Thêm hai trẻ tử vong do sởi
108 trẻ tử vong do sởi và đến chiều 16/4 lại có thông tin từ bệnh viện là hai cháu tử vong nữa. Trong số trẻ tử vong do sởi chủ yếu là ở Hà Nội.
Chiều muộn ngày 16/4, tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi TƯ nhiều người đến thăm người nhà bị sởi. Họ không nói mà chỉ lẳng lặng đi thật nhanh với chiếc khẩu trang cầm trên tay chuẩn bị đeo chống dịch.
Chưa năm nào dịch sởi lại tấn công nguy hiểm như thế. Nhiều trẻ biến chứng đã tử vong. Những thông tin trên được phát đi phát lại trên truyền hình, đài tiếng nói nên người dân cũng hiểu dần được mức độ nguy hiểm và lây lan của dịch sởi. Có lẽ vì thế, người ta cố gắng làm sao để nhanh nhanh thăm người thân và cũng mong mình không mang vi rút sởi về nhà.
Với những người đang chăm con điều trị trong bệnh viện Nhi thì chứng kiến cảnh các bé tử vong và yếu quá gia đình xin về là chuyện diễn ra hàng ngày. Chị Thủy ở Quảng Ninh có con 7,5 tháng tuổi đang điều trị ở bệnh viện Nhi trung ương khóc nức nở khi nhìn con qua khe cửa sổ nhỏ.
Trẻ điều trị ở BV Nhi TƯ.
Còn gái chị nằm giường cấp cứu ngay sát cạnh cửa sổ. Bé đang khua chân tay đòi dứt chiếc bình ô xy ra vì khó chịu. Bé đạp vào dây bình ô xy nhưng bất lực nên người cứ co quắp.
Chị Thủy nhìn con khóc: “Cháu hết thuốc an thần rồi. Bác sĩ đều phải tiêm thuốc an thần cho cháu ngủ để cháu ngủ yên không dứt máy thở ra. Hết thuốc các cháu đau và khó chịu nên cứ giẫy đạp mà điều dưỡng họ bận quá. Mình không ngó để ý con mình thì sốt ruột lắm. Tội nghiệp con, đau lắm đây mà chỉ khua chân tay không nói được”.
Chỉ cách một chiếc cửa kính, chị Thủy vừa nhìn con vừa nói chuyện với con. Những cử chỉ của chị như vỗ về đứa trẻ đang nằm bên trong. Nhìn con một lát, chị lại quay đi để che giấu điều chị đang lo lắng cho bệnh tình của con.
Con chị Thủy khỏe mạnh, cháu chưa tiêm phòng nên khi bị sởi là bị nặng luôn. 10 ngày ở viện với chị là 10 ngày kinh hoàng nhất.
Chị nói “Nhiều người vào thăm bệnh nhi càng làm tôi lo lắm, không biết tình hình dịch như thế nào. Mẹ tôi bảo thời sự ra rả suốt ngày, tôi ở đây thì biết nó kinh hoàng lắm nhưng vẫn động viên ông bà không có gì để họ bớt lo”.
Chồng chị Thủy đưa cho vợ một nắm khẩu trang y tế dặn vợ đeo khi vào gặp con. Anh hiểu được mức độ nguy hại của dịch nhưng vẫn cố động viên vợ: “Con anh ngày khỏe nó mập lắm, chẳng ốm đau gì thế mà bị ốm cái lại nặng ngay”. Con chị nằm ở phòng cách ly đặc biệt nên vợ chồng chị ở ngoài khi bác sĩ gọi thì vào.
Xót xa cảnh hiếm muộn lại rơi vào dịch sởi
Anh Ngô Văn Kiều trú tại Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng, Hà Nội đang đi vào thăm cháu ở bệnh viện Nhi. Anh không giấu nổi nước mắt khi kể về hoàn cảnh gia đình người thân.
Em gái anh lấy chồng 5 năm nay. Cách đây tròn 1 năm gia đình mừng rơi nước mắt vì chị có thai theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Chị sinh đôi nhưng một cháu đã mất vì sinh non, phổi chưa hoàn thiện. Cháu lớn khi sinh nặng 2,3 kg. Sau 7 tháng cháu tăng lên 8 kg. Tháng trước, cháu bị sốt vi rút chạy vào tiêu chảy. Gia đình đưa cháu bé vào Xanh Pôn điều trị.
Cũng tại đây, cháu lây chéo sởi và điều trị ở Xanh Pôn 1 tuần. Cháu về nhà được 3 hôm lại bị suy hô hấp nên nhập viện điều trị. Điều trị ở Xanh Pôn gần 10 ngày không có tiến triển. Đến ngày 12/4 bác sĩ cho chuyển vào bệnh viện Nhi trung ương vì tình hình xấu. Đến nay, cháu bé vẫn trong tình trạng cấp cứu chưa biết thế nào.
Mẹ anh Kiều bất lực trước dịch bệnh, xót cháu bà chỉ biết khóc. Bà kể “Hôm ở Xanh Pôn nó khỏe lắm, tưởng ra viện là an toàn, nào ngờ lại như thế này. Đưa cháu sang BV Nhi cấp cứu tôi vừa đi vừa khóc, mẹ nó không dám cho đến viện vì toàn ngất, sợ không trụ được nên gia đình cố gắng cho ở nhà. Nhưng nó cũng biết rõ dịch nguy hiểm nên người cứ thẫn thờ như đứa mất hồn”.
Chị Thủy xót xa nhìn con.
Trường hợp con chị Bùi Tố Uyên trú tại Hoàng Mai, Hà Nội cũng đáng thương. Chị Uyên cưới nhau 8 năm mới sinh được mụn con. Bé được hơn tháng cháu lại bị suy hô hấp độ 2 nên chị chuyển con từ Bệnh viện Thanh Nhàn sang BV Nhi Trung ương. Cháu điều trị cách ly trong khoa sơ sinh.
Để giảm chi phí cả triệu đồng/ngày chị Uyên xin cho con ra viện. Nhà xa mà phải điều trị theo dõi hàng ngày nên chị Uyên thuê khách sạn gần bệnh viện ở để buổi sáng đưa con vào viện tiêm chiều về.
Được 1 tuần, cháu tiếp tục mắc sởi. Đến nay cháu bé vẫn nằm điều trị tại đây mà chưa biết thế nào. Vợ chồng chị nhìn đứa con yêu bụng đầy ban sởi, mặc quần áo bệnh nhân mà tim gan thắt lại.