Pachac huyền bí
Đã từ lâu, tôi nghe câu chuyện bà con đồng bào dân tộc sống dọc dãy Trường Sơn lưu truyền bí quyết đánh cá bằng vỏ cây.
Do đó mỗi lần đặt chân đến bản làng nào, tôi cũng mở lời hỏi thăm và nhận được câu trả lời rằng, có bài thuốc này, nhưng khi đề đạt nguyện vọng được “mục sở thị” thì ai cũng lắc đầu từ chối.
Họ cho rằng, đấy là bài thuốc cá bí truyền, không cho người ngoài biết, vì sử dụng không đúng cách thì cá, tôm, cua… sống dưới nước bị giết sạch.
Mặc kệ, tôi vẫn quyết lên huyện vùng cao Tây Giang, Quảng Nam, nơi 95% đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống để tìm hiểu.
Theo lời chỉ dẫn, tôi quyết định vào xã Tr’hy. Và may mắn khi ghé lại nhà của già làng Clâu B’lao, ở thôn Voòng thì gặp được cánh thanh niên trong làng đang tổ chức ăn uống mừng mùa lúa mới thắng lợi.
Sau chầu rượu, tôi hỏi về bài thuốc cá của người Cơ Tu thì ai cũng chen nhau kể.
Ploong Bản cho hay, sáng sớm ngày mai, nhóm thanh niên trong làng gồm 5 người vào rừng thuốc cá, do anh làm “thủ lĩnh”. Để chuẩn bị cho chuyến đi, người gùi gạo, người xách xoong nồi tiến vào rừng sâu.
Đúng như lịch trình, từ sáng sớm nhóm thanh niên xuất phát từ thôn Voòng, chạy xe máy hơn 30 phút thì dừng xe tấp bên đường. Tại đây bắt đầu cuốc bộ vào rừng sâu, cả đoàn men theo con suối chừng 1 giờ đồng hồ.
Anh Bản ra lệnh: Mình dừng chân thôi, đây là suối Kaon, đoạn Pê Nưng, địa điểm này bày binh bố trận hợp lý nhất. Con suối chia làm 3 nhánh, mình sẽ ngăn một nhánh lại và thuốc cá.
Vào rừng săn cá
Dưới sự chỉ huy của Bản, mỗi người làm một việc. Người chặt cây, người khiêng đá để ngăn dòng nước. Anh Bản chia sẻ:
“Nước càng cạn thì thuốc cá càng hiệu quả, bây giờ phải ngăn nước, lúc đó giã vỏ cây thì đừng hòng con cá nào chạy thoát”.
Nhiệm vụ quan trọng được giao cho anh Ploong Tia. Vai mang gùi, tay cầm rựa, Tia tiến vào rừng sâu. Tia cho biết, từ nhỏ đã theo cha vào rừng săn cá, cách thức như nào được cha truyền dạy.
Cây thuốc cá người Cơ Tu gọi là Pachac, nó thường mọc gần suối. Cứ mỗi lần đi rừng, bắt gặp Pachac thì Tia đánh dấu, nên cây mọc ở đâu Tia nắm khá rõ.
Dùng cây, đá ngăn suối
Sau chừng 30 phút, Tia dừng lại, chỉ tay: “Cây Pachac đây rồi, thân cây nó thẳng, vỏ cây dày, dễ bóc vỏ lắm”. Rồi Tia dùng rựa bắt đầu cứa xung quanh gốc cây một vòng, sau đó tiếp tục lên phía trên.
Tia dùng đầu rựa rạch một lối từ trên xuống dưới và bóc vỏ Pachac.
“Khi mình lấy vỏ phải tính toán mức độ sâu của nhát cứa, phải cẩn thận không ảnh hưởng đến thân cây. Rựa đưa từng nhát nhẹ nhàng, nếu cứa sâu vào thân Pachac thì cây sẽ chết, còn cứa cạn thì 1-2 năm nó lại ra vỏ tiếp.
Người Cơ Tu biết và bảo vệ loại cây này, nên công việc lấy vỏ cây thường giao cho những người có kinh nghiệm đảm nhận”, Cool Tia tâm sự.
Vỏ Pachac được Tia chặt từng khúc ngắn cho vào gùi và mang ra suối, cũng đúng lúc 4 người khác đã ngăn đập chặn dòng nước.
Đoạn suối dài chừng 1km, cứ khoảng trăm mét thì giăng một tấm chắn ngang để hứng cá. Nước bắt đầu cạn dần, mỗi người tay cầm vỏ cây, tay cầm hòn đá, khúc gỗ giã nát vỏ Pachac. Vừa đập vừa nhúng xuống nước suối.
Mỗi đoạn suối cách vài trăm mét được giăng lưới đón cá trôi vào
Cá dính phải Pachac dùng làm thức ăn và người ăn không bị ngộ độc
Tò mò, tôi tham gia nhập cuộc, từng vỏ cây thẳng đuột được giã nhỏ, không may bị nước té vào mắt. Một cảm giác như trúng phải ớt cay, hai con mắt tôi nhắm tịt lại.
Thấy vậy, anh Bản lên tiếng: “Nhanh lên, chạy ra đoạn nước sạch úp mặt xuống và nhấp nháy con mắt liên tục”. Theo chỉ dẫn tôi thực hiện và có hiệu quả ngay tức thì.
“Ngược đời lắm con ạ! Ngày trước, cá ở miền núi mang về xuôi bán, còn nay thì ngược lại. Mua cá dưới xuôi đem lên ướp đá bụng trương phình, giá bán thì đắt đỏ nhưng không có cá suối buộc phải mua thôi.
Thời trai trẻ mỗi lần bố đi thuốc cá thì hàng chục thanh niên gùi cá về không hết, còn nay chỉ được vài kg là nhiều lắm rồi.
Cá ngày một cạn kiệt cũng vì người ta khai thác vàng, rồi kích điện khiến các con suối không còn cá sinh sôi”, già làng Clâu B’lao tâm sự.
Đúng là quá huyền bí, nước chảy đến đâu thì sau chừng 3-5 phút cá chao lượn lên mặt nước, thậm chí ếch, nhái, cua cũng ngoi lên bờ.
“Ngày trước khi giã vỏ cây thì phải có người đi theo nhặt cá, còn giờ mỗi đoạn giăng lưới, cá nổi lên mình không cần bắt mà tự nó chui vào đó”, anh Bản cho biết.
Theo Bản, vỏ Pachac giã nhỏ rất cay, do đó nước chảy đến đâu cá sẽ nổi lên đến đó. Nếu giã đậm đặc, cá bị nổ con mắt, nhưng biết được liều lượng thì không làm cho cá chết.
Nhiều loại cá tuyệt chủng
Cả đoạn suối, cá niên, cá bống và nhiều loại cá khác dính phải Pachac chui vào nằm gọn trong lưới. Một đoạn suối dài gần 1 km nhưng được 4 kg cá, cầm lên tay anh Bản cho rằng: “Chừng ri là nhiều lắm rồi, cá bây giờ khan hiếm, không còn như trước nữa”.
Dọn dẹp xong lưới thì 5 người tháo dỡ con đập, trả lại nguyên trạng dòng suối. Tôi hỏi, sao lại tháo đập vậy? Bản đáp: “Mình tháo nước xuống cho những con cá chưa bị bắt còn sống.
Khi nước cạn mình đập vỏ cây cá cay mắt nổi lên, khi nước lớn nồng độ cay giảm xuống, lúc đó cá sống trở lại. Người Cơ Tu không khai thác theo kiểu tận diệt, phải để cá sống tiếp tục sinh sản thì lần sau mới có mà bắt”.
Giã vỏ cây Pachac
Bữa cơm được nấu bên suối, thức ăn là cá vừa bắt được, rau thì hái trong rừng. Anh Bản kể, bài thuốc cá có từ ngàn đời nay, người Cơ Tu cứ thế hệ trước truyền thế sau.
Những lúc thiếu thức ăn, thanh niên trai trẻ vào rừng lấy vỏ cây và ra suối thuốc cá. Thuở xa xưa, bà con chỉ dùng những thứ có trong thiên nhiên để đánh bắt cá. Bắt được cá, nhiều người Cơ Tu chẳng bán mà đem về chia cho dân làng.
Theo phong tục đó, đám thanh niên thôn Voòng bây giờ cũng thế. Họ là những chàng trai trẻ nhưng được thế hệ trước truyền dạy nên có kinh nghiệm thuốc cá.
Nhưng khổ nỗi, ngày xưa thế cha ông của họ một lần thuốc cá mang về không hết, còn nay mỗi lần đi thuốc được vài kg là nhiều.
Anh Bản chua chát: “Ngày trước những con cá lăng, chình, nheo… nhiều vô kể, có những con nặng hơn chục kg, cá ăn không hết đem phơi khô sử dụng quanh năm.
Rứa mà cách đây mấy năm, người ta đưa máy móc đến suối Kaon đào bới đãi vàng, sau đó thải ra hóa chất, cá chết trắng suối, phần nữa nhiều dùng xung điện khiến nhiều loại cá quý gần như tuyệt chủng”.