Hoàng hôn nhiệm kỳ, du lịch... tri ân: Đi Tây nhiều quá

Lam Lam |

Lấy tiền ngân sách của địa phương tổ chức cho cán bộ cuối nhiệm kỳ đi học tập, tập huấn là sai mục đích hoàn toàn

Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng nói với Đất Việt.

Đi nước ngoài nhiều quá?

Sau Quảng Nam tổ chức cho cán bộ, lãnh đạo sắp nghỉ hưu đi "học tập" tại nước ngoài, ông Đạt cho hay tình trạng các địa phương, bộ ngành tổ chức cho cán bộ, lãnh đạo sắp nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu đi nước ngoài là hiện tượng đang diễn ra tương đối phổ biến.

Hiện tượng này được ghi nhận nhiều hơn ở các cấp chính quyền địa phương từ quận, huyện, xã phường...

Nêu quan điểm cá nhân, ông Đạt thẳng thắn cho biết không ủng hộ việc tổ chức cho cán bộ đi du lịch cuối nhiệm kỳ.

Theo ông, tình trạng tổ chức cho cán bộ đi nước ngoài cũng đã được Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo phải siết chặt. Kể cả xét trên góc độ tình cảm cũng cần phải được thể hiện đúng mực vì đây là tiền ngân sách của địa phương.

Ông Đạt thẳng thắn, từ vụ việc của Quảng Nam vừa qua, nếu tính sơ bộ cũng đã tiêu tốn cả tiền tỉ của địa phương nếu nơi nào cũng vậy con số này sẽ là rất lớn.

Thêm vào đó còn có tình trạng một người đi lại kéo theo nhiều người khác, kể cả lái xe, vợ con thì học tập cái gì?

"Tôi nghĩ rằng, không cần phải học ai cách làm kinh tế, cũng không cần học nước nào phát triển kinh tế làm gì, cứ lấy tiền đó đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, an sinh xã hội, kinh tế sẽ phát triển.

Vì thế, phải có chế tài ngăn chặn triệt để tình trạng này, không để nó phát triển thành phong trào", ông Đạt nói.

Sai rõ rồi

Trước ý kiến cho rằng "đi du lịch trá hình cũng là một hiện tượng tham nhũng", ông Đạt cho hay: "Lấy tiền ngân sách của địa phương tổ chức cho cán bộ cuối nhiệm kỳ đi học tập, tập huấn là sai mục đích hoàn toàn.

Biểu hiện rất rõ ràng có thể ghi nhận ngay là cho cán bộ đi học tập về nghỉ hưu chứ không phải đi học tập để phục vụ.

Trong bối cảnh Chính phủ và Quốc hội đang kêu gọi thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, trường hợp của Quảng Nam cũng có thể xem là đã đi ngược chủ trương chỉ đạo chung.

Biểu hiện không tiết kiệm, sử dụng ngân sách sai mục đích, không hiệu quả là sai rồi, cần phải xử lý nghiêm".

Tuy nhiên, có coi đây là hiện tượng tham nhũng hay không, vị lãnh đạo Cục tỏ ra rất thận trọng.

"Có phải là hành vi tham nhũng hay không thì cần phải được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau. Từ quyết định cho đi, tới xác định nguồn tiền trợ cấp từ đâu... cũng cần phải được tìm hiểu rõ.

Dựa trên cơ sở đó sẽ có hình thức xử lý hình sự hay hành chính cho phù hợp.

Trước mắt, chúng tôi đang lắng nghe, tập hợp ý kiến từ nhiều phía, tới đây sẽ có báo cáo Chính phủ xin chỉ đạo nhằm chấn chỉnh hiện tượng này.

Về lâu dài sẽ kiến nghị đưa vào Luật quản lý hành chính hoặc Luật phòng chống tham nhũng, đưa ra những chế tài xử lý cụ thể", ông Đạt thông tin.

Trả lời báo Đất Việt trước đó, ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng nói rằng, những chuyến đi vội vàng, chóng vánh của nhiều cán bộ địa phương, kể cả Trung ương vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” thực tế là đi du lịch "trá hình".

“Tôi có được xem qua chương trình đi công tác nước ngoài của một số tỉnh, thấy số buổi dành để nghiên cứu học tập là rất ít, chỉ chiếm 1/5-1/6 lịch trình (khoảng 1-2 buổi) nhưng cũng không rõ ràng.

Không có đề cương làm việc cụ thể, hầu hết là đi du lịch, thăm quan, thắng cảnh. Ví dụ đi Ý, thì thăm những di sản văn hóa, đấu trường, nhà thờ…

Tôi từng nói thẳng đây không phải là đi công tác mà là đi du lịch “trá hình””, ông Tiến thẳng thắn.

Ông Tiến còn nói thẳng, sử dụng ngân sách địa phương tổ chức cho cán bộ, lãnh đạo cuối nhiệm kỳ đi du lịch có thể xem là một biểu hiện của tham nhũng.

“Nếu thẳng thắn với bản thân và thẳng thắn với người dân, đừng coi những chuyến du lịch “trá hình” là đi công tác là hay đi học tập có lẽ còn nhận được sự thông cảm nhiều hơn.

Tôi tin, người dân cũng không hẹp hòi, đủ rộng lượng để coi đó như một chuyến đi “chính sách” hay chuyến đi “tri ân” với những người lãnh đạo đã có nhiều cống hiến cho địa phương.

Nhưng tại sao cứ phải núp bóng những chuyến công tác nước ngoài, chuyến đi học tập, nghiên cứu? Một đoàn đi nghiên cứu học tập mà co tới 70-80% cán bộ đã và sắp về hưu thì học tập làm gì, nghiên cứu được gì?

Rồi tại sao lại phải sang tận Canada để học làm sổ xố… không nói người dân cũng thừa hiểu bản chất thực sự là gì”?, ông Tiến nói.

Vì thế, ông Lê Như Tiến cho rằng trước hết việc tổ chức những chuyến đi như vậy đã là không hợp lý.

Tiếp nữa, là việc lập lờ, không sòng phẳng để sử dụng tiền ngân sách, tiền của người dân để chu cấp, phục vụ những việc như vậy là điều khó có thể chấp nhận.

Ngay cả việc sử dụng tiền của DN, vị đại biểu này cũng không chấp nhận. Vì theo lý giải, không có đồng tiền nào được cho không, biếu không mà đều được thực hiện bởi những giao dịch đổi trác, xin cho.

Từ hệ lụy này sẽ lại dẫn tới những hệ lụy khác, từ tồn tại cơ chế xin cho thì lại tới cơ chế tham nhũng, hối lộ, bôi trơn…”. Vì vậy, ông Tiến nói thẳng dù đi bằng tiền nào đã là lãnh đạo, cán bộ, quan chức cũng phải cân nhắc, không được tùy tiện.

Từ những phân tích trên, ông Lê Như Tiến kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế ngăn chặn ngay những chuyến đi công tác kiểu “hoàng hôn nhiệm kỳ”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại