Tứ linh gồm Long, Ly, Quy, Phượng. Trong đó Rùa là biểu tượng cho sự trường tồn, sống lâu, mãi mãi. Vì thế dân gian thường nói rằng "sống lâu như “cụ rùa”.
“Trong các đền, chùa của người Việt, ta thường bắt gặp hình ảnh rùa đội hạc. Đây là cặp biểu tượng cho sự điều hoà âm dương, vững bền.
Hay biểu tượng rùa đội bia đá như bia Tiến sĩ trong Văn miếu - Quốc tử giám, cũng với ý nghĩa để nói rằng, những vị trạng nguyên, những tiến sĩ sẽ được ghi danh từ đời nay sang đời khác, bền vững mãi mãi” - GS Ngô Đức Thịnh phân tích.
GS Thịnh nói thêm: “Vì nó là con vật thiêng, nên người ta tỏ lòng kính trọng. Tuy nhiên, trước đây PGS Hà Đình Đức - một nhà rùa học - từng đề xuất nên xếp rùa Hồ Gươm vào danh sách những bảo vật quốc gia, thì tôi cho rằng chưa hợp lý.
Bởi suy cho cùng, đó cũng chỉ là một sinh vật thôi, chứ đã là bảo vật quốc gia thì phải thực sự là vật quý, hiếm".
"Còn người dân Hà Nội thường gọi là “cụ rùa”, tôi nghĩ cũng bởi nó gắn với truyền thuyết vua Lê đánh thắng giặc Minh rồi trả gươm ở đây”.
“Hồ Hoàn Kiếm không còn “cụ rùa” nữa thì nhiều người sẽ có cảm giác thiếu vắng, vì nó gắn với truyền thuyết lâu đời. Nhưng cũng không nên thiêng hoá rùa Hồ Gươm một cách quá mức” - GS Ngô Đức Thịnh chia sẻ.
Còn PGS. TS Trần Lâm Biền (Tạp chí di sản văn hoá) phân tích: “Rùa là một biểu tượng trong đời sống văn hoá của người Việt.
Trường hợp rùa Hồ Gươm thì gắn với tính chất hoà bình, mang tính chất là sống chung với lũ lụt, và được huyền thoại hoá thành truyền thuyết trả gươm cho rùa.
Còn đối với người thiểu số thì rùa là biểu tượng cho nhà sàn, mai rùa khum khum tượng trưng cho trời (mái nhà), bụng nó bằng phẳng tượng trưng cho đất (sàn nhà), chân nó là biểu tượng cột nhà.
Sống trong nhà sàn là sống trong dòng sinh khí của trời đất, âm dương, nên nó luôn gắn với hạnh phúc”.
“Nếu thiêng hoá rùa hồ Gươm, để gắn với những yếu tố tích cực là truyền thuyết đánh giặc Minh cứu nước của vua Lê Lợi thì đó là cách nghĩ có phần đẹp đẽ, dễ hiểu, dễ nhớ về lịch sử cho người dân” - PGS. TS Trần Lâm Biền bày tỏ.