bùn nhão, mỗi nhịp kéo, khẩu pháo chỉ nhích không đầy gang tay. Nhiều đoạn đường kéo pháo nằm chênh vênh bên vực sâu, có lúc đứt dây tời, chiến sỹ cầm chèn phải lao vào bánh xe chấp nhận hy sinh để cứu pháo khỏi lăn xuống vực sâu. Qua 6 đêm, pháo mới đi được 12km. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy tương quan lực lượng giữa ta và địch có sự thay đổi, khả năng thất bại và thương vong của quân ta cao, Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã quyết định hoãn cuộc tiến công, kéo pháo ra, thu quân về vị trí tập kết, đổi từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc” làm nên chiến thắng thần kỳ vang vọng 5 châu.

	Thiếu tướng Đỗ Quốc Ân - nguyên Tư lệnh Binh chủng Pháo binh

Thiếu tướng Đỗ Quốc Ân - nguyên Tư lệnh Binh chủng Pháo binh

Nhà thơ Anh Ngọc – Tác giả bài thơ “Vị tướng già” nổi tiếng:

Nhà thơ Anh Ngọc từng là phóng viên báo Quân đội nhân dân rồi chuyển sang làm biên tập viên, cán bộ sáng tác tạp chí Văn nghệ quân đội. Là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Anh Ngọc được nhiều người biết đến qua “Vị tướng già” – bài thơ lấy nguyên mẫu từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

…Ru giấc mơ của vị tướng già

Có tiếng khóc xen tiếng cười nức nở

Một chân ông đã đặt vào lịch sử

Một chân còn vương vấn với mùa thu”.

	Nhà thơ Anh Ngọc

Nhà thơ Anh Ngọc

Nhà thơ Anh Ngọc chia sẻ, trong con mắt của ông từ thuở bé, Đại tướng luôn là một con người vĩ đại, được nhân dân cả nước phục và kính trọng. Lần đầu tiên được gặp tướng Giáp, Anh Ngọc đặc biệt ấn tượng với ánh mắt của Đại tướng: “Đại tướng có ánh mắt của một nhà thơ”.

Dịch giả Nguyễn Văn Sự:

Ông là dịch giả cuốn sách “Võ Nguyên Giáp – chiến thắng bằng mọi giá”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - danh tướng của thời đại qua tư liệu nước ngoài” của GS sử học người Mỹ Cecil B. Currey. Ông cũng đã từng là học sinh của trường Thăng Long – nơi Đại tướng dạy học và cũng từng làm lính của “anh Văn” từ năm 17 tuổi.

Là người thông thạo 7 thứ tiếng, dịch giả Nguyễn Văn Sự đã dịch nhiều về Đại tướng nhưng trong tâm trí ông, nhiều cuốn sách cũng chưa thể viết hết những điều tuyệt vời về thiên tài quân sự lỗi lạc của Việt Nam và thế giới. Khi biết tin Đại tướng qua đời, ông đã khóc và xếp hàng đi viếng Đại tướng tại 30 Hoàng Diệu. Sau đó ông già 85 tuổi theo Linh cữu Đại tướng vào tận Quảng Bình để tiễn Người về đất mẹ. Sáng 15/10 trở lại Hà Nội, ông đến thẳng tòa soạn để tham gia giao lưu trực tuyến.

	Dịch giả Nguyễn Văn Sự

Dịch giả Nguyễn Văn Sự

Tiến sỹ Michael Gerard Parsons - tình nguyện viên Australia đang công tác tại Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam:

Tiến sỹ Parsons đã sống và làm việc ở Việt Nam 6 năm. Ông từng là cố vấn kỹ thuật cao cấp của Dự án Đói nghèo và Môi trường do UNDP và DFID tài trợ.

Michael Gerard Parsons là một người rất yêu Việt Nam. Trong những thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước, ônglà một thành viên tích cực của phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở Australia. Từng làm việc tại 12 nước, nhưng khi đến Việt Nam, ông đã quyết định ở lại gắn bó lâu dài với đất nước này. Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, ông đã xếp hàng 6 tiếng trước cửa nhà 30 Hoàng Diệu để được viếng Người. Tiến sỹ Parsons sẽ chia sẻ với độc giả những cảm nghĩ đặc biệt của ông về vị Đại tướng mà ông rất mực ngưỡng mộ, người đã truyền cảm hứng cho ông trong những công việc góp phần vào sự hòa bình, thịnh vượng của Việt Nam.

	Tiến sỹ Michael Gerard Parsons

Tiến sỹ Michael Gerard Parsons

2. Quảng Bình:

Ông Võ Đại Hàm (70 tuổi), cháu gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ông:

Ông Võ Đại Hàm là người được Đại tướng tin tưởng giao trọng trách trông coi ngôi nhà ở quê, nay là nhà lưu niệm của Đại tướng, ngót 30 năm nay. Chính Đại tướng đã nuôi ông Hàm ăn học thành người. “Đại tướng luôn căn dặn tôi, dòng họ Võ có truyền thống cách mạng cho nên mình phải cố gắng phát huy các truyền thống tốt đẹp đó mà vươn lên chứ không được ỷ lại”, ông Hàm tưởng nhớ trong bồi hồi xúc động.

	Ông Võ Đại Hàm

Ông Võ Đại Hàm

3. Thành phố Hồ Chí Minh:

Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch Công ty Dược Hậu Giang:

Bà Nga là 1 trong 2 CEO Việt duy nhất lọt vào top 50 nữ doanh nhân có thành tích xuất sắc nhất châu Á năm 2013 của Forbes. Bà Nga tâm sự: “Ấn tượng đầu tiên khi tôi tận mắt nhìn thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp đó là khuôn mặt phúc hậu, nhìn không giống vẻ của một tướng lĩnh quân sự mà tôi tưởng tượng. Không "đằng đằng sát khí" mà phúc hậu từ lúc trẻ cho tới cả khi đã về già”.

	Bà Phạm Thị Việt Nga

Bà Phạm Thị Việt Nga

II. Liên bang NGA:

Bà Daria Mishukova, Tiến sĩ Việt Nam học người Nga:

Bà Daria Mishukova từng học Đại học Tổng hợp Quốc gia Viễn Đông (Liên Bang Nga) và Đại học Quốc gia Hà Nội, sau đó làm luận án tiến sĩ về ngôn ngữ học và Việt Nam học. Trong những năm 2001-2007, bà Daria Mishukova giảng dạy về văn hóa, kinh tế và tâm lý người Việt. Bà từng đảm nhận chức Phó chủ nhiệm khoa Ngữ văn các nước Đông Nam Á, tại Trường ĐHTH QG Viễn Đông (TP. Vladivostok - LB Nga).

Bà Daria Mishukova là người rất am hiểu về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Cuốn sách “Việt Nam - Đất nước con Rồng cháu Tiên” được bạn đọc Nga và Việt Nam đánh giá là một công trình kỳ công, hàm lượng thông tin rất phong phú, nghiêm túc nhưng không kém phần thú vị về đất nước và con người Việt Nam.

Là người đã nhiều năm nghiên cứu và gắn bó với Việt Nam, bà Daria Mishukova chắc chắn sẽ có những nhận định sâu sắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp , một người con vĩ đại của đất Việt.

	Tiến sĩ Daria Mishukova - Tiến sĩ Việt Nam học người Nga

Tiến sĩ Daria Mishukova - Tiến sĩ Việt Nam học người Nga

III. ÚC

Tiến sĩ Trần Bắc Hải hiện đang sống và làm việc tại Australia:

Nguyên là đại úy Quân đội Nhân dân Việt Nam, tiến sĩ Trần Bắc Hải luôn luôn tự hào về những năm tháng trong quân ngũ và dành sự ngưỡng vọng đặc biệt cho Đại tướng đầu tiên, vị Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp .

Chính những tình cảm này đã thôi thúc Tiến sĩ Trần Bắc Hải thực hiện một album gồm 11 câu chuyện được kể bằng bài hát như Đò lên Thạch Hãn, Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh… về những người anh hùng đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc. Toàn bộ tiền bán album được dùng để gây quỹ đền ơn đáp nghĩa các thương binh, liệt sĩ đã hiến dâng tuổi xuân cho đất nước, trong đó có gia đình liệt sĩ - thương binh trận Gạc Ma - Trường Sa, chiến dịch CQ 1988 có hoàn cảnh thật sự khó khăn.

Tiến sĩ Trần Bắc Hải sẽ chia sẻ với độc giả về những tình cảm, đánh giá của cá nhân ông và đồng bào Việt Nam ở Australia cũng như của người dân Australia đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

	Tiến sỹ Trần Bắc Hải

Tiến sĩ Trần Bắc Hải

IV. PHÁP

Nhà sử học Alain Ruscio:

Nhà sử học nổi danh người Pháp Alain Ruscio, phóng viên thường trú duy nhất ở Việt Nam của báo Nhân Đạo - tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp từ năm 1978 -1980 là tác giả của cuốn sách " Võ Nguyên Giáp - một cuộc đời" nhân kỉ niệm lần thứ 100 sinh nhật Đại tướng. Ông hiện đang là Giám đốc Trung tâm thông tin và tư liệu về Việt Nam tại Pháp.

Ông Ruscio đã được Đại tướng dành cho nhiều câu chuyện thú vị về cuộc đời và gia đình mình trong nhiều lần được gặp gỡ, trò chuyện với Đại tướng.

Nhà sử học Ruscio sẽ chia sẻ với độc giả những đánh giá về của mình về cuộc đời và nhân cách đáng ngưỡng mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp .

	Nhà sử học nổi danh người Pháp Alain Ruscio

Nhà sử học nổi danh người Pháp Alain Ruscio

Tiến sĩ Tạ Minh Trí, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp UEVF:

Tiến sĩ Trí sẽ đại diện cho cộng đồng học sinh - sinh viên nước ngoài chia sẻ những cảm xúc của mình về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong lễ viếng Đại tướng tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp, Tiến sĩ Tạ Minh Trí đã có vinh dự được thay mặt cho những học sinh, sinh viên đang sống và học tập xa quê hương bày tỏ sự thương tiếc của mình đối với sự ra đi của Đại tướng.

	Tiến sĩ Tạ Minh Trí, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp

Tiến sĩ Tạ Minh Trí, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp

V. Vương quốc ANH

Ông Lương Sơn Thành - Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Vương Quốc Anh.

Ông Lương Sơn Thành là người rất tích cực trong các hoạt động đoàn kết người Việt Nam ở Anh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời là người ủng hộ nhiệt thành các hoạt động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam trong nước. Là một người con đất Việt thành đạt ở nước ngoài, ông Lương Sơn Thành sẽ đưa ra nhiều nhận định sâu sắc về giá trị của những di sản mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại trong việc phát huy những phẩm chất của người Việt, lòng tự hào của người Việt và đoàn kết người Việt để xây dựng một tương lai cường thịnh.


	Ông Lương Sơn Thành - Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Vương quốc Anh

Ông Lương Sơn Thành - Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Vương quốc Anh

Bạn đọc gửi câu hỏi giao lưu cho khách mời vào hộp câu hỏi ở trên hoặc email vào địa chỉ sohanews1@gmail.com.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại