Vụ việc dùng súng bắn nhau của CSGT Đồng Nai xảy ra vào chiều ngày 22/9 khiến 1 người tử vong, 2 người bị thương nặng.
Theo báo cáo ban đầu của Công an tỉnh Đồng Nai, lúc 17giờ 45 phút cùng ngày, tại Trạm kiểm soát giao thông Suối Tre, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Đồng Nai (xã Suối Tre, thị xã Long Khánh), trực ban nghe tiếng súng nổ trong phòng ở tập thể.
Khi đến hiện trường, trực ban phát hiện có 3 cán bộ chiến sỹ bị thương gồm: Thiếu tá Trần Ngọc Sơn, Đại úy Ngô Quang Vinh và Trung úy Đoàn Thanh Phú.
Đám tang thiếu tá Sơn diễn ra tại nhà riêng.
Cán bộ, chiến sỹ của Trạm Suối Khe đã đưa 3 người bị thương đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa thị xã Long Khánh. Đến 19 giờ 40 cùng ngày, Thiếu tá Trần Ngọc Sơn đã tử vong tại bệnh viện.
Trung úy Đoàn Thanh Phú và Đại úy Ngô Quang Vinh đang tiếp tục được điều trị. Chiều ngày 23/9, cơ quan điều tra vẫn chưa thể lấy lời khai vì 2 người này đang trong tình trạng hôn mê.
Cơ quan điều tra đang tích cực làm rõ nguyên nhân nhưng vụ việc khiến dư luận hết sức bàng hoàng.
Cảnh sát dùng súng… bắn nhau. Có lẽ chưa hề có tiền lệ. Còn việc người phục vụ ở sân golf bị “thiếu gia”, “đại gia” đánh, chửi, dùng gậy đánh golf đập vào đầu thì không hiếm.
Vào giữa tháng 8/2012, lần đầu tiên dư luận biết chuyện nữ nhân viên phục vụ ở sân golf ở Đại Lải, Vĩnh Phúc bị khách đạp ngã xuống mép hồ, ngất xỉu. Điều đáng nói, người đàn ông đạp nữ nhân viên phục vụ làm ở một cơ quan Trung ương “rất oách”.
Công an địa phương triệu tập vị khách sang trọng nhưng hung hãn tới làm việc. Kết quả, nữ nhân viên nằm viện điều trị, “thiếu gia hung hãn” được bố bảo lãnh ra về.
Mấy ngày gần đây, dư luận sốc khi nghe tin ông Nguyễn Đức Sơn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội dùng gậy putt đánh vào đầu nhân viên phục vụ khiến anh này ngất xỉu.
Gần 1 tuần sau khi xảy ra vụ việc, trên trang thông tin của sân golf ra thông báo “cấm cửa” với ông Sơn 1 năm. Vì thế, vụ việc mới “rò rỉ” ra ngoài.
Sáng 23/9, ông Sơn trả lời một số phóng viên và trần tình, đó chỉ là “gõ nhẹ dạy bảo”.
Ông Sơn trần tình với báo chí về vụ việc.
Nhân viên phục vụ bị ông Sơn “gõ nhẹ dạy bảo” đó đã phải nằm viện, 1 tuần sau vẫn chưa thể đi làm. Xét thương tích không tới mức phải xử lý hình sự, cảnh sát cho hai bên tự thỏa thuận. Nam nhân viên đi làm thuê đã đồng ý bãi nại cho “đại gia” Sơn. Một số thông tin còn cho rằng, ông Sơn trước đó đã gây sự với nhân viên tại đây nhưng vì chưa gây hậu quả nghiêm trọng nên sự việc được “bịt kín”.
Chúng tôi đã tham vấn một số người thích chơi golf, họ đều khẳng định đó là trò chơi tốn kém. Để đến sân thường xuyên hàng tuần, người chơi phải bỏ ra chừng 200 - 400 triệu đồng/năm. Ngoài ra, số tiền người chơi golf mua gậy, mua bóng và một mô hình nhỏ đặt ở nhà, nơi làm việc để hàng ngày luyện tập cũng không ít. Họ bỏ tiền chơi gold 3G cũng tốn kém tiền triệu/ngày.
Không ai biết ông Sơn “đại gia” cỡ nào nhưng thú chơi golf thì quả thực chỉ nhà giàu mới dám theo đuổi. Vào trang thông tin của một số sân golf, người ngoại đạo thấy “chóng mặt” vì giá tiền mua các đồ dùng cho một tay “đập bóng” đều tính bằng “đô”. Cây gậy chơi “xoàng” cũng từ 30 – 40 triệu đồng. Các vật dụng khác như găng tay, giầy, quần áo, mũ, ống nhòm.. đều tính bằng tiền đô la. Chỉ tính riêng bóng cũng từ 100 – 300 nghìn đồng/quả.
Chỉ tiếc rằng, thú chơi của người lắm tiền trong sân golf đẹp như tranh vẽ ấy lại xảy ra những vụ đánh nhau như ngoài vỉa hè. Người có hành vi ứng xử côn đồ, đạp chân, đập gậy đã quên mất tinh thần thể thao khi chơi golf.