Có mặt tại lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại thôn An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), cụ bà Công Tôn Nữ Tri Huệ (SN 1922, ở làng Hương Cần, xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã không giấu được cảm xúc, sự kính trọng, niềm tiếc thương vô hạn của mình đối với Đại tướng.
Cụ Công Tôn Nữ Tri Huệ từ Huế ra viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại An Xã, Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình
Cụ bồi hồi kể lại: "Khoảng gần 7 năm trước tôi có may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tặng cụ “trái dựa” màu vàng tại nhà riêng ở Hà Nội. Nhưng sao mà vị Đại tướng của chúng ta gần gũi và giản dị quá chừng.
Lúc đó, tôi có xưng với Đại tướng: "Kính thưa cụ, con ở Huế ra...".
Nhưng Đại tướng vội ngắt lời bà: "Bà đừng gọi thế". Nên sau đó tôi vội chữa cách xưng hô và nói: "Kính thưa cụ, lần đầu tiên tôi được ra Hà Nội thăm Lăng Bác Hồ, lại được cụ để ý lời thỉnh cầu của tôi xin được gặp cụ để thỏa lòng mong ước, tôi vô cùng cảm kích. Mừng cụ và phu nhân khỏe mạnh. Tôi có làm “trái dựa” này được hân hạnh kính tặng cụ"".
Đại tướng nói: "Chúng tôi cảm ơn bà" - rồi Đại tướng hỏi thăm sức khỏe và cuộc sống của gia đình ở quê. Những câu chuyện với Đại tướng tôi không thể nào quên được".
Theo cụ Huệ, ông và cha cụ thuộc dòng dõi triều đình nhà Nguyễn và là cháu nội của Hoàng tử Miên Lâm (vị Hoàng tử thứ 57 của vua Minh Mạng), nhưng cũng là những người có tâm huyết với đất nước. Ông nội cụ phò tá vua Hàm Nghi, bác ruột phò vua Thành Thái chống Pháp, sự việc không thành, phải tự vẫn.
Là con gái ông Hường Dẫn, bà Trí Huệ lúc còn nhỏ giúp gia đình làm thuốc bắc, lớn lên đi học may để may vá cho các bà trong cung. Sau Cách mạng tháng Tám, bà là cán bộ xã Hương Toàn, ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ cứu quốc huyện Hương Trà rồi về hầu bà Hoàng thái hậu Từ Cun và phụng trực lăng vua Minh Mạng.
Bà đã che giấu cho nhiều cán bộ hoạt động trong thành phố Huế, tiếp tế cho bộ đội và cán bộ ở chiến khu. Bà cũng đã bị địch bắt giam ở lao Thừa Phủ và Mang Cá.
"Cha tôi là Hường Dẫn giúp vua Duy Tân, sự việc không thành, cũng phải chịu giam cầm. Trong hai cuộc kháng chiến, tôi cũng có tham gia cách mạng, nuôi giấu cán bộ, tiếp tế thuốc men cho bộ đội ta…" - cụ Huệ cho biết.
"Tôi đã hơn 90 tuổi, nhưng câu chuyện, hình ảnh thân mật được gia đình Đại tướng tiếp chuyện thật là vui sướng, cảm động quá. Bao nhiêu ngày mong đợi được gặp Đại tướng cũng đã toại nguyện. Nhưng mãi mãi về sau không thể gặp được Đại tướng nữa rồi..." - cụ Tri Huệ lặng đi.
Dòng người xếp hàng vào viếng Đại tướng ở An Xá (Lộc Thủy, Lệ Thủy)
-------
Lời tòa soạn: Hàng triệu người dân Việt đang từng giờ từng phút dõi theo Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lòng thành kính và nỗi tiếc thương vô hạn. Để tiện theo dõi, bạn đọc có thể bấm vào các nội dung dưới đây cho phù hợp với nhu cầu thông tin của mình:
1) Tường thuật Lễ viếng Đại tướng tại Hà Nội, Quảng Bình, TP.HCM
Thông tin xung quanh: Danh sách Ban tang lễ; Lịch trình tang lễ; Giờ viếng ở Hà Nội - Quảng Bình - TPHCM; Phân luồng giao thông ở Hà Nội
2) Tiếp sóng truyền hình trực tiếp Lễ Truy điệu và Lễ An táng Đại tướng
3) Nơi AN NGHỈ của Đại tướng tại Quảng Bình: Vì sao Đại tướng chọn Vũng Chùa; Hình ảnh Vũng Chùa; Chỉ dẫn đường vào Vũng Chùa; Nhà ngoại cảm ngưỡng mộ nơi yên nghỉ của Đại tướng
4) Chính trị gia, chuyên gia trên thế giới nghiêng mình trước Đại tướng
5) Những BÀI BÁO ĐẶC BIỆT chỉ có ở Soha.vn
(Danh sách này LIÊN TỤC CẬP NHẬT khi có thông tin mới)
Mời quý độc giả gửi ẢNH, VIDEO tự chụp, quay (bằng điện thoại di động, máy ảnh) về Lễ tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho Tòa soạn theo email: sohanews1@gmail.com. Trân trọng cảm ơn!