Học sinh vùng cao dựng lều, bắt chuột…tìm chữ

Thiên Di |

(Soha.vn) - Bữa cơm “sang” lắm thì có thịt chuột xào bắt được, vài nghìn cá khô kho mặn…không thì chỉ có cơm trắng với lọ măng muối mặn đắng mang từ nhà.

Đó chỉ một trong vô vàn khó khăn của các em học sinh cấp 2 bán trú xã Kim Bon, Sơn La hàng ngày phải trải qua để có cơ hội tiếp tục đến trường, nuôi ước mơ được biết chữ, được đi học.

Tự dựng lều, lán chống rét

Vượt gần 300 cây số từ Hà Nội, chúng tôi ngược lên miền Tây Bắc. Gập ghềnh hơn 7 cây số đường dốc núi đá cheo leo, cả đoàn chúng tôi nôn nao, thấp thỏm hơn một tiếng đồng hồ mới đến được trung tâm xã Kim Bon, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.

Là một trong ba xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện, là địa bàn cư trú chủ yếu của người Mông và người Dao, nguồn thu chủ yếu dựa vào nương ngô, nương sắn. Điều kiện đi lại, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí kém… kéo theo sự học ở nơi đây còn nhiều bất cập, gian nan.

Cả xã có một trường cấp 2 nằm tại trung tâm xã, cách bản xa nhất hơn chục cây số đường rừng. Vì vậy, để biết con chữ, nhiều học sinh phải ở nội trú. Theo ông Hà Trọng Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Tiều học Kim Bon thì: “Do điều kiện đi lại khó khăn, hơn nữa đồng bào chưa để ý việc học tập của con em mình, nên các thầy cô giáo thường xuyên phải “tranh giành” học sinh với phụ huynh.

Cứ mùa thu hoạch ngô và lúa nương đến thì phụ huynh bắt con ở nhà đi làm nương, thầy cô giáo không thấy học sinh đến lớp lại đến tận nhà vận động phụ huynh cho các em đến trường”.

Vì khu nội trú không đủ chỗ ở nên nhiều học sinh ở xa phải thuê trọ ở nhà dân xung quanh. Đi bộ ngược lên cách trường gần hai cây số, chúng tôi được “thăm quan” chỗ ở, sinh hoạt của gần chục em trong chiếc nhà chống huếch hoác, tạm bợ.

Chỗ ở của gần chục học sinh cấp 2 Kim Bon, Phù Yên, Sơn La. Căn nhà được ốp tạm bợ bằng tấm ván mỏng.

Căn nhà xiêu vẹo được dựng bằng những miếng gỗ ốp, bên dưới là nền đất lạnh được kê những chiếc phản, để quần áo, sách vở, đồ ăn mang từ nhà lên. Đặng Văn Khánh, người dân tộc Dao, nhà ở bản Suối Tiếu (cách trường 12 cây số). Khánh là học sinh lớp 7, Trường THCS Kim Bon thỏ thẻ kể về chỗ ở của mình.

Căn bếp tạm bợ là chỗ nấu nướng của gần chục học sinh này.

“Mỗi tháng chúng em mất 70 nghìn/người tiền chỗ ở, tiền điện tính riêng. Mà tháng này không hiểu sao lại tăng giá điện, em mất 9 nghìn đồng trong khi đó tháng trước có 7 nghìn. Mỗi tháng bố mẹ cho em hơn 100 nghìn đi học”, Khánh kể.

Căn nhà của những học sinh này không thể chắn được gió lạnh, là nơi ấm áp vào những ngày rét cắt da cắt thịt ở đây. Một học sinh nói rằng, mùa đông ở đây lạnh lắm, có những hôm trời mưa rét, ướt chăn chiếu mà không làm thế nào được.

Thậm chí, không có tiền thuê trọ, vài học sinh rủ nhau dựng lều lán để sinh hoạt, có chỗ trú mưa, gió, tránh rét. 

Cái lán nhỏ nằm ở khu đất nhỏ cách trường gần 2 cây số, nó được dựng bằng tấm phên là chỗ ở của 4 em học sinh. (ảnh Vũ Minh).

Chỗ ở tạm bợ, những ngôi nhà xập xệ, nghiêng ngả, ọp ẹp là nơi hàng ngày những học sinh Kim Bon học tập, sinh hoạt. Không chỉ thế, những đứa trẻ này còn tự săn thịt chuột tươi sống để làm thịt dùng làm thức ăn.

Săn thịt chuột tươi… làm thức ăn

Vì không có thức ăn, những đồ ăn mang từ nhà chỉ là mấy cân gạo, bó rau cải rừng, bí đỏ và lọ măng muối mặn chát thì thịt chuột tươi là món ăn sang, đồ ăn ngon nhất mà các em có được. Để cải thiện bữa ăn, các học sinh nam rủ nhau từng tốp lên rừng, nương đặt bẫy chuột sau những buổi tan học ở trường.

Món ăn chính vẫn là cơm trắng nấu. Nếu "sang" thì sẽ là ít cá khô mặn.

Tò mò về cách bẫy chuột, Khánh kể rằng, bắt chuột dễ lắm. Buổi chiều tan học, cả bọn rủ nhau vào ngả rừng đặt bẫy, sáng hôm sau tìm bẫy và mang về chia nhau mỗi người một công việc làm món thịt chuột. Người xếp gạch làm bếp đun, người làm thịt chuột, người chế biến….

Thờ A Hờ khoe chiến tích bắt được chuột của mình. (Ảnh Giàng A Cối).

“Bạn này hôm nay không bắt được con nào vì sợ nó cắn vào tay. Để bẫy được phải làm cho chuột chạy từ trong hang ra rồi nhanh tóm lấy đầu chứ không được tóm đuôi. Mỗi lần em kiếm được 5 – 7 con, có hôm không được con nào”, Khánh ngại ngùng kể lại.

Nói về cách chế biến thịt chuột, Giàng A Chống (học sinh lớp 6) nói: “Đầu tiên hơ trên bếp củi cho chuột cháy trụi lông, làm sạch rồi mổ bụng, chỉ giữ lại gan và chặt ra thành từng miếng nhỏ. Sau đó, xào với tỏi hoặc rang lên là ăn được”.

Học sinh Kim Bon ăn ngon lành cơm trắng với thịt chuột vừa nấu xong. Thịt chuột được coi là món ăn ngon, cải thiện đối với các em. (Ảnh Vũ Minh).

Còn Thầu A Sếnh, người dân tộc Mông không may mắn không bắt được con chuột nào, Sếnh và bạn cậu ăn cơm với 5 nghìn cá khô kho mặn cho qua bữa. Ở đầu giường của A Sếnh có một lọ măng ngâm, chúng tôi xin một miếng ăn thử miếng nhưng không thể ăn nổi vì quá mặn. Khi hỏi em ăn có no không, A Sếnh ngại ngùng ăn vội vàng chút cơm cháy còn sót lại trong nồi rồi chạy mất.

Thầu A Sếnh đang cặm cụi rửa cá khô từ nước nguồn chảy từ rừng để làm thức ăn cho bữa trưa.

Lọ măng ngâm mặn chát là thức ăn của những học sinh vùng cao nơi đây. (Ảnh Vũ Minh).

Đối với những học sinh nơi đây, những bữa ăn no có thịt, có trứng, cá tươi là thứ xa xỉ, là những đồ ăn ngon chỉ được nhìn qua ti vi. 

Những bữa ăn mì tôm, cơm trắng…làm sao các em đủ no để học trên lớp? Những chiếc áo mỏng tang, cũ rách, căn nhà liêu xiêu, tạm bợ bằng lá làm sao chống chọi được qua mùa đông khắc nghiệt vùng cao? 

Lên Kim Bon mới thấu hiểu hành trình học chữ của những em nhỏ nơi đây còn gian nan, khó nhọc, khắc nghiệt hơn nhiều…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại