Sau nghi thức quốc ca, quốc tế ca, diễn văn khai mạc và chào mừng đại hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về các văn kiện XII của Đảng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đọc báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
Buổi chiều, các văn kiện Đại hội XII sẽ được thảo luận tại 68 đoàn (tương ứng 63 đảng bộ tỉnh, thành phố và 5 đảng bộ trực thuộc trung ương: quân đội, công an trung ương, khối các cơ quan trung ương, khối doanh nghiệp và ngoài nước).
Các văn kiện đại hội bao gồm năm dự thảo: Báo cáo chính trị; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016-2020;
Báo cáo tổng kết việc thi hành điều lệ Đảng khóa XI và đề xuất bổ sung, sửa đổi điều lệ Đảng tại Đại hội XII; Báo cáo tổng kết thực hiện nghị quyết trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”;
Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
Tại phiên trù bị sáng qua, đại hội bầu đoàn chủ tịch gồm 17 người (16 ủy viên Bộ Chính trị và bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận trung ương Hà Thị Khiết);
Đoàn thư ký gồm năm người do Bí thư Trung ương Đảng, chánh Văn phòng trung ương Trần Quốc Vượng làm trưởng đoàn;
Ban thẩm tra tư cách đại biểu gồm 13 người do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Ngô Văn Dụ làm trưởng ban.
Đại hội cũng đã thông qua quy chế làm việc của đại hội, chương trình làm việc của đại hội, quy chế bầu cử tại đại hội và thông qua báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu.
Theo chương trình, đại hội bế mạc sáng 28-1 với ba ngày dành cho văn kiện, bốn ngày dành cho nhân sự (tính cả công tác nhân sự tại hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XII) và một ngày dành cho các phiên khai mạc, bế mạc.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết quy chế bầu cử tại đại hội được thông qua theo hướng tương tự quy chế bầu cử trong Đảng (ban hành kèm quyết định 244 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI).
Cụ thể, bổ sung quy định “ba không” dành cho ủy viên trung ương: không được đề cử người ngoài danh sách nhân sự do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI giới thiệu, không được tự ứng cử và không được nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách nhân sự do Ban Chấp hành Trung ương XI đề cử.
Đảng viên chính thức không phải là đại biểu đại hội có quyền ứng cử để đại hội bầu vào Ban Chấp hành trung ương.
Người ứng cử phải thực hiện quy trình, thủ tục ứng cử theo quy định, trong đó có việc nộp đơn (hồ sơ) ứng cử trước đại hội 15 ngày.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết đến thời điểm này chưa có đảng viên nào tự ứng cử vào Ban Chấp hành trung ương.
Quy chế bầu cử còn bổ sung quy định về số dư tối đa không quá 30% so với số lượng cần bầu, trong đó Ban Chấp hành trung ương chuẩn bị số lượng đề cử với đại hội có số dư từ 10-15%.
Nếu tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử mà số dư nhiều hơn 30% thì đoàn chủ tịch lấy phiếu xin ý kiến đại hội về các ứng cử viên mới (nằm ngoài danh sách Ban Chấp hành trung ương đề cử) để lấy người có số phiếu cao hơn, không nhất thiết quá một nửa cho đến khi đủ số dư tối đa 30%.
Lãnh đạo phải có quyết tâm đổi mới
“Những người làm lãnh đạo phải có quyết tâm và tư duy đổi mới” - ông Nguyễn Thế Kỷ, phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, đã trao đổi như vậy khi báo chí đặt câu hỏi về yêu cầu với thế hệ lãnh đạo mới, bên lề cuộc họp trù bị Đại hội Đảng XII.
Ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết các hội nghị Ban Chấp hành trung ương khóa XI đã thảo luận rất nhiều về công tác nhân sự.
Yêu cầu là sự lãnh đạo của Đảng trong thời gian tới phải nâng tầm lên, thể chế hóa thành các chính sách pháp luật, đưa nghị quyết Đại hội 12 đi vào cuộc sống.
Theo ông Kỷ, ngoài yêu cầu đổi mới, có năng lực, điều kiện tiên quyết trong tiêu chuẩn của các ủy viên trung ương trước hết phải trong sạch, không giàu lên nhanh chóng, không có biểu hiện nhóm lợi ích.
Về mô hình phát triển, ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng đến thời điểm này có những vấn đề không còn phù hợp nữa nên phải đi tìm.
Thế giới 30 năm qua đi rất xa, ngay cả việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông cũng đặt ra những thách thức rất mới, buộc chúng ta phải xác định chiến lược trong tình hình mới.
Theo ông, phải đổi mới mạnh mẽ sâu rộng và bền vững. Đó là điều mong muốn của toàn Đảng, toàn dân.
VIỄN SỰ