Sau này lớn lên, người con của quê hương Đồng Khởi được tổ chức tín nhiệm giao nhiệm vụ tối mật. Đó là cải trang thành thiếu nữ để thâm nhập vào “Nữ thám báo Thiên Nga Phụng Hoàng”, một tổ chức hoạt động hết sức ma quái của địch. Suốt 5 năm “giả gái” tác chiến độc lập trong lòng địch, chiến sĩ tình báo huyền thoại không hề để lộ một chút sơ hở nào. Chính điều đó đã giúp cho viên tình báo Huỳnh Văn Thắng cung cấp được nhiều thông tin giúp du kích tiêu diệt được nhiều tên ác ôn nằm vùng.
Quá khứ cơ cực của cậu bé xứ dừa
Trước mặt chúng tôi là người đàn ông ngoài 60, gương mặt đôn hậu, ông cười giòn: “Hồi xưa lúc giả gái tui gọn ghẽ lắm, da trắng trẻo chứ không đen như bây giờ”. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có nhiều anh hùng đã hi sinh cho cách mạng xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Mảnh đất này cũng từng là cái nôi cho cuộc Đồng Khởi năm 1960. Ở nơi đây, ngày ngày có câu bé Huỳnh Văn Thắng (Năm Thắng) suốt ngày len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm để bán bánh bò, bánh dừa. Trong gia đình, cha và hai anh lớn đi theo cách mạng, ở nhà chị còn bà mẹ già và hai em gái, nên ngay từ nhỏ mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do một bàn tay Thắng lo lieu.
Hàng ngày, cậu bé Thắng đi dọc ven sông khi ở vùng bến đò, bến xe, chợ Ngã Năm với đôi chân trần, khoác lên mình chiếc áo bà ba trên tay là một thúng bánh trái. Miệng rao bán: “Ai bánh bò, bánh dừa, bánh chuối…”. Nghe tiếng rao từ lúc mặt trời còn chưa ráo sương của cậu bé độ chừng 13, 14 tuổi của Thắng, ai cũng suýt xoa khen ngợi, còn nhỏ mà rất hiếu thảo. Đã thế, tuy suốt ngày phơi nắng đến tận tối mịt mới về, nhưng cậu bé Thắng lại có nước da trắng bóc, khuôn mặt bầu bĩnh, khó mà phân biệt được trai hay gái nên ai cũng quý mến. Có lẽ vì được ưu ái như thế, chuyện buôn bán của Thắng rất “xuôi chèo” đi đâu cũng có người ủng hộ mua bánh trái.
Năm Thắng 17 tuổi, nhận thấy chàng trai là con nhà nghèo nhưng lại có truyền thống cách mạng, siêng năng làm việc nên xã đã cử đi học lớp cứu thương để về cứu chữa cho thương binh. Cũng từ đây, Năm Thắng bắt đầu bén duyên với nghiệp chiến sĩ tình báo. Ngoài việc thức dậy từ sáng sớm để đi “buôn thúng, bán bưng”, Thắng còn đi làm “chú liên lạc” với “cái chân thoăn thoắt” ngày ngày đi lấy tin tức của Đài tiếng nói Việt Nam từ Hà Nội và Đài Phát thanh Nam bộ phục vụ cho quân ta nắm bắt tình hình chiến sự.
Trước đó, Năm Thắng đã từng tận mắt chứng kiến người anh trai thứ ba Huỳnh Văn Tác hi sinh trong trận đánh lịch sử năm 1968. Không có gì đau đớn hơn trước sự ra đi của người thân, cậu bé Thắng đã nuôi trong mình lòng căm hận bọn giặc Mỹ vô cùng sâu sắc. Có lúc, Thắng còn tức giận đòi đem dao đi tìm bọn lính Việt Nam Cộng Hòa chém cho tả tơi. Nhưng khi nghe bà mẹ phân tích thiệt hơn, “anh hùng mười năm trả thù không muộn”. Từ đó, Thắng đã nhen nhóm trong mình ý chí trả thù lũ giặc ác ôn hại dân.
Càng ngày tình hình chiến sự càng thêm gay gắt, khi bọn địch hoạt động ngày một xảo quyệt hơn. Đặc biệt, lúc bấy giờ tại khu vực huyện Mỏ Cày và các vùng lân cận xuất hiện một tổ chức của Mỹ hoạt động rất tinh vi, chúng đã phái nhiều quân trà trộn vào quân ta giết hại nhiều cán bộ cách mạng. Đó là tổ chức tình báo Thiên Nga. Đứng trước nhiều mối lo nguy hại, vào cuối năm 1970, Ty Công an Trưởng tỉnh Bến Tre đã ra chỉ thị bằng mọi cách phải đưa được người của ta vào trong lòng địch. Áp dụng kế sách “lấy độc trị độc”, cài nữ tình báo của ta vào tổ chức này. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao tìm được một nữ thám báo vừa nhanh nhẹn, gan dạ lại đầy mưu lược và đáng tin cậy để nhận lãnh nhiệm vụ được giao phó. Dường như đây là một việc làm khó khăn, tưởng chừng như rơi vào bế tắc.
Lại nói về cậu bé Năm Thắng nay đã trưởng thành, ra dáng là một người thanh niên khôn lớn, lanh lẹ, hoạt bát. Trong thời gian này, Năm Thắng được cử đến chăm sóc sức khỏe cho ông Ba Hội, Trưởng Ty Công an Bến Tre đang về xã Định Thụy để trực tiếp tổ chức mạng lưới tình báo của ta. Nhìn thấy cậu thanh niên đi đứng nhẹ nhàng lại có nước da trắng như bông bưởi, dáng người gọn ghẽ, cao ráo. Ngay lập tức, trong đầu ông nảy ra ý định nhờ Năm Thắng giả làm con gái, thâm nhập vào tổ chức hoạt động đặc biệt này.
Lột xác thành mỹ nữ để hoạt động
Sau khi nhận lời “giả gái” làm nữ thám báo, Năm Thắng vừa mừng vừa lo, bởi cử chỉ nhẹ nhàng giống thiếu nữ thì ông “có thừa”. Nhưng ngặt nỗi, về giọng nói thì vẫn “chuẩn” nam giới, nên Năm Thắng đã về thưa lại với mẹ là bà Trương Thị Chánh. Khi nghe con trai thông báo sẽ tham gia vào tổ chức nữ thám báo của Thiên Nga để làm tình báo, bà Chánh đã ủng hộ con trai hết lòng. Và bà trở thành “quân sư” bất đắc dĩ, chỉ bảo con trai cách hành xử đi đứng như một thiếu nữ miệt vườn thực thụ.
Bẵng đi một thời gian, người dân trong vùng Định Thụy không ai còn nghe thấy tiếng rao thánh thót vang cả xóm vào mỗi buổi sáng của con trai bà Chánh lang thang bán bánh lá dừa. Thì ra, để có thể hóa thân làm con gái được suôn sẻ, suốt thời gian đó Năm Thắng đã đóng cửa trong nhà để “tu” làm kiếp “thân gái dặm trường”. Cậu thanh niên ngay từ nhỏ chỉ quen với bàn tay nắm chiếc chổi xệ quét nhà, tay chai sạn vì suốt ngày bưng bê thúng bánh trái nay phải tự học nhảy đầm để có bước đi uyển chuyển, là lượt. Trước đây, ăn uống xuề xòa là thế nay phải ăn uống từ tốn để cho ra dáng thư thái. Ngoài ra, để trở thành người “con gái” quyến rũ, làm chao đảo đám lính ngụy háo sắc, Năm Thắng còn phải nâng ngực, mặc áo ngực, để tóc dài uốn ngang vai và gội đầu bồ kết để thêm phần nữ tính.
Một thời gian ngắn “rèn giũa”, hình dáng bên ngoài của Năm Thắng đã giống con gái. Tuy nhiên, “bản chất” nam giới của ông thì vẫn chưa có gì thay đổi. Lúc ấy, Năm Thắng chợt nghe các chú, các bác trong tổ chức “mách nước” rằng có một loại thuốc (hóc môn –PV) khi tiêm vào cơ thể người đàn ông thì bộ phận sinh dục sẽ bị “teo” lại và có thể mất luôn khả năng dòng dõi. Sau nhiều đêm vắt tay lên trán trằn trọc suy nghĩ, ông quả quyết: Để có thể trả thù nhà, nợ nước và giúp cho cách mạng thì hi sinh hạnh phúc của bản thân cũng không còn gì phải hối hận. Nghĩ là làm, ngay sáng hôm sau ông một mình đến gặ bác sĩ Từ đề nghị ông chích mũi thuốc làm giảm “nam tính” trong ông.
Khi nghe chàng trai còn trẻ tuổi lại có đề nghị không giống ai, vị bác sĩ nọ đã khước từ và giải thích, chích thuốc này vào hậu quả là khôn lường và có thể bị tuyệt tự, không vợ không con. Vậy nhưng, Năm Thắng vẫn cố nài nỉ: “Thôi bác sĩ cứ chích cho con đi. Vì cuộc sống của con hiện giờ rất khó khăn, con phải đi buôn bán để nuôi cha mẹ già và hai em nhỏ. Thời buổi buôn bán khó khăn, là thân con trai rất khó cho việc buôn bán. Hoàn cảnh của con sau này như thế nào thì kệ thôi, đành phải phó mặc cho số phận”. Nghe lời tỉ tê của Năm Thắng, bác sĩ Từ có phần xiêu lòng. Nhưng vì đây là chuyện liên quan đến hạnh phúc cả một đời người, ông không thể tự quyết định. Ông yêu cầu Năm Thắng phải đưa mẹ đến đây gặp bác sĩ và được sự đồng ý của bậc làm cha mẹ mới có thể tiến hành chích thuốc.
Làm theo lời bác sĩ “nếu chị Hai (mẹ ông Thắng) nhất trí tôi sẽ giúp”. Nên lần sau đến, ông đã đưa mẹ đi cùng. Khi nghe bác sĩ trình bày, do biết trước được ý nguyện của con trai mong được phục vụ cho cách mạng, bà Chánh cũng “giả lả”: “Thôi giờ nguyện vọng của thằng Năm nó muốn như vậy, tôi làm mẹ cũng đau khổ lắm. Nhưng bác sĩ thương gia đình tôi, bác sĩ cứ cho nó được toại nguyện”.
Sau hơn nửa năm trải qua nhiều lần “sát hạch” khả năng “giả gái” của tổ chức và của người “thầy” gần gũi với ông nhất là bà Chánh, Năm Thắng chính thức bước ra ngoài với một diện mạo mới. Người dân Định Thủy ai nấy đều “mắt tròn mặt dẹt” khi phát hiện Huỳnh Văn Thắng là đứa con gái để tóc ngắn bấy lâu nay của bà Chánh. Cũng từ đó, người dân không ai còn thấy cậu thanh niên Năm Thắng lam lũ với dép lê nơi đầu đường xó chợ, mà thay vào đó là cô thiếu nữ miệt vườn nói năng nhẹ nhàng, nghe rất mượt với làn da trắng như bông bưởi, khuôn mặt phúng phính bầu bĩnh, vóc dáng cân đối. Cùng với diện mạo mới, Năm Thắng cũng đổi thẻ căn cước mới, lấy tên là Huỳnh Thị Thanh mật danh F5, hay còn gọi là Năm Thanh. Cũng từ đây, cuộc đời của “cô gái” Năm Thanh bắt đầu những ngã rẽ mới khi nhận nhiệm vụ tác chiến độc lập nơi hang hùm miệng sói.