5 ngày đàm phán marathon tại thành phố Atlanta, bang Georgia (Mỹ) đã khép lại với kết quả được nhiều người mong đợi: Hiệp định TPP đã chính thức được kí kết.
12 thành viên của TPP bao gồm: Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam.
Theo đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh thì “Việt Nam tham gia TPP thực sự là một quyết sách chiến lược từ một tầm nhìn chiến lược và lâu dài".
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, cựu đại sứ Lê Văn Bàng - đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Hoa Kỳ, một trong những người khai mở cho mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ vào những tháng ngày khó khăn nhất cho biết:
“Nếu nhìn rộng và nhìn lâu dài thì tất cả các hiệp định hội nhập mà Việt Nam tham gia tôi nghĩ chỉ có lợi.
Ví dụ như một số hiệp định giữa Việt Nam – Hoa Kỳ, ban đầu nhiều người cũng sợ, cũng cho rằng khoan hãy ký, nhưng chúng ta vẫn ký và cuối cùng thấy là thắng lợi”.
Tuy vậy, ông Bàng đánh giá, không chỉ Việt Nam, nhiều nước khác khi hội nhập cũng có tâm lý của người đi từ suối ra sông, từ sông ra biển.
“Từ sông ra biển thì thấy biển lớn, nhưng đi một vài ba lần đi, rạn sóng, rạn gió thì cuối cùng cũng chịu được và mình thấy mình trưởng thành.
Chúng ta đang là nước lạc hậu, đi sau nên rất sợ. Ở nông thôn sợ ra thành thị, ở thành thị thì sợ ra Hà Nội vào TP. HCM vậy”, ông Bàng nói.
“Việt Nam đang đi ngược quy trình”
Cựu đại sứ này cho hay, ở Mỹ, các doanh nghiệp, công ty lớn sẽ đi đầu. Chính họ sẽ thúc đẩy, tác động để nhà nước ký các hiệp định như TPP, hỗ trợ họ làm ăn ở nước ngoài. Nếu không họ sẽ phải theo luật của nước ngoài và chịu thiệt.
“Ở Việt Nam chưa có những công ty như thế. Công ty nhà nước thì dựa vào nhà nước, công ty tư nhân thì chưa dám ra khỏi biên giới.
Lẽ ra doanh nghiệp phải là người đi đầu, đi trước, đi về rồi báo cáo lại nhà nước, nhà nước thương lượng và theo yêu cầu, đề xuất của các công ty thì mới đảm bảo đúng quy trình.
Quy trình của mình đang hơi ngược. Nhà nước đi trước kéo các doanh nghiệp theo sau nên tâm lý sợ là phải”, ông Bàng khẳng định,
Cũng theo ông Bàng, với TPP, những cái màu hồng thì mọi người nói cả rồi nhưng có những cái nhiều người chưa biết.
“Các doanh nghiệp Việt phải tự tìm hiểu xem nội dung hiệp định TPP như thế nào, phần nào ảnh hưởng đến ngành nghề của mình và mình phải chuẩn bị những gì.
Hiện các doanh nghiệp của ta hầu như không làm cái đó, không chịu làm cái đó mà toàn để nhà nước nói mà nhà nước nói thì không chính xác bằng minih tự nghiên cứu, mình tự đặt ra.
Cho nên các công ty Việt Nam phải tự tìm hiểu, tự so sánh để tránh bị thiệt. Một khi đã sợ thì mình sẽ thua ngay trên sân nhà”, cựu đại sứ Lê Văn Bàng nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Bàng (Ảnh: An ninh thế giới)
“TPP không chỉ toàn màu hồng”
Trong khi đó, ông Bùi Văn Nghị, Tổng Thư ký Hội Việt – Mỹ cho rằng, gia nhập TPP, chúng ta có nhiều thuận lợi như có thị trường xuất khẩu, có nhiều cơ hội trao đổi về công nghệ… Nếu chúng ta tranh thủ được sẽ rất tốt.
“Thế nhưng, Hiệp định TPP không chỉ toàn màu hồng. Hiệp định này đòi hỏi rất cao trong khi điều kiện kinh tế của Việt Nam đang thấp nhất trong những cái thấp.
Vấn đề là chúng ta chuẩn bị như thế nào để đón nhận cơ hội nó mang lại và các doanh nghiệp của ta đã hiểu về hiệp định này chưa”, ông Nghị nói.
Ông Nghị cũng cho biết, nông nghiệp Việt Nam còn nhiều yếu kém. “Sản phẩm của ta liệu có thể cạnh tranh được không?”, ông Nghị đặt vấn đề.
Cũng theo ông Nghị, người ta cứ nói khi ký kết hiệp định này, ngành dệt may sẽ có lợi nhất, phát triển nhanh nhất.
Tuy nhiên, khi tham gia TPP, chúng ta chỉ được nhập sợi ở các nước đã ký kết TPP trong khi hiện nay chúng ta đang nhập sợi từ Trung Quốc – quốc gia chưa tham gia TPP.
“Hiện này chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ của nguyên liệu cho ngành dệt may xuất khẩu.
Chưa kể chúng ta chưa có công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp may”, ông Nghị nói thêm.
Về ngành dược, theo ông Nghị khi gia nhập TPP, giá thuốc sẽ ngày càng cao lên trong khi khoản chi cho y tế của ta còn hạn chế, liệu người dân có mua được không?
Từ những phân tích trên, ông Nghị đặt câu hỏi: “Các doanh nghiệp và lãnh đạo các ngành đã nhận thức hết chưa? Hay chỉ xông ra?
Hội nhập là tiến trình chúng ta đã định trước rồi. Tôi nghĩ chúng ta không nên reo mừng quá sớm vì tiến trình đó vừa có mặt tích cực vừa có mặt rủi ro nếu chúng ta không chuẩn bị sẵn.
Ký TPP, chúng ta mới chỉ giành được tấm vé tham dự giải thi bơi còn có bơi qua sông được hay không lại là chuyện khác.
Cái chính là các doanh nghiệp – người chơi chính đã làm được gì và đã sẵn sàng cho cuộc chơi này chưa?
Tôi thấy nhiều doanh nghiệp chưa hiểu TPP là thế nào nên chắc họ sẽ vừa học, vừa làm. Như thế rất khó, đòi hỏi chủ doanh nghiệp phải rất nhanh nhạy”.
Tổng Thư ký Hội Việt – Mỹ nhắn nhủ, các doanh nghiệp Việt phải học hỏi nhanh chóng, không thể ỷ lại như trước nữa.
“Thương trường bây giờ rất mở, cạnh tranh khốc liệt. Mỗi doanh nghiệp cần có quyết tâm trau dồi tri thức, nâng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm”, ông Nghị khẳng định.